Xã Tú Lý: Nuôi dê cỏ bán chăn thả - hướng phát triển kinh tế hiệu quả
Trong điều kiện hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ chậm, xuống giá, nhưng với dê cỏ trên thị trường vẫn giữ giá và luôn trong tình trạng không có để bán. Đây là hướng phát triển kinh tế của những hộ nuôi dê cỏ ở xã Tú Lý (Đà Bắc).
Trong điều kiện hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ chậm, xuống giá, nhưng với dê cỏ trên thị trường vẫn giữ giá và luôn trong tình trạng không có để bán. Đây là hướng phát triển kinh tế của những hộ nuôi dê cỏ ở xã Tú Lý (Đà Bắc).
Mới khoảng 7h, chị Đỗ Thị Loan ở xóm Hào Tân, xã Tú Lý đã chở một xe cỏ về nhà. Chị cho biết: Tôi tranh thủ đi từ 6h ra đồng cắt cỏ, mất khoảng 20 phút cho vào máy thái là đàn dê có thức ăn cả buổi sáng. Buổi chiều sẽ chăn thả dê ở khu rừng sau nhà. Từ trước đến nay, giống dê cỏ luôn được thị trường ưa chuộng. Thời gian gần đây, mặc dù nhiều loại gia súc, gia cầm xuống giá nhưng thịt dê hơi vẫn có giá 150 nghìn đồng/kg, lúc khan hiếm tăng lên 170 nghìn đồng/kg. Giống dê này dễ nuôi, khỏe mạnh, ít bệnh tật và đẻ tốt. Nhưng để nuôi bắt buộc phải nuôi theo hình thức thả đồi hoặc bán chăn thả. Khi được chăn thả, dê khỏe mạnh, không phải bổ sung nhiều thức ăn.
Gần nhà chị Loan là nhà anh Đặng Văn Nam. Trước đây gia đình anh Nam đầu tư nuôi lợn nhưng do giá cám cao, đầu ra bấp bênh, thấy nuôi dê cỏ hiệu quả, phù hợp điều kiện địa phương nên anh chuyển sang chăn nuôi dê. Mới đầu anh nuôi 2 cặp dê, sau 1 năm chăn nuôi thấy thuận lợi anh tiếp tục nhân đàn cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, đàn dê của gia đình anh có 50 con, trong đó có 16 dê nái. Dê nái sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 1 - 3 con. Mỗi năm gia đình anh xuất bán 70 con dê thương phẩm, trọng lượng từ 25 - 30kg/con, giá bán 150.000 đồng/kg. Anh Nam cho biết: Gia đình tôi chọn giống dê cỏ để chăn nuôi vì phù hợp với đồng cỏ địa phương. Giống dê này chất lượng thịt ngon, đầu ra thuận lợi. Hình thức nuôi chủ yếu là chăn thả, cho ăn thêm cỏ, ngô.
Anh Bùi Xuân Hùng, Trưởng xóm Hào Tân, xã Tú Lý cho biết: Trên địa bàn xóm triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế, trong đó tôi thấy mô hình nuôi dê bán chăn thả cho hiệu quả rõ rệt. Xóm hiện có vài hộ chăn nuôi dê, đầu ra sản phẩm ổn định, dê khỏe, kháng được nhiều bệnh tật. Đây là hướng đi có tiềm năng phát triển kinh tế ở xóm. Chúng tôi động viên, khuyến khích bà con mở rộng mô hình để thoát nghèo.
Trong những năm qua, tận dụng địa hình chăn thả thuận lợi bởi được bao bọc núi đá và đồi, nhiều hộ trên địa bàn xã đầu tư phát triển chăn nuôi dê. Để đảm bảo đầu ra ổn định, xây dựng thương hiệu dê, Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi dê huyện Đà Bắc (xã Tú Lý) đã liên kết với HTX ĐTH ở Hà Nội bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Ngoài 15 thành viên HTX còn liên kết với 21 hộ trên địa bàn huyện phát triển chăn nuôi dê. Khi tham gia liên kết các hộ được chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng phát triển kinh tế.
Chị Cao Thị Ngần, Phó Giám đốc HTX chăn nuôi dê huyện Đà Bắc cho biết: Từ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, chúng tôi đã liên kết với HTX ĐTH tập huấn kỹ thuật cho hộ chăn nuôi đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. HTX tiếp tục mở rộng mô hình ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, mở hướng xóa đói, giảm nghèo cho bà con.