Xạ thủ kỳ tài TLPK Việt Nam: Cấp tốc sử dụng vũ khí mới - Diệt 6 máy bay địch
Khi anh em tiểu đội thương vong gần hết, Phan Kim Kỳ với khẩu AK, một cơ cấu phóng tên lửa, đã bò sát hàng rào ngay đầu đường băng Tân Khai nhằm khi máy bay cất cánh để phóng đạn.
Vào một ngày trung tuần tháng 7 cách đây 2 năm, nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2018), Trường Đại học Thủy lợi đã được đón nhận một số di vật của Anh hùng LLVTND Phan Kim Kỳ - cựu sinh viên lớp 9C2 của trường, nhập ngũ ngày 24/8/1970 - do đại diện gia đình và Ban liên lạc Bạn chiến đấu A72 trao tặng.
Tấm gương dũng cảm, anh hùng trong chiến đấu
Đó là những tấm Giấy chứng nhận đeo Huân chương Chiến công Giải phóng, Giấy chứng nhận Danh hiệu "Dũng sỹ diệt máy bay Mỹ ngụy", Giấy chứng nhận Chiến sỹ thi đua, Giấy chứng nhận tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh… của xạ thủ tên lửa A72 Phan Kim Kỳ trong những năm tháng chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường miền Nam.
Cầm trên tay những di vật quý đã nhuốm màu thời gian gần nửa thế kỷ đó, ông Trần Văn Xuân - Trưởng Ban liên lạc Bạn chiến đấu A72 đã xúc động kể lại với đại diện lãnh đạo Trường Đại học Thủy lợi và những người có mặt trong buổi lễ về người đồng đội thân thiết của mình.
Ngày 20/2/1949 tại làng Đồng Hiền, xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, Phan Kim Kỳ đã được sinh ra trong một gia đình yêu nước, giàu truyền thống hiếu học.
Cha là cụ Phan Chơng - một thầy thuốc Đông y nổi tiếng. Gia đình Phan Kim Kỳ có 5 anh chị em, trong đó người anh đầu là kỹ sư giao thông Phan Kim Khuê từng tham gia thông tuyến, mở đường Trường Sơn những năm đánh Mỹ và sau này tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người em trai kế tiếp ông Phan Kim Kỳ là liệt sỹ Phan Kim Quỳnh, bộ đội Đặc công đã hy sinh anh dũng trên chiến trường miền Đông Nam bộ năm 1970...
Ông Phan Kim Kỳ nguyên là học sinh khóa đầu tiên của Trường cấp 3 Yên Thành 2. Năm 1970 khi đang là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Thủy lợi, nghe tin em trai hy sinh tại chiến trường, ông đã viết đơn tình nguyện gia nhập quân đội.
Ngày 24/8/1970, cùng nhiều sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, ông đã nhập ngũ vào Sư đoàn 325B bộ binh, sau đó được chuyển về làm nhiệm vụ ở Tiểu đoàn 42, Trung đoàn 263 tên lửa phòng không của Quân chủng PKKQ.
Tiếp đó, toàn bộ quân số của Tiểu đoàn 42 lại được Quân chủng điều về làm khung thành lập Tiểu đoàn 172 để tham gia một khóa huấn luyện đặc biệt cấp tốc sử dụng loại vũ khí mới là tên lửa vác vai 9K32 Strela-2 (Việt Nam gọi là tên lửa A72) do Liên Xô vừa viện trợ.
Lúc bấy giờ tình hình trên các chiến trường ở miền Nam vô cùng ác liệt. Máy bay địch bắn phá, ném bom thẳng vào đội hình chiến đấu của các đơn vị bộ binh của ta, gây ra nhiều tổn thất.
Yêu cầu phải tiêu diệt các loại máy bay tầm thấp như trực thăng, máy bay trinh sát, máy bay chiến đấu của địch được đặt ra hết sức cấp thiết.
Vì vậy sau khóa huấn luyện cấp tốc ấy, ông Phan Kim Kỳ và các đồng đội Tiểu đoàn 172 TLPK Việt Nam đã lặng lẽ hành quân bộ vượt Trường Sơn vào tham gia chiến đấu tại chiến trường B2 - miền Đông Nam bộ.
Khi vào chiến trường, ông Phan Kim Kỳ và ông Trần Văn Xuân là hai Tiểu đội trưởng ở cùng Trung đội 2, Đại đội 3 của Tiểu đoàn 172 nên các hoạt động chiến đấu và thành tích, chiến công của ông Phan Kim Kỳ vẫn được ông Trần Văn Xuân nhớ rất rõ!
Đó là ngay từ những trận chiến đấu đầu tiên ở chiến trường, ông Phan Kim Kỳ đã tỏ rõ ý chí dũng cảm và lập công xuất sắc. Điển hình là khi đơn vị tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972.
Hôm ấy, trên đường 13, khi anh em tiểu đội thương vong gần hết, một mình một khẩu AK, một cơ cấu phóng tên lửa A72, Phan Kim Kỳ đã bò sát hàng rào ngay đầu đường băng Tân Khai nhằm khi máy bay cất cánh để phóng đạn.
