Xác định nguyên nhân khiến TP.HCM và cả Nam Bộ mù đặc, ô nhiễm nặng

Kết quả quan trắc và chạy mô hình cho thấy cháy rừng ở Indonesia là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ.

Chiều 22/9, tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM) đã đưa ra bằng chứng ô nhiễm không khí ở TP.HCM liên quan đến cháy rừng ở Indonesia.

Trong những ngày qua, đơn vị này đã chạy mô hình truy tìm nguồn gốc ô nhiễm không khí tại TP.HCM theo 2 chiều để truy tìm nguyên nhân.

Tòa nhà Landmark 81 bị bao phủ bởi bầu trời màu trắng đục. Ảnh: Sỹ Đông.

Tòa nhà Landmark 81 bị bao phủ bởi bầu trời màu trắng đục. Ảnh: Sỹ Đông.

Ô nhiễm tăng đột biến

Ngày 18/9 có nhiều đám cháy rừng lớn và trên diện rộng tại Indonesia. Theo hướng gió với vận tốc gió, đơn vị này nhận định khoảng 2-3 ngày chất ô nhiễm sẽ bay tới TP.HCM.

Đây là lý do khiến nồng độ ô nhiễm ngày thứ 6 (20/9) tăng đột biến. Tương tự, khi chạy ngược mô hình thì đơn vị này cũng tìm ra nguyên nhân ô nhiễm ngày 22/9 xuất phát từ cháy rừng ở Indonesia.

“Cuối tuần xe cộ ít ra ngoài đường, nhà máy cũng ít hoạt động nên nguồn thải này không nhiều. Bình thường cho dù có xuất hiện sương mù thì chất lượng không khí cũng không ô nhiễm nặng đến vậy”, tiến sĩ Bằng lý giải.

Chỉ số AQI của toàn bộ khu vực Nam Bộ chiều 22/9 giảm so với 2 ngày trước nhưng vẫn ở mức cao. Đáng lưu ý, Côn Đảo đứng đầu về chỉ số ô nhiễm này. Ảnh: AirVisual.

Chỉ số AQI của toàn bộ khu vực Nam Bộ chiều 22/9 giảm so với 2 ngày trước nhưng vẫn ở mức cao. Đáng lưu ý, Côn Đảo đứng đầu về chỉ số ô nhiễm này. Ảnh: AirVisual.

Chuyên gia này cho biết còn 2 nguyên nhân phụ khác gây ô nhiễm không khí là độ ẩm trong không khí cao và hoạt động của các phương tiện giao thông, xây dựng và công nghiệp.

"Nồng độ chất ô nhiễm không khí trong nhà và bên ngoài hiện nay tại TP.HCM rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, người dân cần tự bảo vệ sức khỏe của mình như không nên thể dục ngoài trời, đeo khẩu trang chuyên dụng chống ô nhiễm không khí khi đi ra đường”, tiến sĩ Bằng khuyến cáo.

Cần thêm bằng chứng

Trong khi đó, ông Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết chưa đủ bằng chứng để xác định cháy rừng ở Indonesia liên quan đến hiện tượng mù tại TP.HCM.

Theo ông, nếu do cháy rừng thì các trạm quan trắc phải ghi nhận được hiện tượng mù khô ở một số vùng biển. Tuy nhiên, các trạm quan trắc ở Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Đảo đều không ghi nhận hiện tượng mù khô trong các ngày qua.

Chuyên gia thời tiết cho rằng hiện tượng người dân nhìn thấy gọi là mù. Khoảng 3 ngày qua, thời tiết ở TP.HCM hội tụ các yếu tố như có mưa nhiều, độ ẩm trong không khí cao cùng với không khí lạnh ở phía Bắc đang đẩy xuống làm bầu trời có mù.

Ô nhiễm không khí khiến người dân cảm thấy khó chịu khi đi ra đường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ô nhiễm không khí khiến người dân cảm thấy khó chịu khi đi ra đường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Người dân sinh sống ở các đô thị lớn sẽ nhìn thấy hiện tượng này rõ hơn do các khu vực này phát thải nhiều khói bụi ra từ hoạt động công nghiệp, xây dựng và giao thông.

“Để xác định chất lượng không khí có bị ô nhiễm hay không thì phải căn cứ vào các chỉ số từ trung tâm quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường TP bởi đài khí tượng không có thiết bị đo các chỉ số này”, ông Quyết thông tin.

Ô nhiễm không khí tại TP.HCM trong ngày 22/9 được nhiều website, ứng dụng ghi nhận ở mức cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo ứng dụng Air Visual, chất lượng không khí ở một số điểm đo như Thảo Điền (quận 2) là 157, phường 22 (quận Bình Thạnh) là 155.

Cảnh báo này dựa theo thang đo chất lượng không khí theo cách tính của Mỹ gồm có 6 bậc. Ngoài TP.HCM, không khí ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ cũng ở mức cảnh báo với sức khỏe con người.

Sỹ Đông

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/xac-dinh-thu-pham-khien-tphcm-va-ca-nam-bo-mu-dac-o-nhiem-nang-post992948.html