Xác định hạn ngạch phân bổ phát thải là bài toán khó

Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon hiện nay, Ban soạn thảo đã bổ sung quy định liên quan đến xác định và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, ngoài việc sửa đổi bổ sung quy định về lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính...

Khí nhà kính đang đe dọa tầng ozon mỗi ngày

Khí nhà kính đang đe dọa tầng ozon mỗi ngày

Theo quy định tại khoản 4 Điều 7 và khoản 2 Điều 12 của Nghị định 06/2022/NĐ-CP, các cơ sở thuộc danh mục phải kiểm kê, giảm phát thải sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở vẫn chưa cung cấp số liệu chi tiết để Chính phủ có căn cứ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính (KNK).

GIAO BỘ QUẢN LÝ LĨNH VỰC TỔNG HỢP ĐỀ XUẤT LƯỢNG HẠN NGẠCH PHÂN BỔ

Trong quy định tại khoản 2 Điều 12 của Dự thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý lĩnh vực liên quan xây dựng, ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm của từng loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm xác định hạn ngạch để phân bổ cho các cơ sở dựa trên cường độ phát thải KNK trên đơn vị sản phẩm.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các quốc gia đã vận hành thị trường carbon, giai đoạn đầu thường phân bổ hạn ngạch dựa trên lịch sử phát thải khí nhà kính của các cơ sở và chỉ áp dụng định mức phát thải đối với các lĩnh vực khi có đầy đủ thông tin, dữ liệu liên quan đến xác định định mức. Các cơ sở phát thải có trách nhiệm nộp báo cáo kiểm kê KNK định kỳ hai năm một lần. Thực tế triển khai của những nước như Hàn Quốc cũng cho thấy, việc xác định hạn ngạch dựa trên cường độ phát thải KNK trên đơn vị sản phẩm rất khó khăn, do vậy họ đã dựa trên lịch sử phát thải của 03 năm gần nhất để xác định hạn ngạch phát thải.

Do đó, Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi quy định về tổ chức phân bổ hạn ngạch theo hướng: các Bộ quản lý lĩnh vực có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất danh mục cơ sở và lượng hạn ngạch được phân bổ hằng năm cho từng cơ sở, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải KNK, tỷ lệ hạn ngạch dự trữ và đấu giá kèm theo danh mục cơ sở dự kiến được phân bổ hạn ngạch theo từng giai đoạn từ 2025 đến 2030. Căn cứ tổng hạn ngạch phát thải KNK được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở trước ngày 31/10 của các năm 2027, 2029 cho từng giai đoạn tương ứng.

Riêng giai đoạn 2025-2026, Dự thảo yêu cầu 2 Bộ Công thương và Xây dựng đề xuất hạn ngạch hàng năm cho từng cơ sở nhiệt điện, sản xuất thép, xi măng và gửi về Bộ Tài nguyên Môi trường trước ngày 30/6/2025 để Bộ này tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào 31/12 cùng năm.

Dữ liệu kiểm kê khí nhà kính là căn cứ xác định hạn ngạch phát thải

Dữ liệu kiểm kê khí nhà kính là căn cứ xác định hạn ngạch phát thải

Do vậy, về trách nhiệm phân bổ hạn ngạch, các bộ quản lý lĩnh vực hiện được Dự thảo giao trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK cấp lĩnh vực; ban hành quy định kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK cấp cơ sở và tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong phạm vi lĩnh vực quản lý.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, cho biết Bộ Tài nguyên Môi trường đã họp với các bộ quản lý lĩnh vực về đề xuất phương án phân bổ. Theo đó, trong giai đoạn 1, các ngành được lựa chọn phân bổ sớm như nhiệt điện sắt thép xi măng thuộc chuyên ngành quản lý của Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Dự thảo hạn ngạch phân bổ sẽ do 2 bộ đó (Công thương và Xây dựng) đề xuất gửi Bộ Tài nguyên Môi trường tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hạn ngạch. Trên cơ sở đó, 2 bộ phân bổ cho các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền.

NÊN THÀNH LẬP TỔ THẨM ĐỊNH THEO CƠ CHẾ LIÊN NGÀNH

Góp ý với nội dung Dự thảo tại buổi lấy ý kiến các Bộ, ngành để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 06, đại diện Bộ Công thương cho rằng Bộ Tài Nguyên Môi trường nên là đơn vị chủ trì tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải. Đưa ra dẫn chứng, đại diện Bộ Công thương băn khoăn: “Trong dự thảo Nghị định có yêu cầu các Bộ (Công thương, Xây dựng) đề xuất phương án phân bổ, vậy quy trình tiếp theo là gửi hay trình? Nếu như vậy tôi cho rằng cơ chế không phù hợp lắm, vì Điều 139 luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2020 giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp Bộ Tài nguyên phối hợp các bộ, ngành thành lập thị trường carbon trong nước. Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các đối tượng. Vậy nếu bây giờ lại giao các bộ chuyên ngành tổ chức thực hiện Nghị định của Chính phủ có phân lại được không?”.

