Xác định nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ở Nghệ An
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Nghệ An có kết luận nguyên nhân khiến cá tôm chết bất thường ở huyện Quỳ Hợp.
Nhiều thông số vượt quy chuẩn
Sở TN&MT Nghệ An vừa báo cáo UBND tỉnh Nghệ An về vụ việc cá chết bất thường trên suối Bắc và sông Nậm Huống thuộc xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp) xảy ra vào đầu tháng 7 vừa qua.
Theo đó, khi lần theo dòng chảy, ngược lên thượng nguồn suối Bắc, cơ quan chức năng xác định nguồn gốc phát sinh nước thải có dấu hiệu ô nhiễm từ khu vực mỏ của Công ty TNHH thiếc Hà An (gọi tắt là Công ty Hà An; đóng tại bản Pòng, xã Châu Hồng).
Tại thời điểm kiểm tra (ngày 8/7/2024), nước thải từ hầm lò của Công ty Hà An bơm lắng lọc sơ bộ qua các bể lắng trước khi bơm vào hang karst. Từ đây nước tự chảy ra ở đầu nguồn suối Bắc, không đúng với nội dung giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường do Sở TN&MT Nghệ An cấp.
Kết quả mẫu nước do doanh nghiệp này bơm vào hang karst, rồi chảy ra đầu nguồn suối Bắc có nhiều thông số vượt quy chuẩn cho phép. “Đây là một trong các nguồn làm ô nhiễm nguồn nước mặt ở khe suối tại thời điểm lấy mẫu”, Sở TN&MT Nghệ An kết luận.
Đối với mẫu nước tại bể lắng trước khi bơm xả thải vào hang karst, so sánh với QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp có 3/32 thông số vượt quy chuẩn (asen vượt 3,22 lần; sắt vượt 3,22 lần).
Còn mẫu nước mặt tại khu vực hang karst thải ra suối Bắc so sánh với QCVN 08:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, bảng 1 (giá trị giới hạn tối đa các thông số ảnh hưởng tới sức khỏe con người) cho thấy 5/8 thông số vượt quy chuẩn (amoni vượt 1,71 lần; asen vượt 5,4 lần; cadimi vượt 18,56 lần; mangan vượt 23,7 lần; sắt vượt 16,34 lần).
Ngoài ra, đối chiếu bảng 2 (giá trị giới hạn các thông số trong nước mặt phục vụ cho việc phân loại chất lượng nước sông, suối, kênh, mương, khe, rạch và bảo vệ môi trường sống dưới nước) cũng có nhiều thông số vượt tiêu chuẩn.
Công ty TNHH thiếc Hà An được Bộ TN&MT cấp phép khai thác quặng thiếc bằng phương pháp hầm lò từ năm 2013; diện tích 17,12ha thuộc địa bàn 2 xã Châu Thành và Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp). Trong những năm gần đây, Công ty Hà An trở nên “quen mặt” với cơ quan chức năng, bởi doanh nghiệp này liên tục bị xử phạt do vi phạm các quy định của pháp luật.
Đầu năm 2023, UBND huyện Quỳ Hợp ban hành Quyết định số 639/QĐ-UBND xử phạt vi phạm hành chính Công ty Hà An với số tiền 111 triệu đồng. Lý do, doanh nghiệp đổ bùn, đất thải sau quá trình tuyển quặng, vượt ra ngoài ranh giới khu vực được thuê đất làm bãi thải với diện tích 1,1ha mà chưa được cơ quan Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Đến tháng 6/2024, dựa trên biên bản vi phạm hành chính do đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT lập, UBND huyện Quỳ Hợp tiếp tục xử phạt hành chính đơn vị này 250 triệu đồng do sử dụng khoáng sản không đúng mục đích quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản. Gần đây nhất, ngày 17/6/2024, UBND huyện Quỳ Hợp tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với Công ty Hà An với tổng số tiền 70 triệu đồng.
Thấp thỏm vì nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm
Một tháng qua, nhiều hộ dân sống ở thị trấn Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp) lo lắng về hiện tượng cá chết ở suối Bắc và sông Nậm Huống. Người dân sử dụng nước nhà máy rất lo lắng vì nước thô lấy từ sông bị ô nhiễm. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, không ít gia đình phải mua nước đóng bình hoặc sang các vùng khác chở nước giếng về để sinh hoạt.
Nguyên nhân là vị trí trạm bơm nước thô đầu vào của Nhà máy nước Quỳ Hợp (thuộc Công ty CP Cấp nước Nghệ An) được đặt tại sông Nậm Huống. Mỗi ngày đêm, nhà máy bơm hàng ngàn khối nước từ dòng sông này để xử lý, rồi bán cho hơn 2.400 hộ dân trên địa bàn.
Những ngày qua, gia đình ông Hà Đăng Ninh (SN 1965, trú tại thị trấn Quỳ Hợp) phải mua từng can nước sạch về để nấu ăn, sinh hoạt sau khuyến cáo của địa phương hạn chế sử dụng nước từ sông Nậm Huống.
Người đàn ông này cho biết, việc cá trên sông Nậm Huống bị chết hàng loạt khiến mọi người rất lo lắng. Do gia đình ông không có nguồn nước nào khác nên phải mua thêm nước đóng bình hoặc đi xin ở vùng khác về nấu ăn, còn tắm giặt vẫn phải sử dụng nước từ nhà máy.
Liên quan đến vấn đề này, ông Quán Vi Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, vào năm 2017 chính quyền địa phương từng làm việc và đề xuất Công ty CP Cấp nước Nghệ An di dời trạm lấy nước thô đến địa điểm khác.
Theo ông Giang, do huyện Quỳ Hợp không có nguồn kinh phí hỗ trợ dẫn đến việc di dời trạm bơm phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp hoặc nguồn xã hội hóa.
Địa điểm mới được đề xuất là suối Nậm Chóng, cách vị trí cũ khoảng 2km, đầu nguồn không có mỏ khai thác quặng. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua đề xuất này vẫn chưa được thực hiện.
Trả lời Báo GD&TĐ, ông Hoàng Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nghệ An cho biết, việc di dời trạm bơm lấy nước thô của Nhà máy nước Quỳ Hợp phụ thuộc vào nguồn kinh phí. Còn vấn đề nước sông ô nhiễm là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
“Nguồn nước đó bị ô nhiễm. Ai làm thì người đó phải trả lại sự trong sạch cho nguồn nước, làm sao lại bắt di dời các công trình được. Trách nhiệm là của địa phương, còn đơn vị chỉ biết dùng một phần nước trên sông đó. Công ty cấp nước có trách nhiệm về nguồn nước đầu ra”, lãnh đạo Công ty Cấp nước Nghệ An giải thích.
Theo ông Hải, hàng năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC) sẽ lấy mẫu nước đầu ra của nhà máy bán cho người dân để xét nghiệm. Kết quả đều đạt quy chuẩn cho phép nên người dân có thể yên tâm sử dụng.
Tính đến đầu năm 2024, huyện Quỳ Hợp có 79 mỏ đá, quặng và nước khoáng được cấp phép còn hạn; hơn 150 xưởng chế biến khoáng sản. Vấn đề trở nên bức thiết khi một số khe suối, sông trên địa bàn huyện Quỳ Hợp bị ô nhiễm trong nhiều năm, một phần do hoạt động khai thác khoáng sản.