Xã Văn Nghĩa: Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững
Trở lại xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn), chúng tôi được thấy diện mạo đổi thay của hạ tầng KT-XH và cuộc sống của người dân. Đồng chí Dương Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với những nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thực hiện nhiều giải pháp, công tác giảm nghèo bền vững (GNBV) tại địa phương đạt được kết quả đáng khích lệ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đang tiến bước trên lộ trình về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023.
Không bao lâu nữa, ngôi nhà 2 tầng đang xây của gia đình bà Bùi Thị Lảnh, xóm Ấm sẽ hoàn thiện nhờ vào số tiền tích lũy được và phần đóng góp không nhỏ từ thu nhập của người con trai đang làm việc ở Đài Loan đều đặn gửi về. Không gì bằng người thật, việc thật, bà Lảnh bật cuộc gọi facetime để từ bên Đài Loan, con trai bà là anh Bùi Văn Lợi (SN 1992) trò chuyện, chia sẻ trực tiếp. Qua thông tin từ anh Lợi, tháng 9/2022, anh xuất cảnh sang thị trường Đài Loan, làm việc tại một doanh nghiệp với công việc thường ngày là giám sát thi công công trình xây dựng, bình quân thu nhập khoảng 18 - 20 triệu đồng/ tháng. Anh hy vọng thời gian tới, khi có công việc làm thêm ngoài giờ thu nhập sẽ cao hơn, đảm bảo dành dụm được lưng vốn sau thời hạn 3 năm đi xuất khẩu lao động.
Tính từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã có 10 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng qua kênh tư vấn, tuyển dụng của doanh nghiệp Tín Phát, tập trung ở thị trường Đài Loan, Nhật Bản. Đáng mừng là người tham gia xuất khẩu lao động đều đã ổn định công việc, có mức thu nhập khá. Qua đó, giúp người lao động và gia đình yên tâm, tạo động lực để người dân triển khai các giải pháp phát triển kinh tế, đẩy nhanh công cuộc GNBV.
Một trong những mô hình cũng đang được địa phương khuyến khích, nhân rộng là sản xuất mây tre đan xuất khẩu. Xây dựng từ năm 2018, đến nay mô hình ngày càng mở mang, phát triển thành làng nghề thu hút hơn 400 hộ có lao động tham gia ở nhiều xóm, như: Kén, Đa, Ấm, Tre, Mới Nang.... Hiện 6/7 xóm có đầu mối tổ chức sản xuất, có người đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con. Từ nghề phụ này, lao động nông thôn đảm bảo ngày công với thu nhập 3 - 6 triệu đồng/tháng.
Văn Nghĩa cũng là một trong những xã điển hình thực hiện có hiệu quả mô hình trồng cây lấy hạt chất lượng cao với diện tích khoảng 10 ha. Từ mô hình đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế, GNBV, như các ông, bà: Bùi Văn Sáng, Bùi Văn Trúc, Bùi Văn Sao, Bùi Thị Lý... ở xóm Ấm. Trên địa bàn còn có một số doanh nghiệp hoạt động, thu hút hàng trăm lao động vào làm việc tại Công ty TNHH Nhựa Lạc Sơn cơ sở 2 và Công ty CP thương mại và dịch vụ Song Nghĩa. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ từng bước phát triển. Những năm gần đây, phát huy lợi thế đồi rừng, một số hộ dân phát triển nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Bùi Văn Lượt ở xóm Ấm duy trì 90 đàn ong nuôi, sản lượng đạt 1.000 lít mật/năm. Ông đang được địa phương động viên, hỗ trợ các thủ tục xây dựng sản phẩm OCOP.
Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, cùng với nhân rộng các mô hình GNBV, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Bà con chủ động, tích cực phát triển kinh tế gia đình, phát huy năng lực, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Trên hành trình về đích nông thôn mới, xã Văn Nghĩa tự tin đạt tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo - một trong những tiêu chí khó thực hiện. Năm 2022, bình quân thu nhập đầu người toàn xã đạt 46 triệu đồng. Kết quả khảo sát 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 42,3% xuống còn 12,2%.