Hành động anh hùng đó của ông Phan Kim Kỳ đã được Sư đoàn 75 tuyên dương và nêu thành tấm gương cho toàn Sư đoàn học tập.
Trong các trận chiến đấu từ năm 1972 đến năm 1974, ông Phan Kim Kỳ đã mưu trí, dũng cảm bắn rơi bắn rơi 6 máy bay địch các loại gồm 1 chiếc A37, 1 chiếc C130, 2 chiếc AD6, 2 chiếc AH1G.
Với thành tích đó, ông được tặng 2 Huân chương Chiến công Giải phóng, 6 lần được tặng thưởng Danh hiệu "Dũng sỹ diệt máy bay Mỹ ngụy"; được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp Miền… Ngày 11/3/1973, ông Phan Kim Kỳ được vinh dự kết nạp vào Đảng.
Do lập công xuất sắc và có tài chỉ huy nên năm 1974, Tiểu đội trưởng Phan Kim Kỳ đã được cấp trên phong đặc cách lên làm Đại đội phó quân sự của Đại đội 3, Tiểu đoàn 172. Dịp ấy, ông Trần Văn Xuân cũng được phong đặc cách lên làm Chính trị viên phó Đại đội.
Năm 1976, ông Phan Kim Kỳ vinh dự được đại diện cho Đại đội 3 của Tiểu đoàn 172 ra Hà Nội đón nhận danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho Đại đội của mình tại Hội nghị Thi đua Quyết thắng của Quân chủng PK-KQ.
Một cán bộ Thủy lợi gương mẫu, tâm huyết, tận tình với mọi người
Cuối năm 1976, ông Phan Kim Kỳ được xuất ngũ và trở lại Trường Đại học Thủy lợi tiếp tục học tập. Tốt nghiệp ra trường năm 1979, ông được phân công về công tác tại Sở Thủy lợi Nghệ An.
Ai đã từng công tác tại Sở Thủy lợi Nghệ An những năm 1980 - 1990 của thế kỷ trước (nay sáp nhập vào Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chắc hẳn còn nhớ một cán bộ có dáng người dong dỏng cao, tính tình hiền lành, đức độ, luôn gương mẫu trong tác phong, lối sống... Đó chính là kỹ sư thủy lợi Phan Kim Kỳ - Phó Phòng Tổ chức cán bộ của Sở Thủy lợi.
Trong không khí xúc động của buổi lễ, sau khi trao tặng lãnh đạo nhà trường những di vật của chồng để lai, bà Hoàng Thị Huyên - vợ Anh hùng Phan Kim Kỳ tâm sự:
"Tôi và anh Kỳ cùng học trường Đại học Thủy lợi. Khi tôi vào trường tháng 9/1970 thì anh học hết năm thứ 2 và vừa nhập ngũ ngày 24/8/1970. Chúng tôi quen nhau và nên vợ nên chồng khi đã về công tác ở Sở Thủy Lợi tỉnh Nghệ An. Anh làm ở Văn phòng Sở còn tôi công tác ở một đơn vị thuộc Sở…
Anh Kỳ là một người tâm huyết, chu đáo, tận tình với mọi người nên được mọi người từ bà con thân thuộc đến đồng nghiệp mến phục. Ai cũng thương tiếc khi anh bị căn bệnh hiểm nghèo năm 1996 và mất năm 1998…
Khi anh còn thì các con cũng còn nhỏ nên cũng ít khi được nghe bố kể lại những cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ và những chiến công vẻ vang của đơn vị cũng như của cá nhân mình.
Tôi có nghe anh kể đơn vị A72 là đơn vị dùng vũ khí tên lửa đất đối không, luôn đi trước để yểm trợ cho bộ binh ta tiến đánh và cứ mỗi một lần bắn một quả đạn xong là vác nòng pháo rời khỏi vị trí.
Khi bắn phải tính toán sao cho chính xác mới trúng được máy bay địch. Tôi còn nhớ có những lần gặp lại bạn bè cũ cùng đơn vị của anh đến chơi nhà chúng tôi, các anh ôn lại kỷ niệm của một thời chinh chiến…
Anh là một người cẩn thận và chín chắn nên tuy trong chiến trường khói lửa gian nan, vất vả nhưng anh vẫn giữ và mang theo được những tấm hình và thư từ của đồng đội. Bây giờ tôi vẫn đang lưu giữ lại những tấm hình quý giá ấy…".
Thật vinh dự và tự hào cho gia đình, quê hương, đồng đội và các đơn vị nơi ông từng công tác, theo Quyết định số 622/QĐ-CTN ngày 26/4/2018 của Chủ tịch nước, ông Phan Kim Kỳ đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" vì đã có thành tích đặc biết xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Điều đáng trân trọng trong câu chuyện này là các đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp một thời của ông Phan Kim Kỳ vì cảm phục công lao, thành tích và sự cống hiến của ông đã không quản vất vả, tự nguyện lặn lội đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để hoàn thiện hồ sơ thủ tục để Nhà nước truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho ông.
Đó cũng là điều làm cho chúng ta thêm ấm lòng bởi đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, nhân dân và Tổ quốc không bao giờ lãng quên công ơn của những người đã ngã xuống để đất nước có được hòa bình, độc lập như ngày hôm nay.