Hoàn thiện pháp luật phòng vệ thương mại: Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng vệ thương mại là bước đi chiến lược, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đây là nhấn mạnh của ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) - với phóng viên Báo Công Thương.

Hoàn thiện khung pháp lý phòng vệ thương mại nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Ảnh: Hòa Phát

Hoàn thiện khung pháp lý phòng vệ thương mại nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Ảnh: Hòa Phát

Tạo nền tảng pháp lý vững chắc bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp

Bộ Công Thương vừa ban hành các thông tư mới về phòng vệ thương mại, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Xin ông cho biết những điểm mới nổi bật trong các thông tư này?

Ông Chu Thắng Trung: Thực hiện nhiệm vụ xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã ban hành 5 thông tư mới, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Các thông tư này bao gồm nhiều điểm mới đáng chú ý, nhằm hoàn thiện khung pháp lý và tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý trong quá trình thực thi.

Cụ thể, Thông tư số 26/2025/TT-BCT về Quy định chi tiết một số nội dung về biện pháp phòng vệ thương mại đã thay thế các thông tư trước đây, tập trung vào việc làm rõ các quy định chi tiết liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại như: Quản lý nhập khẩu hàng hóa thuộc diện điều tra, quy định về miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và cải cách các thủ tục hành chính nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Một điểm nổi bật là việc bãi bỏ thủ tục khai báo nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra và thay thế bằng cơ chế phối hợp liên ngành, đảm bảo tính hiệu quả và minh bạch.

Ngoài ra, các quy định về miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng được điều chỉnh nhằm điều chỉnh phạm vi đối tượng được xem xét miễn trừ, quy trình thẩm định hồ sơ minh bạch hơn và bổ sung các trường hợp miễn trừ cụ thể như hàng hóa phục vụ nghiên cứu, phát triển. Điều này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

Đối với các Thông tư số 27/2025/TT-BCT, Thông tư số 28/2025/TT-BCT, Thông tư số 29/2025/TT-BCT và Thông tư số 30/2025/TT-BCT, mục tiêu chính là đồng bộ hóa với các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, UKVFTA, CPTPP và RCEP. Theo đó, những sửa đổi của các thông tư tập trung việc hoàn thiện quy định về biện pháp tự vệ song phương, biện pháp tự vệ chuyển tiếp, biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may trong khuôn khổ các FTA.

Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến tính toán biên độ bán phá giá, nghĩa vụ công bố thông tin trọng yếu và bảo mật thông tin cũng được quy định chi tiết hơn để nâng cao hiệu quả thực thi.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập quốc tế và tham gia nhiều FTA, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc ban hành các thông tư này?

Ông Chu Thắng Trung: Việc ban hành các thông tư mới này không chỉ đáp ứng yêu cầu của Luật Quản lý ngoại thương mà còn góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ nhất, việc ban hành các thông tư về phòng vệ thương mại là bước đi cần thiết nhằm cụ thể hóa và đảm bảo thực thi hiệu quả các quy định trong Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan. Điều này giúp khắc phục những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời tạo nền tảng pháp lý vững chắc để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trước các thách thức từ quá trình hội nhập.

Thứ hai, các thông tư mới được xây dựng dựa trên sự kế thừa có chọn lọc từ các quy định trước đây, đồng thời bổ sung, điều chỉnh các nội dung phù hợp với thực tiễn. Điều này không chỉ đảm bảo tính khả thi mà còn giúp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là cơ chế miễn trừ áp dụng trong một số trường hợp cụ thể.

Thứ ba, các thông tư này đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập một khung pháp lý minh bạch, hợp lý và hiệu quả. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, từ việc rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đến giảm thiểu chi phí trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa được miễn trừ.

Thứ tư, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ quan trọng để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng vệ thương mại thông qua các thông tư này là bước đi chiến lược, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cuối cùng, các thông tư không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn mang tính dài hạn, hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và bền vững.

Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại. Ảnh: Cấn Dũng

Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại. Ảnh: Cấn Dũng

Nâng cao năng lực ứng phó phòng vệ thương mại

Ngày 11/4/2025, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 86/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về Nghị định này?

Ông Chu Thắng Trung: Nghị định số 86/2025/NĐ-CP là văn bản pháp lý quan trọng nhằm cụ thể hóa một số điều trong Luật Quản lý ngoại thương liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là bước tiến mới thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, với mục tiêu khắc phục những hạn chế trong quá trình thực thi trước đây và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nghị định tập trung vào các quy định chi tiết như: Cách xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; các biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại; quy trình, thủ tục điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; cũng như việc rà soát và xử lý các biện pháp trợ cấp, chống trợ cấp. Đặc biệt, Nghị định cũng đề cập đến trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan liên quan, nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình triển khai.

Ý nghĩa của nghị định này rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia nhiều FTA thế hệ mới, cụ thể là: Nghị định giúp bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu, như bán phá giá hoặc được trợ cấp từ nước ngoài.

Nghị định đồng thời góp phần nâng cao năng lực ứng phó của Việt Nam đối với các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước đối tác, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là yếu tố quan trọng để duy trì uy tín và vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cuối cùng, nghị định cũng thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật thương mại, đảm bảo sự đồng bộ và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước mà còn tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng cho mọi doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại như thế nào, thưa ông?

Ông Chu Thắng Trung: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại là một nhiệm vụ trọng tâm. Định hướng của Cục Phòng vệ thương mại là xây dựng một hệ thống pháp luật phòng vệ thương mại toàn diện, đồng bộ và linh hoạt, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Cụ thể, trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục rà soát và đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để nhận diện những điểm cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Ngoài ra, Cục sẽ đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét và phê duyệt nhằm đảm bảo tính phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng như sự thay đổi của môi trường thương mại toàn cầu.

Mục tiêu là xây dựng một khung pháp luật tinh gọn nhưng hiệu quả, vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa đảm bảo thực thi tốt vai trò quản lý nhà nước. Đây cũng là cơ sở để thu hút đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nhận thấy rằng Việt Nam có một hệ thống pháp luật ổn định, minh bạch và hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tất cả các bên liên quan.

Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và cập nhật các xu hướng mới trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới như: Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, cũng như các yếu tố phi truyền thống như môi trường, xã hội, lao động…, tác động của địa chính trị và tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong lĩnh vực phòng vệ thương mại... Điều này nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với tình hình thực tế, thích ứng với các thay đổi trong chính sách và thực tiễn áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Trong bối cảnh hội nhập, việc xây dựng khung pháp lý chặt chẽ về phòng vệ thương mại không chỉ giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia mà còn thể hiện trách nhiệm của chúng ta với tư cách là thành viên tích cực của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các FTA. Điều này giúp tạo dựng niềm tin cho các đối tác thương mại quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển cân bằng và bền vững của cả nền kinh tế trong nước lẫn quan hệ thương mại toàn cầu.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoan-thien-phap-luat-phong-ve-thuong-mai-tang-suc-canh-tranh-cho-doanh-nghiep-409054.html