Xác định cơ chế miễn dịch tìm vaccine phòng Covid-19

AUSTRALIA Các nhà khoa học xác định cơ chế chống lại nCoV của hệ miễn dịch, tiến gần hơn tới việc tìm ra vaccine và phương pháp điều trị Covid-19.

Nhóm chuyên gia ở Viện truyền nhiễm và miễn dịch học Peter Doherty phát hiện 4 loại tế bào miễn dịch cùng hành động để chống lại nCoV, virus gây Covid-19. Cơ thể bệnh nhân dường như cũng tấn công virus theo cách tương tự như đối với cúm mùa, theo kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Medicine hôm 16/3.

Đối tượng nghiên cứu là một người phụ nữ 47 tuổi trở về từ thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát vào tháng 12 năm ngoái. Sau khi về nước 11 ngày, người phụ nữ tới khám ở khoa cấp cứu của một bệnh viện tại Melbourne, Australia, với các triệu chứng Covid-19 từ nhẹ tới vừa. Tuy nhiên, bệnh nhân không tới chợ hải sản Hoa Nam và cũng không tiếp xúc với bất kỳ người nào nhiễm nCoV.

nCoV dưới kính hiển vi.

nCoV dưới kính hiển vi.

Các triệu chứng Covid-19 xuất hiện 4 ngày trước khi bệnh nhân đi khám, bao gồm uể oải, đau họng, ho khan, đau ngực, khó thở và sốt. Bác sĩ xác định bệnh nhân sốt 38,5 độ C và xét nghiệm cho kết quả dương tính với nCoV. Sau 7 ngày, người phụ nữ có kết quả xét nghiệm âm tính và được về nhà tự cách ly vào ngày thứ 11. Thông qua lấy mẫu máu từ bệnh nhân trước và sau khi hồi phục, nhóm nghiên cứu nhận thấy cơ thể người bệnh kích hoạt cuộc tấn công chống lại virus chưa từng gặp bao giờ.

"Chúng tôi xem xét toàn bộ phản ứng miễn dịch ở bệnh nhân dựa trên hiểu biết tích lũy trong nhiều năm đối với phản ứng miễn dịch của những bệnh nhân nhập viện do nhiễm cúm", tiến sĩ Nguyễn Oanh, Viện truyền nhiễm và miễn dịch học Peter Doherty, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. "Ba ngày sau khi bệnh nhân nhập viện, chúng tôi phát hiện số lượng lớn vài loại tế bào miễn dịch, dấu hiệu bình phục thường thấy ở cúm mùa, do đó chúng tôi dự đoán bệnh nhân sẽ khỏe lại trong vòng ba ngày và kết quả đúng như vậy".

Nhóm nghiên cứu khai thác dữ liệu từ Chương trình lấy mẫu sinh học đối với những người trở về nước - SETREP-ID (Sentinel Travellers and Research Preparedness for Emerging Infectious Disease), được thiết kế để đối phó với các đợt bùng phát dịch bệnh mới. "Khi Covid-19 xuất hiện, chúng tôi đã có sẵn quy trình thí nghiệm, vì vậy chúng tôi có thể nhanh chóng xem xét chi tiết virus và hệ miễn dịch", tiến sĩ Irani Thevarajan, bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm ở Bệnh viện Hoàng gia Melbourne, người chỉ đạo chương trình SETREP-ID tại viện Doherty, chia sẻ. "Sau khi tiến hành ở một số bệnh viện tại Melbourne, chúng tôi đang lên kế hoạch triển khai SETREP-ID như một nghiên cứu trên toàn quốc".

Theo nhóm nghiên cứu, bước tiếp theo là xác định phản ứng miễn dịch ở những người nhiễm Covid-19 với mức độ nghiêm trọng khác nhau để dự đoán cách cơ thể đối phó dịch bệnh cũng như tìm ra phương pháp điều trị và vaccine ngừa virus.

"Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng bởi đây là lần đầu tiên chúng ta thực sự hiểu rõ cách hệ miễn dịch của con người chống lại nCoV. Các nhà khoa học phải biết tại sao một số bệnh nhân Covid-19 bị nặng hơn hoặc tử vong mới có thể tìm ra cách bảo vệ họ", Kedzierska nói.

Nhờ nhận dạng những tế bào miễn dịch được kích hoạt ở người nhiễm nCoV, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể xác định nhóm bệnh nhân nào sẽ bộc lộ triệu chứng nghiêm trọng hơn, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp sớm nhất.

Theo: VNN.VN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202003/xac-dinh-co-che-mien-dich-tim-vaccine-phong-covid-19-756865/