Xã Thuận khai thác thế mạnh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân

Nằm trên đường vào các xã vùng Lìa, xã Thuận (huyện Hướng Hóa) cách thị trấn Khe Sanh khoảng chừng 17 km. Toàn xã có 13 thôn, bản trong đó có 10 bản của đồng bào dân tộc thiểu số, còn lại 3 thôn của người Kinh từ các địa phương khác đến đây lập nghiệp. Dân số toàn xã có 739 hộ với 3.443 nhân khẩu. Trong những năm qua với sự hỗ trợ nhiều mặt của nhà nước, các tổ chức quốc tế, xã Thuận tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

 Nhiều tuyến đường về các bản làng ở miền núi Hướng Hóa đã được bê tông hóa

Nhiều tuyến đường về các bản làng ở miền núi Hướng Hóa đã được bê tông hóa

Riêng trong năm 2018 nhà nước đã hỗ trợ cho xã Thuận nhiều tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và các công trình phục vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó có các đường liên thôn, liên bản như đường từ Bản 5 đi Bản 6 (giai đoạn 2) với kinh phí 888,2 triệu đồng; đường từ Bản 6 sang thôn Thuận Hòa giai đoạn 2, mức đầu tư 670 triệu đồng, đường từ Bản 3 đi Bản 4, kinh phí 183 triệu đồng; duy tu, sửa chữa cống tràn đường bản Giai đi thôn Thuận Trung 50 triệu đồng. Lồng ghép nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng công trình giao thông Bản 7, nguồn vốn được phân bổ 400 triệu đồng; đường giao thông Bản 1 kinh phí 507 triệu đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, thực hiện trồng cây ăn quả 239 triệu đồng. Bên cạnh đó triển khai xây dựng Trường Tiểu học xã Thuận, 6 phòng học với kinh phí 3,3 tỉ đồng; xây dựng điểm trường mầm non Bản 2 và Bản 1, quy mô 4 phòng học, với mức đầu tư 3,2 tỉ đồng. Theo báo cáo của xã, tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng năm 2018 là 10,3 tỉ đồng; trong đó người dân địa phương đóng góp 174,2 triệu đồng. Đó là chưa kể các nguồn vốn đầu tư khác, góp phần làm thay đổi các bản, làng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Về phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND xã Hồ Ta Cô cho biết, năm 2018 diện tích gieo trồng toàn xã 1.799 ha, tăng so với năm trước 529 ha, trong đó cây lúa 27 ha, chủ yếu là lúa nương rẫy, ngô 39,5 ha; gừng, nghệ, rau màu các loại 70 ha; xoài, nhãn, vải thiều 70 ha; thanh long, chôm chôm, đào mận, sầu riêng, mãng cầu 40 ha. Xã cũng tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để trồng sắn, chuối, cây cao su. Trong đó diện tích trồng chuối được mở rộng 485 ha, tăng 65 ha so với năm 2017; cây sắn hơn 499 ha; cao su 130 ha, trong đó 15 ha đã đưa vào khai thác. Tìm hiểu chúng tôi được biết rất nhiều gia đình ở xã Thuận có thu nhập cao nhờ đầu tư, mở rộng diện tích trồng chuối và trồng sắn, đó là gia đình các ông, bà: Nguyễn Khánh, Nguyễn Ôn, Nguyễn Thị Gái ở thôn Thuận Trung 2; Hồ Thị Rương (Bản 1); Hồ Cơ (bản Úp Ly ); Hồ Xuân Ray, Hồ Long, Hồ Đốt, Hồ An, Hồ Yên, Hồ A Thông, Hồ A Nông, Hồ Nhiên (Bản 3)… có thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Đáng chú ý là bà Nguyễn Thị Thương, ở thôn Thuận Hòa thực hiện mô hình trồng cây ăn quả kết hợp thương mại dịch vụ, mua bán các mặt hàng nông sản vừa có thu nhập cao, vừa tạo việc làm cho 7 lao động. Một số gia đình ở xã Thuận đã mua sắm ô tô vận chuyển hành khách và hàng hóa, mở mang các ngành nghề dịch vụ. Nhiều gia đình cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế. Phát triển nông, lâm nghiệp đi đôi với ngành nghề dịch vụ nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với đặc điểm của địa phương. Nhờ đó đã duy trì tốc độ phát triển kinh tế hằng năm của xã từ 11-13%.

