Xa vời hòa bình cho Trung Đông

Một năm sau 'sự kiện ngày 7/10', xung đột giữa Israel và Hamas dường như không có hồi kết, thậm chí còn có nguy cơ lan rộng ra khu vực. Hamas không thể gây sức ép lên Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, thế giới Hồi giáo Arab thì đang chia rẽ, còn các nước châu Âu thì dường như bị gạt ra rìa...

Căng thẳng ngày càng leo thang

Một năm chiến tranh trôi qua với nhiều biến động và diễn biến tăng dần. Cuộc chiến ở Dải Gaza không những không có bất cứ lối thoát nào mà còn mở thêm những mặt trật mới. Xung đột khu vực - điều ám ảnh mà Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại - đang trở nên hiện hữu. 3 cuộc chiến cùng lúc, đều do Israel tiến hành - tại Gaza, Liban và chống Iran. Có vẻ như không ai có thể kiềm chế được ông Netanyahu.

Trong chuyến thăm ngày 6/10 đến căn cứ của Sư đoàn 36 quân đội Israel, gần biên giới Liban, ông Netanyahu phát biểu với các chỉ huy: “Các bạn là thế hệ của chiến thắng”. Đây là bước ngoặt ngoạn mục, chỉ 1 năm sau thất bại lịch sử của bộ máy an ninh Israel khi không thể dự phòng và đáp trả một cuộc tấn công quy mô lớn trên lãnh thổ của mình.

Lính Israel tiến vào các tòa nhà đổ nát ở miền Nam Gaza.

Lính Israel tiến vào các tòa nhà đổ nát ở miền Nam Gaza.

Việc Israel cân nhắc một đợt phản công nhằm đáp trả các vụ phóng tên lửa gần đây của Tehran khiến các nước phương Tây và Arab lo ngại về nguy cơ leo thang bạo lực mới. Trong suốt năm qua, ông Netanyahu và nội các chiến tranh của Israel đã liên tục phớt lờ những khuyến nghị khẩn thiết, thậm chí vượt qua cả giới hạn đỏ mà Mỹ vạch ra dù Mỹ vẫn đóng vai trò là nguồn bảo trợ chính, cung cấp vũ khí và đạn dược không ngừng, là cái ô che chở ngoại giao tại Liên hợp quốc và là người bảo vệ an ninh quan trọng nhất cho Israel thông qua việc triển khai lực lượng hải quân và không quân quy mô lớn ở Đông Địa Trung Hải.

Nicole Gnesotto, chuyên gia địa chính trị và là Phó Chủ tịch Viện Jacques-Delors giải thích: “Kể từ ngày 7/10, các nước phương Tây phải đối mặt với 4 mệnh lệnh dường như mâu thuẫn nhau: ủng hộ quyền tồn tại của Israel; công nhận quyền tự vệ của họ; kêu gọi tôn trọng luật nhân đạo quốc tế; và đảm bảo một giải pháp chính trị tiến tới thành lập một nhà nước Palestine”. Một nhà ngoại giao trong khu vực nhận xét: “Sau sự bàng hoàng và lên án mạnh mẽ các vụ tấn công do Hamas thực hiện, nhiều người đã có cái nhìn ngây thơ về ý nghĩa của việc nhấn mạnh quyền tự vệ của Israel. Rất khó để thuyết giảng lẽ phải với một quốc gia đang chịu tổn thương sâu sắc, với lòng khao khát trả thù sau một sự sỉ nhục lớn đến vậy”.

Khi cơn giận dữ thiêu đốt mọi lý lẽ

Ngay từ đầu, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã đứng về phía Israel cả về quân sự, chính trị lẫn đạo đức. Ngày 18/10/2023, trong chuyến thăm Israel khi cuộc chiến đã bùng phát, ông Biden phát biểu tại Tel-Aviv: “Công lý phải được thực thi! Nhưng, tôi cảnh báo các bạn: nếu bạn cảm thấy giận dữ, đừng để nó thiêu đốt mình. Sau sự kiện 11/9, chúng tôi ở Mỹ cũng đã phẫn nộ. Dù chúng tôi đã tìm kiếm và đạt được công lý, nhưng chúng tôi cũng mắc phải những sai lầm”. Rốt cuộc, lời cảnh báo thực tế này cho đến nay đã trở thành vô ích và bị lãng quên.

Lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ triển khai ở Đông Địa Trung Hải như một cách thể hiện sự ủng hộ đối với Israel.

Lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ triển khai ở Đông Địa Trung Hải như một cách thể hiện sự ủng hộ đối với Israel.

