Xác định loài cua có chất độc nguy hiểm tại Việt Nam

Loài cua quạt đã khiến người đàn ông ở Thanh Hóa rơi vào tình trạng nguy hiểm, tiên lượng dè dặt.

Ngày 2/4, Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết thủ phạm là cua quạt, không phải cua mặt quỷ như thông tin trước đó.

Theo Phó giáo sư Hà, ngày 29/3, Viện Hải dương học nhận được 2 mẫu vật cua thu thập trong vụ ngộ độc do Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cung cấp để xác định và phân tích thành phần chất gây độc.

Kết quả xác định cho thấy cả 2 mẫu vật đều là loài cua quạt. Tên khoa học là Demania reynaudii thuộc họ Xanthidae (cua rạn Xanthid). Theo tài liệu, cua quạt là loài giáp xác biển, sống đáy, thường gặp trong các rạn san hô tại vùng biển nhiệt đới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 Mẫu vật cua quạt Demania renaudii thu thập từ vụ ngộ độc thực phẩm tại Thanh Hóa ngày 27/3. Ảnh: Trương Sĩ Hải Trình.

Mẫu vật cua quạt Demania renaudii thu thập từ vụ ngộ độc thực phẩm tại Thanh Hóa ngày 27/3. Ảnh: Trương Sĩ Hải Trình.

Hiện các nhà khoa học xác định gần 300 loài cua quạt sống ở biển, trong đó, một số loài chứa độc tố saxitoxin hoặc tetrodotoxin. Đây là 2 độc tố gây ngộ độc tử vong cho người nếu ăn phải.

Việt Nam từng ghi nhận một số người tử vong do ăn cua mặt quỷ Zosimus aeneus hoặc một số loài cua quạt sống ở rạn san hô khác.

Bên cạnh đó, qua phân tích, các chuyên gia xác định với hàm lượng độc tố trong 2 mẫu cua nói trên, chỉ cần ăn 2 con (khoảng 50-60 g/cá thể) đủ gây tử vong cho một người trưởng thành.

Theo PGS Hà, độc tố tetrodotoxin có tính bền nhiệt, bền axit nên không bị phân hủy ở nhiệt độ cao khi nấu chín. Thậm chí, nó có thể tồn tại trong các sản phẩm đã được chế biến, cấp đông, đóng hộp.

Độc tố này có thể tác động vào hệ thần kinh trung ương của người và động vật bậc cao, làm ngưng quá trình truyền dẫn tín hiệu thần kinh.

Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện khoảng 30 phút sau khi ăn, bao gồm tê lưỡi, tê môi, chóng mặt, đau đầu, đau thắt vùng bụng, buồn nôn, nôn, nói khó, nuốt khó, mất cân bằng vận động... Trường hợp nặng, nạn nhân bị co giật, sùi bọt mép, hôn mê và có thể tử vong.

Theo ghi nhận của Viện hải dương học, loài cua này đã gây khá nhiều vụ tử vong do ngộ độc tại một số quốc gia trong khu vực như Philipphines, Đài Loan, Indonesia...

Trước đó, bệnh nhân Đ.V.C., 46 tuổi, ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, ăn vài con cua "còng chữ thập" luộc. Hai giờ sau, bệnh nhân xuất hiện tình trạng ngộ độc nặng và được chuyển Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết bệnh nhân được điều trị hồi sức, thở máy, vận mạch, hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não. Nhưng tiên lượng rất dè dặt, chưa thể nói trước điều gì.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xac-dinh-loai-cua-co-chat-doc-nguy-hiem-tai-viet-nam-post1199910.html