Xác định nguyên nhân ngộ độc bánh mì Phượng

Chiều 21-9, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, Viện Pasteur Nha Trang đã gửi văn bản cho đơn vị, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Nam trả lời về kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm bánh mì Phượng (ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Theo đó, Viện Pasteur Nha Trang đã thực hiện kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm gồm: Pa tê, rau xà lách, dưa leo, rau húng, hành; chả heo, thịt heo xíu, xíu mại. Các mẫu trong danh sách được lấy mẫu bởi Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc – mỹ phẩm – thực phẩm tỉnh Quảng Nam.

Cơ sở bánh mì Phượng

Cơ sở bánh mì Phượng

Kết quả cho thấy có 7 mẫu dương tính, phát hiện độc tố như: chả heo lấy mẫu lúc 7 giờ ngày 11-9, dương tính với Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL; thịt heo xíu lấy mẫu lúc 7 giờ ngày 11-9, dương tính với Salmonella spp; rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo lấy mẫu lúc 7 giờ ngày 12-9, dương tính Salmonella spp.

Đồng thời, các mẫu thịt heo xíu lấy mẫu cơ sở lúc 7 giờ 30 ngày 12-9, dương tính Salmonella spp; xíu mại lấy mẫu lúc 7 giờ ngày 12-9, dương tính với Bacillus cereus sinh độc tố NHE. Thịt heo xíu lấy mẫu lúc 10 giờ 30 ngày 13-9, dương tính với Salmonella spp; xíu mại lấy mẫu vào lúc 10 giờ ngày 13-9, dương tính với Salmonella spp. Ngoài ra, còn có mẫu phân của một phụ nữ 71 tuổi (người nước ngoài), kết quả xét nghiệm dương tính với Salmonella group D.

Cơ quan chức năng lấy mẫu thực phẩm tại cơ sở bánh mì Phượng

Cơ quan chức năng lấy mẫu thực phẩm tại cơ sở bánh mì Phượng

Bacillus cereus là trực khuẩn kỵ khí, bắt màu gram dương, có nha bào, dễ sinh độc tố. Vi khuẩn thường được tìm thấy trong môi trường, thường có trong đất và thảm thực vật, nhưng nó cũng có cả trong thực phẩm.

Bacillus cereus là một loại vi khuẩn hoại sinh, hiện nay được xem là một tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, chỉ sau Salmonella (vi khuẩn thương hàn) và các virus. Bacillus cereus gây ra hai bệnh cảnh lâm sàng khác nhau: hội chứng nôn và hội chứng tiêu chảy.

Trước đó, như đã đưa tin, nhiều trường hợp có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng trong ngày 11-9. Người đầu tiên có dấu hiệu ngộ độc vào lúc 11 giờ cùng ngày. Khoảng cách từ lúc ăn đến khi xuất hiện triệu chứng ít nhất là 2 giờ, nhiều nhất 16 giờ.

Theo thống kê của cơ quan y tế, số người bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị khi ăn bánh mì Phượng gần 150 người. Đa số những người này đều đã được xuất viện, không có trường hợp chuyển biến nặng. Hiện, cơ quan chức năng đã yêu cầu tiệm bánh mì Phượng tạm dừng hoạt động.

NGUYỄN CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xac-dinh-nguyen-nhan-ngo-doc-banh-mi-phuong-post706526.html