Bộ Quốc phòng Mỹ nhanh chóng thiết lập một cầu hàng không nhằm cung cấp vũ khí cho Israel. Trong khi Israel khẩn trương chuẩn bị cho một chiến dịch trên bộ tại Gaza, Mỹ đã thúc giục nước này suy nghĩ kỹ lưỡng về kế hoạch của mình và đồng thời nỗ lực ngăn chặn một cuộc chiến tranh khu vực. Một thông điệp rõ ràng đã được Mỹ gửi tới Hezbollah ở Lebanon, các dân quân Shiite tại Syria và Iraq, cũng như Iran, qua việc triển khai lực lượng không quân - hải quân quy mô lớn ở Đông Địa Trung Hải.

Châu Âu chia rẽ, thế giới Arab thất vọng

Rõ ràng, chỉ Mỹ mới có khả năng thực sự tác động lên các quyết định của Israel, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Tại châu Âu, “sự kiện ngày 7/10” và cuộc chiến ở Gaza đã cho thấy những khác biệt trong quan điểm giữa 27 quốc gia thành viên cũng như trong các thiết chế. Cùng với Đức, quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Israel vì lý do lịch sử, thì Áo, Hungary và Cộng hòa Séc thường đứng về phía Nhà nước Do Thái, trong khi Tây Ban Nha và Ireland lại có thái độ phê phán nhiều hơn.

Hugh Lovatt, chuyên gia Hội đồng châu Âu về chính sách đối ngoại, nhận định: “Một số quốc gia, bao gồm cả Pháp, tuyên bố ủng hộ quyền của người Palestine và luật pháp quốc tế, nhưng cuối cùng lại có rất ít hành động thực tế, chẳng hạn như không công nhận Palestine hoặc không nỗ lực cấm các sản phẩm từ khu định cư. Những tuyên bố này che giấu sự thụ động của họ đối với người Palestine và chống các khu định cư, đồng thời thể hiện sự ủng hộ trên thực tế dành cho Israel”.

Cuối cùng, một nhà ngoại giao châu Âu nhận xét: “Điều quan trọng đối với Israel là những gì được quyết định tại Washington. Còn ở châu Âu, Israel chỉ quan tâm đến việc giảm thiểu và chống lại mọi ảnh hưởng gây khó khăn cho mình”.

Người dân Palestine phải rời bỏ nhà cửa, tìm nơi lánh nạn.

Người dân Palestine phải rời bỏ nhà cửa, tìm nơi lánh nạn.

Về phía mình, các nước Arab, do Saudi Arabia dẫn đầu, đã tự để mất tất cả đòn bẩy trong hồ sơ này khi họ dựa vào ngoại giao Mỹ để tìm kiếm một lệnh ngừng bắn. Những chia rẽ đã xuất hiện ngay từ đầu, trong cuộc họp bất thường giữa Liên đoàn Arab và Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC), được Mohammed Ben Salman triệu tập tại Riyadh. Các mâu thuẫn này đã ngăn cản việc hình thành một mặt trận chung giữa các quốc gia Arab và Hồi giáo. Riyadh và các đối tác Arab khác, bao gồm Ai Cập, Jordan và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - những nước đã bình thường hóa quan hệ với Israel - đều từ chối lời kêu gọi của Iran về việc cô lập Nhà nước Do Thái.

Và, bất chấp những chỉ trích về sự thờ ơ của họ, các chính phủ các nước Arab vẫn ưu tiên duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Washington. Trong mắt họ, dù mối quan hệ hòa hoãn giữa Riyadh và Tehran đã được thiết lập, nhưng mối đe dọa chính vẫn đến từ Iran và các đồng minh của nước này, đặc biệt là ở Iraq và Yemen. Những tính toán chiến lược này đã giải thích cho sự tham gia của Jordan và, ở mức độ thấp hơn, các quốc gia Vùng Vịnh vào mặt trận do Mỹ dẫn đầu, với sự hỗ trợ của Pháp, nhằm bảo vệ Israel trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran.

Sự thất vọng của các nước Arab đối với Washington ngày càng gia tăng khi các cuộc đàm phán không thành công của Ngoại trưởng Antony Blinken, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns và cố vấn của ông Biden, Brett McGurk tiếp tục diễn ra mà không mang lại kết quả. Đồng thời, các quốc gia Arab cũng lo ngại về một sự bất ổn đối với chế độ của họ, khi xuất hiện sự phẫn nộ trong cộng đồng người Arab và Hồi giáo về số phận Gaza.

Washington được cho là đang có xu hướng ngày càng phủ nhận các tội ác chiến tranh hiển nhiên do quân đội Israel gây ra. Chính quyền ông Joe Biden từ chối chỉ trích chính phủ của ông Netanyahu vì đã cản trở việc tiếp cận viện trợ nhân đạo, trong khi lại làm ngơ các cuộc tấn công nhằm vào UNRWA, phái bộ của Liên hợp quốc tại Gaza - cơ quan duy nhất còn hoạt động tại đây, mặc dù còn những thiếu sót. Biểu tượng cho sự lạc lối của Mỹ là dự án cầu phao, vốn do Lầu Năm Góc khởi xướng, như một giải pháp thay thế cho việc thả hàng viện trợ bằng đường không gây hỗn loạn. Dự án tốn kém này, tiêu tốn 230 triệu USD và huy động hàng trăm binh sĩ, đã không chống chịu được các cơn sóng của Địa Trung Hải và phải thu hồi chỉ sau 20 ngày triển khai.

