Xã Trung Yên thuộc khu vực ATK nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Thời gian tới, xã Trung Yên, tỉnh Tuyên Quang, tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành 19/19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới.
Trung Yên là xã thuộc khu vực ATK (an toàn khu) của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Trung Yên từng hai lần được Bác Hồ chọn làm địa điểm để hoạt động bí mật và ra những quyết định quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (lần thứ nhất vào tháng 11/1947; lần thứ hai vào tháng 4/1951).
Những lời dạy của Bác Hồ kính yêu về đức tính cần cù lao động, đoàn kết, tiết kiệm, cho con cái học hành đầy đủ, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ... các thế hệ người dân ở đây còn nhớ mãi.
Theo tài liệu của Ban Quản lý Khu Du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào, cuối tháng 11/1947, thực dân Pháp tiến đánh Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nhằm tiến sâu vào căn cứ địa Việt Bắc.
Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí bảo vệ đã rời Định Hóa, Thái Nguyên đến ở và làm việc tại nhà ông Triệu Văn Hiến, thôn Khuôn Đào, xã Trung Yên.
Trong thời gian ở Khuôn Đào, Người thường xuyên liên lạc, theo dõi sát sao tình hình chiến sự ở các địa phương, chỉ đạo kịp thời quân và dân ta chặn đứng cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc.
Tháng 4/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn hang đá Yên Thượng, thôn Yên Thượng, xã Trung Yên là địa điểm tổ chức Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng.
Hội nghị đã thảo luận và thông qua nguyên tắc về đề án thuế nông nghiệp; thảo luận về công tác biên chế tổ chức của các cơ quan Đảng, Chính phủ, đồng thời, quyết định hai cơ quan giúp việc, đó là Ban Biên chế Trung ương Đảng và Ban Biên chế Chính phủ.
Ngày nay, di tích hang đá Yên Thượng đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang xếp hạng là di tích cấp tỉnh.
Đã 70 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên Bác Hồ về xã Trung Yên nhưng hình ảnh về vị Cha già dân tộc cùng những lời dạy của Người vẫn in đậm trong ký ức của mỗi người dân Trung Yên.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, 87 tuổi, thôn Quan Hạ, xã Trung Yên, cho biết, những ngày Bác Hồ hoạt động tại xã Trung Yên, hành trang của Bác thật đơn sơ, giản dị với một chiếc ba lô đựng vài bộ quần áo, chăn, màn và một chiếc túi sách đựng tài liệu.
Bác thường dặn dò mọi người thay phiên nhau làm công tác dân vận như vệ sinh nhà cửa, hướng dẫn cách ăn ở hợp vệ sinh, phòng tránh bệnh tật… tạo sự thân tình, đoàn kết giữa quân và dân.
Trong điều kiện kháng chiến gian khổ, Bác sinh hoạt như tất cả anh em chiến sỹ, rất giản dị.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, giờ đây xã Trung Yên đang từng ngày “thay da đổi thịt,” cơ sở hạ tầng của xã được xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại.
Người dân xã Trung Yên đã nỗ lực khai thác các tiềm năng, thế mạnh về đất đai, nguồn nhân lực của địa phương để sản xuất, kinh doanh. Trong đó xã tập trung phát triển cây chè, trồng rừng, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại, kết hợp nuôi trồng thủy sản… xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, đủ đầy.
Ông Nguyễn Ngọc Chinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trung Yên cho biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Trung Yên đã hoàn thành 10/19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới.
Xã đã hoàn thành gần 27km đường bêtông nông thôn, đến nay 100% các tuyến đường liên thôn, ngõ xóm được bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di lại, giao thương hàng hóa phát triển kinh tế.
Các thôn của xã đều có nhà văn hóa, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người dân tộc tiểu số, các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Người dân xã Trung Yên không chỉ cần cù, nỗ lực lao động sản xuất mà còn rất năng động, sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình kinh tế trang trại, tổ hợp tác mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hợp tác xã sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap Ngân Sơn Trà ở thôn Trung Long, xã Trung Yên được thành lập từ năm 2012 với sự tham gia của 17 thành viên.
Sau 5 năm hoạt động, đến nay hợp tác xã đã có 40 thành viên tham gia với tổng diện tích 20ha chè. Các hộ thành viên của hợp tác xã có thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã chè Ngân Sơn Trà, chia sẻ: tháng 10/2014 hợp tác xã được cấp chứng nhận sản phẩm chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap.
Bình quân mỗi tháng, hợp tác xã chế biến được trên 15 tấn chè tươi, sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Hợp tác xã đang lắp đặt hệ thống tưới tiêu và cải thiện giống cây chè mới để tăng năng suất và chất lượng cho sản phẩm nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập cho người trồng chè trên địa bàn và khẳng định chỗ đứng của sản phẩm trên thị trường.
Với tinh thần hăng say lao động, không ngừng học hỏi, sáng tạo, mô hình trang trại tổng hợp của anh Trịnh Viết Dương, thôn Trung Long, xã Trung Yên là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất xã.
Với trên 4ha rừng, 2ha chè, 2 mẫu ao kết hợp với chăn nuôi, trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình anh Dương có thu nhập trên 500 triệu đồng.
Anh Triệu Viết Dương cho biết, nhờ có điện, đường, trường, trạm được xây dựng đồng bộ, việc sản xuất nông nghiệp của bà con thuận lợi hơn, kinh tế phát triển hơn rất nhiều so với trước đây.
Thời gian tới, xã Trung Yên tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành 19/19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới.
Đối với 24 di tích lịch sử nằm trên địa bàn, tiêu biểu như địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại thôn Khuân Đào, Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, Cơ quan Việt Nam Thông tấn xã Việt Nam… xã Trung Yên cũng đang tích cực gìn giữ, bảo vệ và phát huy; gắn việc gìn giữ, bảo vệ với khai thác phát triển du lịch./.