Nhằm góp phần tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế, UBND xã và các đoàn thể mở nhiều lớp dạy nghề cho nông dân. Trong năm 2018 mở được 11 lớp, trong đó có 8 lớp hướng dẫn kĩ thuật trồng và chăm sóc cây sắn, 1 lớp trồng và chăm sóc cây cao su, ngoài ra còn có lớp nề dân dụng, kĩ thuật nuôi dê, nuôi gà thả vườn, trồng ngô… với kinh phí hàng chục triệu đồng để hỗ trợ những người tham gia học nghề.

Không chỉ phát triển kinh tế mà các mặt văn hóa, giáo dục, y tế cũng có nhiều chuyển biến. Cả 13/13 thôn, bản được công nhận đơn vị văn hóa, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được cán bộ, nhân dân trong xã hưởng ứng, thực hiện. Người dân xã Thuận luôn giữ gìn các nét đẹp của văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu các yếu tố văn hóa mới tích cực để làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần. Về giáo dục, trên địa bàn xã có 10 nhóm lớp mầm non với 294 cháu; tiểu học 23 lớp với 378 học sinh, trung học cơ sở có 8 lớp với 199 học sinh. Hằng năm có từ 5-7 học sinh của xã thi đỗ vào các trường đại học.

Công tác chăm sóc sức khỏe người dân có nhiều chuyển biến, xã được công nhận đạt chuẩn về y tế. Trạm xá được đầu tư xây dựng kiên cố, có 2 bác sĩ, 1 dược sĩ, ngoài ra còn có cán bộ điều dưỡng, nữ hộ sinh đảm nhận tốt việc chăm sóc sức khỏe, phòng, chống các loại dịch bệnh trên địa bàn, được người dân tin tưởng. Hầu hết phụ nữ người dân tộc thiểu số đều có ý thức không sinh con ở nhà mà tới trạm xá của xã hoặc đến trung tâm y tế huyện. Thời gian qua cán bộ y tế địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền để người dân ăn ở hợp vệ sinh, khi đau ốm tới trạm xá, bệnh viện để được khám, chữa bệnh; vận động người dân thực hiện công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình, từng bước hạn chế các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Nhờ ổn định quy mô dân số mà đời sống các gia đình được cải thiện, nâng cao. Là xã biên giới, điều kiện khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư của nhà nước, từ nhiều năm nay điện đã về thắp sáng các bản làng ở xã Thuận, 90% số gia đình có xe máy; nhà ở của người dân từng bước được xây dựng kiên cố (trên 80% nhà ở xây bền vững); nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa nên việc đi lại khá thuận lợi.

Tuy vậy xã Thuận vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức, đó là diện tích sản xuất lúa nước rất ít, chỉ có 0,66 ha, lúa nương rẫy 27 ha lại phụ thuộc vào thời tiết, nên khó đảm bảo đủ lương thực cho người dân. Chủ tịch UBND xã Hồ Ta Cô nêu thực trạng: “Xã thiếu đất sản xuất, ngay cả những thanh niên lập gia đình, tách hộ ra ở riêng xã cũng không có đất để cấp cho họ. Do thiếu đất ở và đất sản xuất nên một số hộ nghèo nhiều năm vẫn chưa thoát nghèo. Bên cạnh đó có những khó khăn khác như một số bản làng thiếu nước sạch để sử dụng cho cuộc sống hằng ngày, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên và nạn tảo hôn vẫn còn. Xã cũng gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cụ thể đến nay mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng mới chỉ đạt được 13/19 tiêu chí, một số chỉ tiêu khó đạt như mức thu nhập (mới đạt hơn 15 triệu người/năm), số hộ nghèo còn cao 27%… Mong muốn của xã là có thêm các doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng nhà máy, các cơ sở công nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thêm thu nhập cho người dân…

PA

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140407