Đại diện Bộ Công thương cũng nêu câu hỏi: "Nếu giao Bộ Công thương, Bộ Xây dựng đề xuất phương án phân bổ hạn ngạch nhưng khi gửi sang Bộ Tài nguyên Môi trường không đồng ý thì cơ chế xử lý như thế nào? Nếu sai khác thì thẩm quyền trách nhiệm của các Bộ ra sao”.

Do đó, đại diện Bộ Công thương đề xuất dự thảo nên sửa thành "Bộ Tài Nguyên Môi trường tổ chức, xây dựng, phân bổ hạn ngạch và thành lập tổ thẩm định theo cơ chế liên ngành. Hiện đã có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp của tổ liên ngành này. Và trách nhiệm thuộc về tổ liên ngành chứ không riêng bộ nào”.

“Quan điểm của Bộ Công thương là khi xây dựng hạn ngạch để phân bổ chúng ta nên thuê đơn vị tư vấn, chúng ta chỉ thẩm định thôi vì bộ không thể tự đi tính số liệu của từng doanh nghiệp, đặc biệt là với ngành Công thương có số lượng doanh nghiệp phát thải lớn quá nhiều”, đại diện Bộ Công thương phát biểu.

Đặt ra trường hợp nếu doanh nghiệp sản xuất cả xi măng và thép thì bộ nào sẽ đứng ra thực hiện, đại diện Bộ Công thương cho rằng: “Nếu mỗi bộ chọn một phương pháp phân bổ hạn ngạch thì làm sao đáp ứng tính phổ quát? Nên tôi cho rằng phương án Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì tổ chức, các bộ khác tham gia phối hợp là tốt nhất.”

Tán thành quan điểm nên thuê đơn vị tư vấn độc lập để xây dựng kế hoạch phân bổ hạn ngạch phát thải, ông Nguyễn Xuân Kiên, Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam, một trong những ngành đóng góp nhiều khí thải có hại cho tầng ozon, nhận định rằng tình trạng phát thải khí nhà kính diễn ra ở tất cả các ngành, doanh nghiệp nào cũng phát thải.

“Cơ quan quản lý nhà nước không thể tự đi đo lường kết quả giảm thải của từng doanh nghiệp mà chỉ có thể tổng hợp số liệu để làm chính sách. Việc này nên để cho các tổ chức thẩm định, tư vấn độc lập làm. Và Dự thảo sửa đổi Nghị định 06 nên quy định cụ thể hơn về cách thức thành lập, cơ chế tổ chức hoạt động của các đơn vị tư vấn đánh giá độc lập", ông Kiên nói.

Thực tế là hiện trong nước chưa thấy đơn vị tư vấn nào đủ uy tín, trong khi đó, đơn vị tư vấn có vai trò rất quan trọng trong việc đo lường khí thải để thực hiện chủ trương này. "Tôi cho rằng xác định và phân bổ hạn ngạch như thế nào trước mắt rất khó do chưa có thông số, dữ liệu gì cụ thể. Đây là bài toán khó một mình Bộ Tài nguyên Môi trường không ôm nổi.”, ông Kiên nêu ý kiến.

THỜI ĐIỂM PHÂN BỔ HẠN NGẠCH PHÁT THẢI GIAI ĐOẠN ĐẦU SẼ CÓ ĐỘ TRỄ

Thông tin tại buổi lấy ý kiến các Bộ, ngành để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 06, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu dự báo “giai đoạn 2025 - 2026 việc phân bổ hạn ngạch sẽ có độ trễ vì ta mới tham gia cuộc chơi. Tới giai đoạn 2027 – 2028, 2029 - 2030 sẽ phân bổ hạn ngạch sớm hơn”.

Trước thông tin này, diện Bộ Công thương băn khoăn “Dự thảo đưa ra mục tiêu 2025-2030 phân bổ hạn ngạch, Ban soạn thảo cần làm rõ là đến năm 2025 đã phân bổ được hạn ngạch phát thải chưa. Thời hạn đưa ra đó có khả thi không?”.

