'Xả van' áp lực tỷ giá, kỳ vọng sớm bình ổn

Tỷ giá trong tháng 6 tiếp tục xu hướng tăng trong bối cảnh đồng đô la Mỹ giảm giá mạnh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, vào cuối tháng, thị trường bất ngờ được 'xả van' giúp giảm áp lực lên tiền đồng. Những kỳ vọng vào cuối năm được cho là tích cực hơn, theo các chuyên gia.

Tỷ giá vẫn chịu áp lực một phần do nhu cầu thị trường cao và những yếu tố bất định khác. Ảnh minh họa.

Tỷ giá vẫn chịu áp lực một phần do nhu cầu thị trường cao và những yếu tố bất định khác. Ảnh minh họa.

Đô la giảm, tiền đồng cũng giảm

Một động thái mới của nhà điều hành chính sách tiền tệ vào cuối tháng 6 đã giúp tỷ giá trở nên “dễ thở” hơn. Theo thống kê của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng hơn 40.042 tỉ đồng cho hệ thống ngân hàng qua kênh thị trường mở trong phiên 27-6, mức cao nhất trong hơn một năm qua.

Không chỉ gia tăng bơm ròng qua kênh kỳ hạn (tập trung ở kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày với lãi suất 4%) sau nhiều tuần hút ròng, NHNN đã phát hành tín phiếu trở lại sau bốn tháng không sử dụng công cụ này.

Động thái này giúp tỷ giá trở nên “bình ổn” hơn, khi mặt bằng lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn tăng lên sau khi chạm mức thấp nhất trong vòng một năm, thu hẹp với lãi suất đô la.

Tính đến ngày 2-7, tỷ giá neo quanh mức 26.153 đồng/đô la, tương ứng tăng 2,64% kể từ đầu năm. Trong khi ở tuần trước đó, tỷ giá có lúc chạm ngưỡng quanh 26.300 đồng/đô la, tương ứng giảm 2,9%.

Dù có cải thiện nhưng nhìn chung trong sáu tháng đầu năm, tỷ giá vẫn ghi nhận diễn biến tiếp tục tăng, kéo dài liên tục trong nhiều tuần. Một điểm đáng chú ý là tiền đồng giảm giá trong bối cảnh đồng đô la lại giảm 10,5% trong nửa đầu năm 2025.

Theo bà Lương Hoàng, Trưởng phòng cao cấp Nghiên cứu và Phân tích của Chứng khoán Vietcap, trừ mức tăng vọt trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng, lãi suất liên ngân hàng nhìn chung giảm mạnh từ mức 4% trong tháng 5 xuống còn 1,3% vào cuối tháng 6. Lý do lãi suất này giảm là vì số dư tiền gửi của kho bạc nhà nước tại các ngân hàng thương mại trong giai đoạn này tăng mạnh.

Lãi suất liên ngân hàng xuống thấp hơn đã nới rộng khoảng cách âm giữa lãi suất liên ngân hàng bằng tiền đồng và đô la (lãi suất mục tiêu của Fed vẫn ở mức quanh 4,5%), từ đó gây áp lực tỷ giá.

“Nhu cầu mua đô la thanh toán trái phiếu đáo hạn từ kho bạc nhà nước; tuyên bố áp thuế đối ứng của Tổng thống Trump và tâm lý thị trường thận trọng khi chờ đợi kết quả đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ”, bà Hoàng bổ sung thêm những lý do khiến tiền đồng giai đoạn qua lại tiếp tục giảm giá dù đồng đô la cũng giảm giá trên thế giới.

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), chia sẻ trước đó cho rằng vào đầu năm 2025, tỷ giá được dự báo tương đối căng thẳng do nhu cầu tăng lên cao hơn so với những năm trước, cũng như tiến độ giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chậm lại.

Các biến số bên ngoài như địa chính trị cũng như chiến sự ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng thúc đẩy và xáo trộn dòng tiền vào vàng hay đô la, từ đó cũng ảnh hưởng chung đến thị trường tiền tệ.

Tỷ giá tiếp tục xu hướng tăng, trong khi lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã trở về quanh mức 4% vào cuối tháng 6.

Tỷ giá tiếp tục xu hướng tăng, trong khi lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã trở về quanh mức 4% vào cuối tháng 6.

Kỳ vọng giảm áp lực nửa cuối năm

Một điểm may mắn trên thị trường hiện nay là chỉ số DXY vẫn đang nằm trong xu hướng giảm. Hôm cuối tháng 6 đồng đô la Mỹ cũng giảm về mức thấp 96,38 điểm, tức về vùng đầu năm 2022, trước thời điểm khó khăn về thanh khoản nổ ra khi Fed bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ mạnh mẽ.

Sức mạnh đô la thế giới tiếp đà giảm mạnh cho phép Việt Nam có cơ hội “thử thách” tiền đồng nhiều hơn, trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao, giải ngân nhiều dự án còn Ngân hàng phải giữ mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ.

Cần lưu ý rằng không chỉ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại trong quí 2 đều giữ ở vùng thấp. Hầu hết lãnh đạo các nhà băng gần đây chia sẻ rằng họ không lo ngại nhiều về câu chuyện huy động trong thời gian qua, trong khi tín dụng cũng được báo cáo là tăng trưởng tốt.

Trong nửa cuối năm 2025, câu chuyện của tỷ giá vẫn được các chuyên gia nhắc đến thận trọng, dù đa số cũng đặt kỳ vọng sẽ hạ nhiệt và sớm “bình ổn”. Một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn đến tỷ giá là câu chuyện của đàm phán thuế quan, trong khi nhu cầu đô la trên thị trường vẫn còn cao.

Từ phía ngược lại, Việt Nam vẫn đang duy trì thặng dư thương mại và thu hút vốn FDI tích cực. Cũng như kỳ vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất, giảm bớt áp lực lên tỷ giá trong trung hạn.

“Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có giọng điệu 'diều hâu', nhưng các tuyên bố lạc quan hơn, cùng với dữ liệu kinh tế hiện tại, đã củng cố kỳ vọng thị trường về việc cắt giảm lãi suất trong thời gian tới”, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Maybank (MSVN) bình luận.

Theo ông Dương của VPBankS, trong những đợt căng thẳng tỷ giá trước đây, phần lớn vấn đề đến từ sức mạnh của đồng đô la và yếu tố chu kỳ. Tuy nhiên, năm nay, tỷ giá tăng có nhiều nguyên nhân. Và những nguyên nhân này chủ yếu tác động trong ngắn hạn. Việc điều tiết của NHNN sẽ hạn chế được những biến động trong ngắn hạn, ổn định dần về dài hạn.

Tương tự, MSVN cũng đặt kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt thị trường mở, đặc biệt trong quản lý chênh lệch lãi suất, góp phần duy trì sự ổn định tỷ giá trong thời gian tới.

“Tỷ giá hiện vẫn đang chịu áp lực, nhưng kỳ vọng sớm bình ổn là có cơ sở. Nền tảng kinh tế vững chắc của Việt Nam và việc Fed được kỳ vọng sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 7 sẽ giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất, giảm bớt áp lực trong trung hạn”, nhóm phân tích MSVN bình luận.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xa-van-ap-luc-ty-gia-ky-vong-som-binh-on/