Xả thải ở Fukushima: Nhật Bản triệu Đại sứ Trung Quốc, hạn chế Nga làm điều này

Nhật Bản đã bày tỏ thái độ trước phản ứng của một số quốc gia láng giềng và khu vực liên quan đến hoạt động xả thải tại nhà máy Fukushima.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đã phải đối mặt nhiều cuộc gọi quấy rối tại Trung Quốc sau quyết định xả thải tại nhà máy Fukushima. (Nguồn: EPE-EPA)

Các doanh nghiệp Nhật Bản đã phải đối mặt nhiều cuộc gọi quấy rối tại Trung Quốc sau quyết định xả thải tại nhà máy Fukushima. (Nguồn: EPE-EPA)

Ngày 28/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Okano Masataka đã triệu Đại sứ Trung Quốc về nhiều trường hợp gọi điện quấy rối từ Trung Quốc liên quan đến việc xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Thông cáo cho biết các cuộc gọi diễn ra đối với cả cơ sở của Nhật Bản ở Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh nhanh chóng có hành động thích hợp và đảm bảo an toàn cho công dân Nhật Bản.

Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cũng lấy làm tiếc về những cuộc gọi trên. Trước đó, Tokyo đã kêu gọi Bắc Kinh “bảo đảm sự an toàn cho cư dân Nhật Bản ở Trung Quốc”, sau làn sóng quấy rối điện thoại nhắm vào các doanh nghiệp tại Nhật Bản sau khi xứ sở hoa anh đào quyết định xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Nhật Bản khẳng định vụ xả nước thải đã qua xử lý là an toàn và ngày 27/8, nước này đã công bố dữ liệu mới chứng minh vùng biển ngoài khơi Fukushima tiếp tục duy trì mức độ phóng xạ trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc lại kiên quyết phản đối và cấm nhập khẩu tất cả hải sản từ Nhật Bản, cho rằng xả thải gây ô nhiễm đại dương.

Trong một tin liên quan, trả lời báo giới, học giả Nga Valentin Sergiyenko cho biết Nhật Bản sẽ không cho phép tàu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga nghiên cứu quá trình xả thải từ nhà máy Fukushima.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thực hiện các hoạt động (nghiên cứu) này ngay sau vụ sự cố, bao gồm hoạt động thám hiểm, nhưng người Nhật đã hạn chế quyền tiếp cận khu vực kinh tế của họ. Họ sẽ không cho tàu của chúng tôi vào hay tiến hành nghiên cứu. Đó là lý do tại sao chúng tôi chỉ có thể làm việc ở khoảng cách 150-300 km tính từ Fukushima, chúng tôi chỉ nhìn thấy dấu vết".

Theo học giả này, điều quan trọng là phải biết nước thải được pha loãng như thế nào. Nếu nó được thải ra cùng một lúc, mức độ bức xạ cục bộ có thể vượt quá nhiều lần.

(theo Reuters, TASS)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xa-thai-o-fukushima-nhat-ban-trieu-dai-su-trung-quoc-han-che-nga-lam-dieu-nay-239954.html