Giải đáp một phần những ý kiến của các bộ ngành, ông Nguyễn Ngọc Vinh Thư ký Ban soạn thảo, cho hay Dự thảo đưa ra thời hạn phân bổ hạn ngạch vào 31/12/2025 cho giai đoạn 2025 – 2026. Theo quy định của Luật, cơ sở kiểm kê KNK 2 năm 1 lần từ 2023 trở đi. Trong kỳ đầu tiên cơ sở cung cấp số liệu cho các Bộ chuyên ngành để hỗ trợ xác định kết quả kiểm kê, bắt đầu từ tháng 3/2025 các cơ sở mới chính thức nộp số liệu kiểm kê khí nhà kính. Do đó Dự thảo sửa đổi cũng đang đề xuất Bộ quản lý chuyên ngành sẽ tập hợp kết quả kiểm kê của cơ sở để cùng Bộ Tài nguyên Môi trường xác định hạn ngạch và cuối 2025 mới phân bổ. Như vậy phải tới cuối năm 2025 doanh nghiệp mới có thể biết hạn ngạch phát thải của mình trong giai đoạn 2025-2026.

“Chúng tôi cũng lường được điều này sẽ gây ra khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chủ động xác định kế hoạch giảm phát thải do thông tin hạn ngạch được phân bổ muộn. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu cơ quan quản lý thiếu rất nhiều cơ sở dữ liệu. Do vậy, Tổ soạn thảo đang đề xuất chỉ căn cứ vào kết quả phát thải 3 năm gần nhất của cơ sở để phân bổ hạn ngạch, mục tiêu là tránh gây khó khăn cho hoạt động sản suất của doanh nghiệp ở mức tối đa có thể”, ông Vinh phân tích.

Bà Trần Kim Chi, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thắc mắc rằng theo Dự thảo cuối năm 2025 nhà nước mới phân bổ hạn ngạch của giai đoạn 2025 - 2026, vậy trong trường hợp cơ sở chưa được phân bổ hạn ngạch nhưng đã thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trước đó (nhiều nhà sản xuất sớm áp dụng biện pháp công nghệ tiên tiến giảm phát thải) họ có được chuyển lượng hạn ngạch có được trước thời hạn được phân bổ hay không?

Để khuyến khích doanh nghiệp sớm áp dụng công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, nhà nước, đại diện VAMA đề xuất nên tạo điều kiện cho họ được chuyển giao lượng hạn ngạch phát trong 3 năm.

Điện gió là nguồn năng lượng xanh

Điện gió là nguồn năng lượng xanh

Cũng góp ý về quy định hạn ngạch phân bổ dựa trên lịch sử phát thải, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN cho biết đo kiểm của Tập đoàn trong 3 năm gần nhất cho thấy kết quả sản xuất kinh doanh giữa những năm gần nhất là không như nhau. Nếu dựa vào báo cáo kiểm kê phát thải KNK của các năm trước đó để xác định hạn ngạch cho năm sau có thể dẫn tới tình huống hạn ngạch được cấp không đủ cho giai đoạn tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các nhà máy điện của EVN trong nhiều trường hợp phải phải đảm bảo sản xuất, cung ứng điện theo yêu cầu cấp bách của Chính phủ. Do đó EVN đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cụ thể cho doanh nghiệp “Nếu phải cấp bách huy động sản xuất cung ứng điện theo yêu cầu của Chính phủ thì cơ sở có được phép sử dụng vượt quá hạn ngạch được cấp hay không?”.

Trong những năm qua, các cơ sở, nhà máy điện của EVN mới dừng lại ở thu thập thông tin số liệu theo yêu cầu của Bộ Công thương, chưa thực hiện kiểm kê khí nhà kính và lập kế hoạch giảm nhẹ phát thải. Vì vậy, đại diện EVN đề nghị Ban soạn thảo xem xét làm rõ quy định về thời hạn nộp số liệu kiểm kê để tránh gây áp lực cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại diện EVN cho rằng do việc hướng dẫn kiểm kê và kế hoạch giảm nhẹ khí nhà kính vẫn còn khá mới mẻ với đa số doanh nghiệp nên các cơ sở thuộc danh mục bắt buộc áp dụng kiểm kê phát thải khí nhà kính rất cần sự hỗ trợ, tăng cường năng lực đào tạo, hướng dẫn quy trình kiểm kê. Vì thế đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam mong nhận được sự hỗ trợ của 2 Bộ Tài Nguyên Môi trường và Công thương để thực hiện các hoạt động đào tạo đối với kiểm kê KNK với cơ sở sản xuất điện.

Nguyệt Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xac-dinh-han-ngach-phan-bo-phat-thai-la-bai-toan-kho.htm