Xã Thanh Thùy: Phát triển nghề truyền thống để xây dựng quê hương
Hân hoan đón chào một mùa Xuân mới, những thành quả đáng tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Thanh Thùy đạt được trong một năm gian khó, góp vào thành tích chung của quê hương Thanh Oai. Kết quả ấy có được cũng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề truyền thống.
Ông Lê Văn Cảnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho rằng, việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Oai là yêu cầu, nhiệm vụ tất yếu trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống cho người dân.
"Với xã Thanh Thùy, sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề những năm qua đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường và đem lại cuộc sống sung túc cho người làm nghề, tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng và phát triển địa phương", ông Cảnh nói.
Theo ông Lê Văn Cảnh, từ năm 2003, 6/6 thôn của xã Thanh Thùy đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Cụ thể có 5 làng nghề cơ khí (gồm: Rùa Thượng, Rùa Hạ, Từ Am, Gia Vĩnh, Dụ Tiền) và làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Dư Dụ. Hiện có 2061 hộ gia đình tham gia làm hai nghề truyền thống, chiếm 85% tổng số hộ của toàn xã; có 215 công ty, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề trên địa bàn với số lượng lao động từ 10 đến 40 công nhân. Tổng số lao động toàn xã là 3850 người, trong đó lao động đã qua đào tạo chiếm 40%.
"Các nghề truyền thống với mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình ở Thanh Thùy đã tận dụng được tối đa lực lượng lao động. Người già, hết tuổi lao động nhưng vẫn có thể vừa làm nghề vừa truyền nghề cho con cháu. Các cháu học sinh đi học về có thể tham gia những việc vừa sức mình. Ngay cả con em trong xã đi học xa, những kỳ nghỉ hè cũng có thể về làng tranh thủ làm thêm để kiếm tiền ăn học, đỡ đần cho bố mẹ", Người đứng đầu Đảng bộ xã Thanh Thùy bày tỏ.
Sản phẩm cơ khí của Thanh Thùy làm ra rất phong phú, từ thứ nhỏ nhất là cái đinh mũ, đinh tôn, ốc vít… những sản phẩm đơn giản như bản lề, long đen, cờ lê... cho đến các sản phẩm phức tạp, mang tính thẩm mỹ cao như ổ khóa, tay nắm cửa, thiết bị nhà tắm, nhà vệ sinh... Thợ cơ khí của Thanh Thùy còn có thể thực hiện nhiều sản phẩm, chi tiết phục vụ các ngành công nghiệp tính chính xác và chất lượng cao như điện tử, xây dựng, lắp ráp xe máy…
Nghề điêu khắc mỹ nghệ Dư Dụ là nghề truyền thống lâu đời được nhân dân duy trì phát triển qua nhiều thế hệ. Cùng bắt nhịp với sự đổi mới khoa học công nghệ của đất nước, người dân, người thợ làng nghề điêu khắc Dư Dụ với bàn tay khéo léo, tinh xảo đã cho ra thị trường những sản phẩm có chất lượng thẩm mỹ cao như tượng phật, tượng mỹ nghệ, các con giáp, chiếu hạt… được người tiêu dùng trong cả nước đón nhận, thậm chí xuất khẩu ra các nước như Trung Quốc, Đài Loan, khu vực Asean… Doanh thu từ các làng nghề đạt 491 tỷ đồng/năm.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thùy, thời gian qua được sự quan tâm của huyện Thanh Oai và thành phố Hà Nội, xã đã quy hoạch và xây dựng cụm công nghiệp làng nghề kim khí Thanh Thùy với diện tích 5,5 ha. Dự kiến năm 2021, huyện Thanh Oai sẽ triển khai cụm công nghiệp làng nghề giai đoạn 2 với diện tích là 6,5ha, đấu giá lô 3 giai đoạn 1 cụm công nghiệp trên 1,1 ha để tạo điều kiện cho 40 doanh nghiệp mở rộng diện tích cơ sở sản xuất thu hút trên 1000 lao động và có điều kiện xử lý môi trường.
"Với quy mô sản xuất lớn hơn, làng nghề đã có nhiều thay đổi, đã áp dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, kỹ thuật tinh xảo, máy đột dập trăm tấn, dây chuyền sản xuất được khép kín làm phong phú thêm các mặt hàng, nhờ đó phục vụ ngày càng tốt hơn cho các ngành công nghiệp như điện tử, xe máy, công nghiệp xây dựng… tiêu thụ sản phẩm khắp các tỉnh thành trong cả nước", ông Cảnh chia sẻ.
Theo các báo cáo về kinh tế - xã hội của xã Thanh Thùy trong nhiều năm qua, sự phát triển của các làng nghề đã đóng góp quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Đến nay cơ cấu kinh tế công nghiệp tiểu thủ công nghiệp chiếm 67%, thương mại dịch vụ chiếm 27%, nông nghiệp còn 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,37%. Đây là nền tảng vững chắc để xã Thanh Thùy hoàn thành xây dựng chương trình nông thôn mới năm 2017 tạo động lực để tiếp tục phát triển và xây dựng xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Ông Lê Văn Cảnh cho hay, giai đoạn thực hiện chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Thùy đã chú trọng xây dựng các kế hoạch, đề án, tiến hành khảo sát tình hình thực tế địa phương, thường xuyên quan tâm xây dựng phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển nông nghiệp và hạ tầng nông thôn tạo việc làm ổn định cho nhân dân. Trong đó, đặc biệt quan tâm tạo điều kiện cho các cơ sở xây dựng thương hiệu đặc biệt là xây dựng nhãn hiệu tập thể, chú trọng công tác đề nghị xét danh hiệu nghệ nhân các làng nghề.
"Từ những đóng góp rất lớn của các làng nghề đối với sự phát triển của địa phương. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa để các cơ sở làm nghề trên địa bàn phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Cụ thể, trong Nghị quyết của Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định phát triển làng nghề truyền thống là một trong 2 khâu đột phá. Trên cơ sở đó, đề ra các mục tiêu, tầm nhìn, định hướng lớn nhằm khai thác tối đa lợi thế để phát triển mạnh mẽ, cùng quê hương Thanh Oai tạo đột phá trong hành trình phát triển huyện giàu đẹp, hiện đại, văn minh", Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thùy Lê Văn Cảnh nhấn mạnh.