Xác định dự án, công trình ưu tiên đầu tư cho đồng bào DTTS
Từ khi triển khai đồng bộ và hiệu quả các chương trình chính sách dân tộc, đời sống người dân miền núi tỉnh Bình Định đã có sự cải thiện đáng kể. Trong đó, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, đồng thời xác định rõ thứ tự ưu tiên thực hiện từng dự án, không đầu tư dàn trải, nhằm củng cố phát triển bền vững các huyện miền núi.
Trong những giải pháp, thì việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) là cú hích quan trọng để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân miền núi. Vì thế, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung triển khai. Trong đó, mục tiêu chung của tỉnh Bình Định là đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3 - 4%; phấn đấu khoảng 10 xã và 4 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn...
Riêng đối với huyện An Lão, triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh Bình Định đã đề ra nhiều nội dung quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân gồm: Công trình giao thông, hạ tầng điện; công trình giáo dục đạt chuẩn quốc gia; công trình y tế đạt chuẩn quốc gia; công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; công trình thủy lợi phục vụ sản xuất... Bên cạnh đó, nhằm giúp người dân có sinh kế ổn định, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế nông hộ như, chăn nuôi bò, nhím, trồng bưởi da xanh, trồng cây dược liệu dưới tán rừng…
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn cao, khoảng 29%, trong đó, 70% là đồng bào DTTS. Huyện đang xây dựng “Đề án giảm nghèo giai đoạn 2023 - 2025”. Trước mắt, địa phương ưu tiên cấp đất sản xuất cho gần 1.700 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, phát động người dân tham gia xuất khẩu lao động để có cuộc sống ổn định. Huyện cũng đang nghiên cứu đề xuất với tỉnh có cơ chế đặc thù với huyện để phát triển gần 1.000 ha trồng dược liệu dưới tán rừng. Đây là bài toán sinh kế lâu dài cho bà con.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, UBND tỉnh cần xây dựng cơ chế lồng ghép các Chương trình MTQG. Hiện nay, các địa phương ttrên địa bàn tỉnh đều có nhiều chương trình, đề án thoát nghèo nhưng thiếu sự phối hợp, hiệu quả không cao nên bà con chưa thoát được nghèo. Đối với các Chương trình MTQG, các huyện cần thực hiện cụ thể và xác định rõ thứ tự ưu tiên thực hiện từng dự án, công trình, không làm dàn trải.