Xã Tiền Phong có làm ngơ cho vi phạm đất đai?
Tiền Phong là một trong những xã của huyện Thường Tín (TP Hà Nội) đứng tốp đầu về vi phạm đất đai, xây dựng từ hàng chục năm qua. Mặc dù đã được các cơ quan chuyên môn của huyện vào cuộc xử lý, nhưng do thiếu quyết liệt nên hàng loạt vi phạm mới lại xuất hiện.
Hàng loạt công trình vi phạm trên dòng sông Cụt xã Tiền Phong, huyện Thường Tín ngang nhiên tồn tại thách thức dư luận
Vi phạm nối tiếp vi phạm
Những năm trước, hàng loạt cán bộ xã Tiền Phong đã bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai, thậm chí nhiều cán bộ còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự do liên quan đến việc giao, bán đất trái thẩm quyền. Những vi phạm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng tại xã Tiền Phong tưởng chừng đã khép lại, nhưng do thiếu quyết liệt trong công tác kiểm tra, xử lý nên thời gian gần đây tại tuyến sông Cụt kéo dài hơn 1km đi qua Đội 6 và Đội 2 tái diễn tình trạng chiếm dụng lòng sông xây dựng nhà ở.
Qua tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị được biết, sông Cụt có tiền thân từ những năm 1980, là nhánh của dòng sông Nhuệ. Nhưng do phải nắn dòng, điều chỉnh dòng chảy cho phù hợp nên người dân đã đắp chặn khiến nhánh sông Nhuệ chảy qua khu dân cư của xã Tiền Phong bắt đầu chỉ còn là kênh tiêu thoát nước, rồi được người dân địa phương đặt tên là sông Cụt. Tuy nhiên, những năm qua dòng sông Cụt này vẫn có chức năng tiêu thoát và chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhằm đảm bảo ổn định nơi sinh sống và sản xuất cho người dân làng nghề xã Tiền Phong, khoảng những năm 2000, UBND huyện Thường Tín đã tổ chức đấu giá khu đất ven Sông Cụt cho các hộ dân ở Đội 6. Vị trí khu đất này đã được UBND huyện xây kè đá dọc bờ sông nhằm tránh sau khi giao đất đấu giá các hộ dân xây dựng nhà ở lấn chiếm cả lòng sông. Cũng khoảng thời gian này, chính quyền địa phương xã Tiền Phong đã tự ý giao bán trái thẩm quyền khu đất ven dòng sông Cụt cho hàng chục hộ dân Đội 2.
Việc tổ chức đấu giá đất của UBND huyện Thường Tín cũng như việc giao bán đất trái thẩm quyền của chính quyền địa phương xã Tiền Phong đều chỉ ở phạm vi các thửa đất của các hộ dân có chiều sâu từ 10 - 12m, thể hiện từ đường giao thông liên xã vào đến mép sông Cụt và được thực hiện xây kè đá để chống lấn chiếm dòng sông. Suốt thời gian qua, hàng loạt hộ dân đã xây nhà ở ổn định cuộc sống và được hoàn thiện hồ sơ, xử lý vi phạm rồi được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận QSD đất.
Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng nên những năm gần đây dọc tuyến sông Cụt xuất hiện hàng loạt hộ dân đua nhau chiếm dụng lòng sông khiến nhiều đoạn rộng từ 25 - 30m nay chỉ còn khoảng 15 - 20m. Nhà nhiều xây dựng công trình đua ra chiếm lòng sông khoảng 6m, nhà ít 3m. Hình thức xây dựng với nhà cao tầng được thực hiện bằng việc ép cọc bê tông hoặc đổ bê tông cốt thép xuống lòng sông rồi xây dựng nhà ở. Có gia đình thực hiện việc đóng cọc tre, cọc sắt rồi hàn khung sắt, lợp mái tôn làm nhà tạm sử dụng.
