Xã Triệu Vân nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Triệu Vân là xã vùng biển bãi ngang của huyện Triệu Phong có diện tích 1.066 ha. Toàn xã có 3 thôn, 798 hộ, hơn 3.000 khẩu. Với lợi thế đất đai rộng, hệ thống giao thông khá thuận lợi, trong đó có tuyến Quốc lộ 49C chạy qua nên xã Triệu Vân có điều kiện phát triển nông nghiệp và công nghiệp- TTCN, thương mại, dịch vụ.

Trung tâm xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong ngày càng khang trang -Ảnh: T.V

Trung tâm xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong ngày càng khang trang -Ảnh: T.V

Để khai thác lợi thế đó, cấp ủy, chính quyền xã Triệu Vân triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giúp người dân phát triển kinh tế, trong đó xác định sản xuất nông, ngư nghiệp làm thu nhập chính, phát triển cây đậu đen xanh lòng, cây mướp đắng, kiệu ném, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản gần bờ.

Năm 2019, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu giai đoạn 2 Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị càng tạo điều kiện cho người dân phát triển thương mại, dịch vụ. Đến nay, toàn xã có 139 hộ sản xuất- kinh doanh, tạo việc làm mới cho hàng trăm lao động/năm.

Nhờ đó, từ một xã có thu nhập bình quân đầu người thấp, năm 2011 đạt 10 triệu đồng thì đến cuối năm 2022 đạt 54 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm mạnh, năm 2011 chiếm 31,5%, đến cuối năm 2022 chỉ còn 3,88%. Tốc độ phát triển kinh tế hằng năm đạt từ 10- 11%. Hiện xã không có nhà ở tạm bợ, dột nát, tất cả các hộ dân đều có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố.

Hệ thống trường học được đầu tư đáp ứng việc dạy và học ở địa phương. Đến nay, xã Triệu Vân đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Năm học 2021- 2022, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học đạt 100%. Năm 2022, có 94,3% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Để đáp ứng công tác lãnh đạo, điều hành, cấp ủy, chính quyền xã Triệu Vân chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cao. Đến nay, toàn xã có 17/18 cán bộ, công chức xã đạt chuẩn theo yêu cầu (1 cán bộ địa chính, nông nghiệp chưa được biên chế). Đảng bộ, chính quyền xã nhiều năm được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; mặt trận, đoàn thể xã được xếp loại hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở lên. Năm 2022, xã Triệu Vân được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, xã Triệu Vân còn gặp nhiều khó khăn như tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc so với tiềm năng, lợi thế; chưa xây dựng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn hạn chế; công nghiệp- TTCN, thương mại, dịch vụ phát triển còn nhỏ lẻ.

Chủ tịch UBND xã Triệu Vân Nguyễn Văn Lâm cho biết, nguyên nhân do địa phương là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xuất phát điểm kinh tế thấp, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, bất thường nên ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Kinh tế phát triển chủ yếu là hộ gia đình, chưa có doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Để phát triển kinh tế trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, UBND xã tiếp tục chỉ đạo các thôn, hợp tác xã, người dân đẩy mạnh khai thác thủy, hải sản. Muốn đạt được mục tiêu này, người dân cần ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư nâng cấp tàu thuyền, ngư lưới cụ, trang bị đầy đủ các thiết bị để đánh bắt thủy sản hiệu quả. Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình tổ tàu, thuyền tự quản theo quy mô phân loại công suất, nhóm tàu thuyền hoạt động trên biển.

Cùng với đó, giữ ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản, tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, khuyến khích người dân nuôi tôm thâm canh. Tập trung đầu tư phát triển đối tượng nuôi chủ lực, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quản lý nuôi trồng thủy sản cũng như chọn vùng nuôi và đưa vào nuôi xen ghép các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao ở các vùng nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh…

Trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, xã tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ. Sử dụng đất sản xuất có hiệu quả phù hợp với thời vụ, từng loại cây trồng cũng như chú trọng một số cây trồng có lợi thế tạo thu nhập kinh tế cho người dân. Chú trọng đầu tư chăn nuôi theo hướng có giá trị cao và từng bước chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, phát triển chăn nuôi nông hộ đối với vùng có mật độ dân cư thưa cũng như đẩy mạnh chuyển đổi chăn nuôi, xác định đối tượng nuôi chính để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp, xây dựng để tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tập trung giữ vững và phát triển các ngành nghề như cơ khí, mộc, nề. Tích cực tìm kiếm nguồn lực, dự án đầu tư để nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn cũng như thương mại, dịch vụ.

Cùng với đó, tăng cường xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa giáo dục, huy động 100% học sinh trong độ tuổi ở cả 3 bậc học đến lớp, giữ vững đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, tiến đến thực hiện phổ cập THPT trong độ tuổi. Tăng cường củng cố hoạt động của đội ngũ y tế cộng đồng, cộng tác viên dân số, nêu cao trách nhiệm, y đức để chăm lo sức khỏe cho Nhân dân…

Tuấn Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/xa-trieu-van-no-luc-xay-dung-nong-thon-moi/179193.htm