Xác cá khổng lồ gần 30 tấn dạt vào bờ biển: Chuyên gia phát hiện 2 điều bất thường
Loài cá voi này có thể dài gần 12 mét và nặng gần 30 tấn.
Tháng 1/2019, người dân địa phương phát hiện xác một con cá voi dài 11,5 mét, nặng gần 30 tấn dạt vào bờ biển tại Công viên Quốc gia Florida Everglades của bang Florida (Mỹ). Sau 2 năm nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra 2 sự thật liên quan đến xác con cá khổng lồ này: Một là, con cá voi này là một loài hoàn toàn mới, chưa từng được định danh khoa học; Hai là (điều đáng buồn hơn), nó được coi là có nguy cơ tuyệt chủng trên Trái Đất.
1. Loài hoàn toàn mới
Trở lại năm 2019, khi xác của con cá khổng lồ trôi dạt dọc theo Sandy Key - với một miếng nhựa cứng trong ruột - các nhà khoa học nghĩ rằng đó là một phân loài của cá voi Bryde (phát âm là "broodus"), một loài cá voi tấm sừng hàm (Baleen whales) trong cùng một nhóm bao gồm cá voi lưng gù và cá voi xanh. Con cá voi này được đặt tên là cá voi Rice.
Giờ đây, sau khi phân tích gen của những con cá voi Rice khác cùng với việc kiểm tra hộp sọ của cá voi trôi dạt vào bờ biển Everglades, các nhà nghiên cứu xác định: Cá voi Rice là một loài hoàn toàn mới sống ở Vịnh Mexico.
Theo một tuyên bố từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), phát hiện được công bố chi tiết vào ngày 10/1/2021 trên tạp chí Marine Mammal Science.
2. Đối mặt nguy cơ tuyệt chủng vì con người
Các nhà nghiên cứu đã xem xét hồ sơ về cá voi Bryde ở Caribe và Đại Tây Dương lớn hơn và kết luận những con cá voi mà họ phát hiện là bằng chứng "về một loài Balaenoptera chưa từng được mô tả từ Vịnh Mexico."
Tiến sĩ Patricia Rosel, tác giả chính của nghiên cứu và đồng tác giả của cô, Tiến sĩ Lynsey Wilcox, tại Trung tâm Khoa học Thủy sản Đông Nam (Mỹ), đã hoàn thành các xét nghiệm di truyền đầu tiên của loài cá voi này và phát hiện ra rằng hộp sọ của cá voi Rice khác với hộp sọ của cá voi Bryde.
Theo Tampa Bay Times, hộp sọ tiết lộ sự khác biệt về giải phẫu của cá voi Bryde, đặc biệt là xương trên đỉnh hộp sọ bao quanh lỗ thổi của con vật.
Ngoài việc có hộp sọ khác nhau, cá voi Rice có kích thước hơi khác so với cá voi Bryde, phân tích mới cho thấy. Chúng có thể nặng tới 30 tấn và dài tới 12,8 mét, theo NOAA, trong khi cá voi Bryde được biết là có thể dài 15,2 m và nặng hơn 25 tấn.
Giống như các loài cá voi tấm sừng hàm tương tự, cá voi Rice có ba đường gờ bên dọc theo xương hàm của chúng.
Để làm sạch bộ xương khổng lồ phục vụ nghiên cứu, các nhà khoa học NOAA và các thành viên của Mạng lưới động vật có vú trên biển đã chôn nó dưới lòng đất tại Công viên Fort De Soto trong vài tháng. Sau đó mới tiến hành khai quật bộ xương và chuyển chúng đến Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian, nơi Tiến sĩ Patricia Rosel và đồng nghiệp có thể nghiên cứu chi tiết mẫu vật.
Tiến sĩ Patricia Rosel cho rằng những con cá voi thuộc loài mới này có thể sống khoảng 60 năm, nhưng do số lượng còn rất ít nên các nhà nghiên cứu cần quan sát thêm về loài cá voi này để biết rõ hơn về tuổi thọ của chúng.
Nhận định của các chuyên gia cho hay, số lượng cá thể loài này rất khan hiếm. Ước tính có khoảng 100 con cá voi loại này sống trên hành tinh.
NOAA đưa ra cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng của loài cá voi hoàn toàn mới này. Do vị trí sinh sống của chúng ở Vịnh Mexico - sống ở vùng nước ấm của Vịnh quanh năm, cá voi của Rice đặc biệt dễ bị tổn thương do tràn dầu, tàu thuyền va chạm cũng như hoạt động thăm dò và sản xuất năng lượng của con người.
Tiến sĩ Patricia Rosel nói với Tampa Bay Times rằng: “Ngay cả một thứ gì đó lớn như cá voi cũng có thể ở ngoài đó (Vịnh Mexico) và thực sự khác biệt với tất cả các loài cá voi trên hành tinh mà chúng tôi chưa có cơ hội để tìm hiểu và biết tới. Điều này thực sự làm sáng tỏ nhu cầu cấp thiết của việc bảo tồn và bảo vệ những loài động vật này trong vùng Vịnh, và đảm bảo rằng chúng ta không mất đi một loài động vật có vú trên biển nào mà chúng ta thậm chí còn chưa biết về chúng.
Cá voi Rice từ nay sẽ thuộc tình trạng được bảo vệ theo Đạo luật Các loài nguy cấp của Mỹ và Đạo luật Bảo vệ Động vật có vú biển, theo NOAA.