Không chỉ chiếm dụng lòng sông để xây dựng công trình nhà ở, nhiều năm qua chính những người nơi đây hàng ngày còn xả thải nguồn nước sinh hoạt của gia đình xuống thẳng lòng sông. Cùng với đó, rác thải sinh hoạt cũng được một số hộ vứt xuống lòng sông đã gây ra mùi hôi thối. Không chỉ vậy, nhiều hộ sau khi xây dựng xong công trình nhà ở còn đổ cả phế thải xây dựng xuống san lấp một phần lòng sông khiến nhiều đoạn sông Cụt của xã Tiền Phong càng trở nên chật hẹp và ô nhiễm.
Lòng vòng trách nhiệm
Tại thời điểm đầu tháng 5/2022, khi phóng viên có mặt khảo sát thực địa toàn tuyến sông Cụt nằm trong khu dân cư xã Tiền Phong nhận thấy, đang có hàng chục hộ dân ngang nhiên xây dựng công trình nhà ở kiên cố trên nền đất ở của gia đình và cả trên lòng sông mà không hề có sự kiểm tra, xử lý của chính quyền các cấp huyện Thường Tín. Cụ thể, chỉ riêng tại khu vực Đội 6 thuộc tuyến đường Thăng Long đi vào trung tâm xã Tiền Phong đang có 5 hộ dân xây dựng công trình nhà ở kiên cố.
Cụ thể, hộ ông Hoàng Văn Dũng đang xây dựng công trình nhà ở 3 tầng rộng gần 200m2 nhưng có tới gần 60m2 nhà ở tọa lạc trên dòng sông Cụt. Liền kề nhà ông Dũng còn có hộ ông Đỗ Duy Quang và ông Nguyễn Công Bài cũng cơi nới, xây dựng nhà ở nằm trên lòng sông với khoảng 20m2/hộ. Cùng với đó còn có hộ ông Lê Văn Đạt và một số gia đình khác cũng đang tiến hành xây dựng trên đất vi phạm lấn chiếm lòng sông Cụt từ trước đó…
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Đỗ Duy Sơn cho rằng, do là xã làng nghề, nhu cầu sử dụng đất để sản xuất rất lớn nên mới xảy ra vi phạm và sai phạm trong công tác quản lý đất đai từ trước. Mặt khác, do là địa phương vùng nông thôn nên việc cấp phép xây dựng không phải thực hiện khiến các hộ dân tự xây theo ý muốn. Cùng với đó, các hộ chủ yếu cơi nới xây dựng khu vực giáp lòng sông đã gây khó khăn cho việc xử lý. Ông Sơn cũng thừa nhận: “Từ trước đến nay UBND xã chưa xử lý bất kỳ trường hợp nào vi phạm xây dựng trên lòng sông Cụt do không thuộc thẩm quyền…”.
Qua trao đổi với Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng huyện Thường Tín Nguyễn Trọng Đô, được biết: Đội chỉ có thẩm quyền xử lý đối với những trường hợp có công trình xây dựng thuộc diện cấp phép hoặc các công trình xây dựng tại khu vực trung tâm huyện hoặc gần đường Quốc lộ, tỉnh lộ và các cụm công nghiệp trên địa bàn. Còn đối với các công trình xây dựng nhà ở tại khu dân cư các xã, thôn, không thuộc diện cấp phép, thẩm quyền giải quyết, xử lý thuộc về trách nhiệm UBND các xã.
Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định: Việc các hộ dân tại xã Tiền Phong xây dựng công trình trên lòng sông Cụt đã diễn ra từ hàng chục năm qua là đúng. Do chính quyền địa phương không quyết liệt xử lý ngay từ ban đầu nên đã trở thành tiền lệ xấu, nhà này làm được thì nhà khác cũng làm theo. Trách nhiệm xử lý vi phạm ở đây trước tiên thuộc về Phòng TN&MT huyện có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra, lập biên bản, củng cố, hoàn thiện hồ sơ rồi bàn giao cho UBND xã giải quyết theo thẩm quyền…
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xa-tien-phong-co-lam-ngo-cho-vi-pham-dat-dai.html