Được chính quyền Mỹ khuyến khích, Saudi Arabia, Ai Cập, UAE, Jordan và Qatar đã cùng nhau xây dựng một kế hoạch cho “ngày hậu chiến” ở Dải Gaza. Kế hoạch sơ bộ này đã được trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab ở Manama, Bahrain hồi tháng 5, kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, nhằm thúc đẩy giải pháp hai nhà nước. Tuy nhiên, các phái viên Mỹ đã bác bỏ đề xuất của Riyadh và các đối tác Arab của nước này vì coi việc công nhận Nhà nước Palestine trong biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem làm thủ đô, là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán hòa bình và không thể đảo ngược. Các quốc gia Arab sau đó đã hy vọng, dù không nhiều, rằng các nước châu Âu sẽ hỗ trợ việc công nhận Palestine.

Bế tắc

Đối mặt với sự bế tắc từ Israel, Josep Borrell, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về các vấn đề đối ngoại, và một số thủ đô châu Âu, bao gồm Paris, đã cố gắng mở các cuộc đối thoại chính trị với các quốc gia Arab với triển vọng dài hạn là thành lập Nhà nước Palestine. Sven Koopmans, đặc phái viên châu Âu tại khu vực, kêu gọi: “Chúng ta cần phải chuẩn bị tại đây. Nền tảng này sẽ cho phép chúng ta sẵn sàng đóng góp vào tiến trình hòa bình và việc thành lập Nhà nước Palestine, nhằm đảm bảo không chỉ tương lai chính trị cho người Palestine, mà còn tương lai an toàn cho Israel”.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của ngoại giao châu Âu đối với Israel dường như bằng 0. Nhà ngoại giao hồi hưu Denis Bauchard nhận xét: “Chúng ta chưa bao giờ thực sự lên án một số hành động rất tàn bạo và những tổn thất lớn không mong muốn tại Gaza. Chúng ta đã buông tay, đặc biệt khi cả Mỹ cũng đã làm như vậy. Chúng ta ngày càng ít giao thiệp với người Palestine, mặc dù vẫn nhắc đến việc thành lập Nhà nước Palestine, nhưng đó chỉ là sự lừa phỉnh, một cách để lảng tránh vấn đề”.

Kế hoạch sơ bộ về vấn đề Palestine đã được trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab ở Manama, Bahrain hồi tháng 5/2024, song chưa đi đến kết quả nào.

Kế hoạch sơ bộ về vấn đề Palestine đã được trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab ở Manama, Bahrain hồi tháng 5/2024, song chưa đi đến kết quả nào.

Về phần mình, chính quyền Tổng thống Biden, dù đã đề cập đến việc khôi phục giải pháp hai nhà nước nhưng lại không ngừng thể hiện sự lệch lạc và thiên vị. Biểu hiện rõ nét nhất của điều này là thông cáo báo chí ngày 14/1, được Nhà Trắng công bố nhân dịp đánh dấu 100 ngày các con tin bị bắt giữ. Trong thông cáo đó, không có một lời nào nhắc đến tình cảnh của những thường dân ở Gaza. Washington đã 3 lần ngăn chặn việc thông qua nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Vào tháng 4, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby vẫn khẳng định Bộ Ngoại giao Mỹ “chưa tìm thấy sự kiện nào chứng minh Israel đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế”. Đến tháng 5, khi Tòa án Hình sự quốc tế thông báo ý định phát lệnh bắt giữ các quan chức cấp cao của Israel, Mỹ đã bác bỏ thẩm quyền và lập luận của tòa án.

Cam kết toàn diện của Mỹ đối với Israel hóa ra lại đi kèm với việc chính phủ ông Netanyahu thường xuyên không tuân thủ các “ranh giới đỏ” mà Nhà Trắng vạch ra. Khi Washington yêu cầu không thu hẹp thêm lãnh thổ Gaza, vốn đã không còn sức sống, quân đội Israel vẫn tạo ra một vùng đệm biên giới. Mỹ cũng yêu cầu không thực hiện chiến dịch quy mô lớn ở phía Nam Gaza nếu không có kế hoạch khả thi cho việc di dời người dân. Tuy nhiên, chiến sự vẫn diễn ra, bất chấp các yêu cầu của Mỹ.

Ngọc Lan

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/xa-voi-hoa-binh-cho-trung-dong-i748505/