Xác định lỗi và vấn đề bồi thưởng thiệt hại trong tai nạn giao thông
Ông Hoàng Tuấn Dũng (ở Thanh Xuân Hà Nội) hỏi, con ông năm nay 10 tuổi đi xe đạp của trẻ em. Khi đi học về đến trước cổng trường mầm non, trời mưa to, cháu đứng bên đường mặc áo mưa để đi sang đường về nhà. Khi đi sang đường có một người đi xe máy phanh gấp ngã ra lao vào con ông Dũng, cháu không sao còn người đi xe máy bị đi khâu môi và trồng răng. Vậy ai đúng ai sai và đền bù thiệt hại như thế nào?
Theo luật sư Ngọc Anh – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội: Về việc xác định lỗi trong giao thông đường bộ cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố: cháu sang đường có đúng vạch kẻ đường hay không, có tuân thủ đúng luật giao thông đường bộ hay không, người đi xe máy có chấp hành đúng luật giao thông đường bộ hay không...
Với những thông tin ông Dũng cung cấp chưa thể xác định rõ bên có lỗi gây thiệt hại trong trường hợp này thuộc về con bạn hay thuộc về phía bên người điều khiển xe máy.
Tuy nhiên, theo thông tin nêu trên, khi con ông Dũng đang sang đường trước cổng trường mầm non, có một xe máy tay ga phanh gấp ngã ra lao vào cháu. Tại Điều 5 thông tư 31/2019/TT-BGTVT có quy định như các trường hợp phải giảm tốc độ: Qua khu vực có trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung nhiều người; khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường; khu vực đang thi công trên đường bộ; hiện trường xảy ra tai nạn giao thông.
Như vậy theo như quy định của pháp luật, khi đi qua khu vực trường mầm non thì người đi xe máy phải giảm tốc độ. Nếu trong trường hợp này, có căn cứ chứng minh được khi đi qua khu vực trường mầm non, người đi xe máy đã không giảm tốc độ theo quy định của pháp luật, không chú ý quan sát gây ra tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe cho bản thân, thì phía gia đình ông Dũng không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Nếu trong trường hợp có căn cứ chứng minh được việc người đi xe máy phanh gấp, phải đi khâu môi và trồng răng, là do lỗi của con ông Dũng, thì gia đình sẽ phải bồi thường theo quy định tại điều 590 Bộ luật dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
Cụ thể, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, trong trường hợp này, gia đình ông Dũng thể liên hệ với cơ quan công an để yêu cầu xác định cụ thể lỗi của các bên để xác định về đề bồi thường thiệt hại theo thông tin đã cung cấp nêu trên.