Xác định công cụ định giá carbon
Là công cụ thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất xanh, chống rò rỉ carbon trong thương mại, thuế carbon hiện đang được đề xuất tích hợp vào thuế bảo vệ môi trường.
Hàng rào kỹ thuật xanh
Ngày 8/2/2023, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã công bố những cập nhật mới nhất về kế hoạch triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, CBAM sẽ bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm kể từ ngày 1/10/2023. Sau giai đoạn chuyển tiếp, cơ chế CBAM sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 và vận hành hoàn toàn vào năm 2034.
Bà Sirpa Jarvenpaa - Giám đốc Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) - cho biết: CBAM sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các sản phẩm, các nhà xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Theo đó, các nhà xuất khẩu sẽ phải đảm bảo các sản phẩm xuất khẩu vào EU đáp ứng một mức thuế tương ứng như các nhà sản xuất của EU bị áp.
Phạm vi áp dụng của CBAM là khí nhà kính, cụ thể: Đối với sắt thép là khí CO2, nhôm là CO2 và PFC, phân bón là CO2 và N2O và xi măng là CO2.
Việt Nam đã xác định công cụ định giá carbon, cụ thể hệ thống thương mại phát thải (hay thị trường carbon nội địa) nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Bà Mai Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết: Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ngoài áp dụng công nghệ tiên tiến, ít phát thải, nhiều quốc gia áp dụng công cụ định giá carbon. Công cụ định giá carbon được áp dụng là thuế carbon, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải nhà kính, cơ chế tín chỉ carbon.
Sẽ không có “thuế carbon” riêng
Ông Nguyễn Anh Minh – Chuyên gia chính sách quốc gia, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về Đánh giá tác động của CBAM - nhấn mạnh: “Hiện tại, đang có 2 phương án đề xuất việc ban hành thuế carbon dựa trên các cơ chế, chính sách hiện hành. Một là, sửa đổi dự thảo Nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải chuẩn bị được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2023. Hai là, đưa thuế carbon vào nội dung sửa đổi của thuế bảo vệ môi trường (EPT) Bộ Tài chính dự kiến trình vào năm 2026, sẽ cho phép thời gian chuẩn bị dài hơn”.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu tích hợp thuế carbon vào thuế bảo vệ môi trường sẽ mất khoảng trên 3 năm để “hợp thức” các văn bản pháp luật, trong khi tích hợp vào dự thảo Nghị định phí bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến ước tính chỉ mất khoảng 2 năm. Hơn nữa, chính sách thuế carbon sẽ phải thực hiện sớm nhằm đảm bảo hàng hóa của Việt Nam xuất sang EU không bị ảnh hưởng khi mà CBAM của EU sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Ông Axel Michaelowa – Thành viên cấp cao của Nhóm hành động vì khí hậu - cho biết: Cơ chế CBAM đánh thuế dựa trên việc thưởng phạt nhiều hơn. Nếu ở Việt Nam, doanh nghiệp đã đóng 2 đồng cho thuế carbon rồi thì 8 đồng còn lại khi hàng hóa sang EU sẽ phải nộp tiếp. Tỷ lệ đóng tại Việt Nam và ở tại EU như thế nào vẫn đang được bàn thảo, đề xuất.
Ông Nguyễn Anh Minh cho rằng sẽ không có “thuế carbon” mà đề xuất tích hợp vào thuế bảo vệ môi trường hoặc phí bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế carbon cần có lộ trình cụ thể, nhằm đảm bảo hài hòa được lợi ích của Nhà nước, cũng như của doanh nghiệp và các đối tượng chịu thuế. Muốn vậy, thuế carbon cần phải rõ ràng, phải được tham vấn một cách rộng rãi, đầy đủ, nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả cũng như sử dụng nguồn thu từ thuế để phục vụ các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xac-dinh-cong-cu-dinh-gia-carbon-272438.html