Xác định nguyên nhân gây sụp lún kè chống xói lở bờ sông Tiền
Nhiều người dân ở xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) bức xúc phản ánh tình trạng những ghe cào đánh bắt thủy sản sử dụng máy công suất lớn thường xuyên hoạt động gần chân kè chống xói lở bờ sông Tiền, đoạn thuộc ấp An Thạnh, xã Mỹ An Hưng B (thường gọi là kè Mỹ An Hưng B). Đây là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến 'tuổi thọ' công trình, gây ra sự cố sụp lún dưới mái kè gần đây.
Bờ kè gần 40 tỷ đồng bị sụp lún
Vì nhà ở gần kè Mỹ An Hưng B nên ông Hồ Thanh Vũ thường xuyên tắm giặt tại bờ kè này. Một ngày cuối tháng 2/2024, cũng như mọi khi, ông Vũ xuống sông Tiền tắm sát chân kè, bỗng dưng như bị “động đất”, khu vực chân kè gần đó bị sụp lún sâu, những chiếc ghe neo đậu ở gần bị nhấn chìm xuống nước. "Tôi rất hoảng sợ và chạy nhanh lên bờ", ông Vũ cho biết.
Theo ông Huỳnh Minh Đường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Dự án xử lý khẩn cấp khắc phục sự cố sạt lở bờ sông Tiền khu vực xã Mỹ An Hưng B (giai đoạn 1) đã thi công hoàn thành, bàn giao địa phương quản lý, sử dụng đoạn 1.120 m vào tháng 9/2013 và đến nay, công trình đã hết thời gian bảo hành.
Cuối tháng 2/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được thông tin từ Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Lấp Vò về sự cố sụp lún dưới mái kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực xã Mỹ An Hưng B với chiều dài khoảng 24m.
Ông Huỳnh Minh Đường cho biết, nhằm khắc phục sự cố, hạn chế ảnh hưởng đến phần thảm đá hiện hữu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, cùng chính quyền địa phương kiểm tra hiện trạng sụp lún dưới mái kè; đồng thời, vận động từ các nguồn xã hội hóa đã thực hiện trải vải địa kỹ thuật và thả đá khắc phục đoạn sụp lún nói trên.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, trước tình hình sạt lở bờ sông Tiền diễn biến nhanh, nhất là đoạn ở dọc tuyến đường ĐT-848 (thuộc xã Mỹ An Hưng B), tháng 8/2012, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở và chỉ đạo xây dựng phương án khẩn cấp để khắc phục sự cố, tiến hành thi công công trình chống sạt lở tại đây.
Công trình xử lý khẩn cấp khắc phục sự cố sạt lở bờ sông Tiền khu vực xã Mỹ An Hưng B có chiều dài 1.120 m. Dự án khởi công trong tháng 9/2012, hoàn thành, đưa vào sử dụng ngày 24/9/2013, tổng kinh phí đầu tư 36 tỷ đồng. Việc xây dựng công trình này nhằm đảm bảo ổn định đời sống của người dân trong khu vực, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường ĐT-848, tuyến giao thông huyết mạch nối liền 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang.
Vì sao sụp lún?
Nói về nguyên nhân xảy ra điểm sụp lún kè Mỹ An Hưng B gần đây, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Đường cho hay, qua khảo sát và đánh giá nguyên nhân sơ bộ, bước đầu xác định có thể do các ghe cào đánh bắt thủy sản trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình kè, tàu thuyền di chuyển áp sát vào chân kè gây tình trạng sụp lún thảm đá chân kè. Cùng đó, do kết hợp dòng chảy từ sông Hổ Cứ (thuộc thành phố Cao Lãnh) đổ trực tiếp vào chân kè, thời gian lâu ngày cũng có thể gây hiện tượng xói chân, kéo tuột thảm đá. Mặt khác, công trình đã đưa vào khai thác, sử dụng trên 10 năm nhưng vẫn chưa được duy tu bảo dưỡng thường xuyên nên cũng là nguyên nhân dân sụp lún rọ đá.
Công trình kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực xã Mỹ An Hưng B bị sụp rọ đá dưới mặt nước, ăn sâu vào chân kè, gây sụp phần mái kè, ảnh hưởng đến “tuổi thọ” công trình. Nhiều người dân địa phương cho rằng, một trong những nguyên nhân chính gây ra sự cố nói trên là do những chiếc ghe cào đánh bắt thủy sản sử dụng máy công suất lớn thường xuyên hoạt động gần bờ.
Ông Hồ Thanh Vũ ở xã Mỹ An Hưng B từng tham gia làm công nhân xây dựng công trình kè Mỹ An Hưng B. Theo ông Vũ, trước đây, rọ đá được thả hơn 50m, hướng từ chân kè ra giữa sông. Tuy nhiên, hiện nay, trong những lần tắm dưới sông Tiền và lặn ở khu vực gần chân kè, ông nhận thấy có nhiều điểm không còn rọ đá.
Phần chân kè dưới mặt nước được đơn vị thi công gia cố bằng việc thả nhiều rọ đá. Tuy nhiên, những chiếc ghe cào đánh bắt thủy sản thường xuyên hoạt động gần bờ đã làm sứt nắp rọ, đá từ trong rọ tràn ra ngoài lòng sông. Sau đó, ghe cào và những phương tiện thủy trọng tải lớn lưu thông làm di chuyển những hòn đá này đến vị trí khác. “Để có thể bảo vệ công trình kè, tránh bị hư hại, điều cần làm trước hết là ngăn chặn, xử lý, tuyệt đối không để ghe cào hoạt động gần chân kè” - ông Vũ góp ý.
Ông Võ Văn Luân ở xã Mỹ An Hưng B làm nghề đánh bắt cá trên sông Tiền bằng chài, lưới. Qua nhiều lần lặn dưới sông Tiền, ngay khu vực chân kè Mỹ An Hưng B, ông Luân cho biết, có nhiều điểm bị mất rọ đá, đá tuột ra giữa sông, chủ yếu là do những chiếc ghe cào cá thường xuyên hoạt động gần bờ gây ra. Điều khiến ông Luân và nhiều người dân địa phương bức xúc là khi phản ứng, yêu cầu không hoạt động gần bờ thì người điều khiển ghe cào chẳng những không thực hiện, mà còn thách thức và sẵn sàng “gây hấn”.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đầu tư công trình thí điểm lắp đặt biển báo, thả phao phân luồng và camera giám sát cho công trình kè Mỹ An Hưng B. Công trình đã được triển khai thực hiện và hoàn thành, đưa vào sử dụng với 3 phao phân luồng, 25 camera giám sát và 2 biển báo, tổng kinh phí đầu tư gần 1,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp và chính quyền địa phương quan tâm việc tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi xâm phạm hành lang bảo vệ công trình kè. Ngoài ra, đã di dời những lòng bè nuôi thủy sản neo đậu trái phép trong hành lang bảo vệ công trình kè đến nơi khác; kiểm tra, nhắc nhở các ghe, tàu tải trọng lớn không được neo đậu sát chân và mái kè.