Xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn nhiều tồn tại, thiếu chính xác
'Năm 2021, nhiệm vụ thu từ cổ phần hóa (CPH) là 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm chưa đạt 2.000 tỷ đồng. CPH vẫn chậm, rất chậm. Xác định giá trị DN còn nhiều tồn tại, rủi ro, thiếu chính xác, nhất là xác định giá trị quyền sử dụng đất'- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Chưa đạt mục tiêu đề ra
Ngày 17/5/2022, Tạp chí Tài chính phối hợp với Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) tổ chức hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình CPH DN, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại DN”.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 - 2020, quá trình CPH, thoái vốn DNNN đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, trong giai đoạn này và năm 2021, tốc độ cơ cấu lại DNNN vẫn chậm, thu từ thoái vốn chưa đạt yêu cầu.
Cụ thể, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, có 180 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 489.690 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 DN đã CPH chỉ có 39/128 DN CPH thuộc danh mục CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạt 30% kế hoạch.
Riêng năm 2021 ghi nhận 4 DN CPH với tổng giá trị DN là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 196 tỷ đồng, gồm: 3 DN thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam CPH trong năm 2020, và 1 DN CPH trong năm 2021 là Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An. Về tình hình triển khai thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020, thoái 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kế hoạch CPH, thoái vốn chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, có nguyên nhân chủ quan từ tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; Đa số tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện CPH mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ CPH...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận, công tác CPH, thoái vốn thời gian qua diễn ra rất chậm, không đạt mục tiêu đề ra, thu từ thoái vốn không đạt yêu cầu.
“Việc xác định giá trị của DN chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế và giá trị xác định lại sau kiểm toán, từ đó nên gây nên thất thoát và thậm chí nhiều vụ việc đã bị xử lý hình sự” - Bộ trưởng cho hay.
Điểm lại một số vụ việc điển hình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc xác định giá trị DN chính xác là rất quan trọng. Bộ trưởng nêu ví dụ, qua kiểm toán 45 DN, Kiểm toán Nhà nước đã đánh giá giá trị nhiều DN tăng lên nhiều lần, bình quân 2,8 lần…
“Điều này cho thấy việc xác định giá trị DN còn nhiều tồn tại, rủi ro, thiếu chính xác, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Nghiên cứu các phương pháp định giá DN chính xác hơn
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đặc biệt nhấn mạnh về việc đưa ra phương pháp giá trị DN, giá trị quyền sử dụng đất một cách chính xác. “Lâu nay chúng ta sử dụng nhiều phương pháp xác định giá trị DN nhưng kết quả chưa được chính xác, nhất quán” - Bộ trưởng nói.
Liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, Bộ trưởng cho biết, có nhiều quan điểm, trước đây tiền thuê đất hàng năm không tính vào giá trị DN, còn tiền thuê đất một lần tính vào giá trị DN. Khi tiền thuê đất một lần được xác định không sát giá trị thị trường thì đây chính là lỗ hổng gây thất thoát, chưa nói đến việc sau khi nộp tiền thuê đất một lần, DN đã CPH sẽ chuyển mục đích sử dụng đất, khi đó việc xác giá trị đất không chính xác càng gây thất thoát lớn, thậm chí “giết chết” hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để thúc đẩy quá trình CPH, thoái vốn giai đoạn tới, Bộ Tài chính đề xuất, trong thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế,
Đặc biệt, cần đổi mới cách thức thực hiện gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và việc tăng tính chủ động cho DNNN và cơ quan đại diện chủ sở hữu. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương thức giám sát, kiểm tra hoạt động của DNNN, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong DN. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.
Chia sẻ về thực tiễn, đặc thù của TP Hà Nội trong xác định danh mục các DNNN đưa vào kế hoạch CPH giai đoạn 2021 - 2025, ông Nguyễn Xuân Sáng - Chi cục trưởng Chi cục Tài chính DN, Sở Tài chính TP Hà Nội cho biết, cùng với việc quán triệt và bám sát các chủ trương, chỉ đạo và cơ sở pháp lý, việc lựa chọn DNNN đưa vào kế hoạch 2021 - 2025 của TP xuất phát từ vị thế và yêu cầu phát triển Thủ đô. Trong đó, đặc biệt là yêu cầu đảm bảo duy trì và cung cấp ổn định, có chất lượng các sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn, đảm bảo an sinh, xã hội, an ninh chính trị; gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc; góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Việc lựa chọn các DNNN đưa vào kế hoạch CPH 2021 - 2025 còn cần bảo đảm các điều kiện và tính khả thi phù hợp với tình hình thực tế DN; đảm bảo DN tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, lành mạnh về tài chính và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công có chất lượng.
Kế hoạch sắp xếp lại DN thuộc UBND TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025
Tại thời điểm ngày 1/1/2021, TP Hà Nội có 56 DN, gồm 27 DN 100% vốn nhà nước và 29 DN có vốn nhà nước. Thành phố đã lập kế hoạch sắp xếp lại các DN này giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, đối với nhóm 27 DN 100% vốn nhà nước, Thành phố sẽ CPH 2 DN; thực hiện phá sản và sáp nhập 5 DN; chưa CPH 20 DN, gồm: 7 DN thuộc đối tượng nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 13 DN có vai trò tích cực trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công hoặc trong thực hiện nhiệm vụ của Thành phố.
Đối với 29 DN có vốn nhà nước đầu tư, TP thực hiện rà soát, đề xuất giải quyết tồn tại, vướng mắc để tổ chức thực hiện thoái vốn nhà nước đầu tư tại DN giai đoạn 2021 - 2025 đối với 23 DN không thuộc đối tượng nhà nước nắm giữ vốn theo tiêu chí phân loại DN.
Đồng thời, chưa thực hiện thoái vốn nhà nước đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 đối với 6 DN theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều 3 Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg. Đây là các DN có vốn nhà nước chi phối, hoạt động trong lĩnh vực công ích, sự nghiệp công, có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc; sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đóng góp tích cực cho ngân sách Thành phố…