Xác định nguyên nhân sụt lún hồ chứa nước gần 500 tỷ ở Lâm Đồng
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân chủ yếu xảy ra tình trạng sụt lún, sạt trượt ở khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh không hẳn do mưa lớn mà vì một số vết trượt tiềm ẩn đã hình thành trên núi từ lâu.
Ngày 8/8, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn chuyên gia đã đi kiểm tra tình hình sạt lở, sụt lún tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng).
Đoàn công tác cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở NN&PTNT tỉnh… trực tiếp kiểm tra tình trạng nứt đất, sụt lún, sạt lở quanh dự án hồ chứa nước Đông Thanh (xã Đông Thanh, Lâm Hà).
Được biết, Dự án hồ chứa nước Đông Thanh đang được triển khai thi công có tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, lòng hồ rộng hơn 25ha. Khi hoàn thành, hồ sẽ phục vụ nước cho 700ha đất nông nghiệp và 7.500 hộ dân trên địa bàn.
Trao đổi với đoàn công tác, đại diện UBND huyện Lâm Hà cho biết từ ngày 1/7, đơn vị thi công đã phát hiện tại khu vực sườn đồi vai phải đập hồ chứa nước Đông Thanh xuất hiện một số vết nứt có chiều rộng 20-30cm, kéo ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của 3 hộ dân.
Đến ngày 20/7, tại dự án, phát sinh các vết nứt về phía thượng lưu công trình. Các vết nứt có chiều rộng 0,5-10cm, ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của 2 hộ gia đình.
Ngày 28/7, cơ quan chức năng phát hiện thêm nhiều vết nứt mới tại khu vực dự án hồ chứa nước được đầu tư gần 500 tỷ đồng này. Các vết nứt lan rộng đến 30cm và lan ra đến phạm vi thiết kế đường tránh ngập của dự án và sụt lún. Đoạn sụt lún sâu nhất 0,5m.
Ngay khi xảy ra sự cố, UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các bên liên quan thực hiện đắp trả các hố đào sâu, khoan 15 mũi thăm dò, tạo độ dốc thoát nước về phía hạ lưu, tăng cường ổn định chân mái các khu vực đào đất, taluy, chống thấm khu vực các vết nứt.
Tuy nhiên, các giải pháp trên không ngăn được các vết nứt, tình hình sụt lún, sạt lở nghiêm trọng, nên địa phương này kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành hỗ trợ, hướng dẫn khảo sát hiện trường, xử lý sự cố.
Sau khi khảo sát thực tế và nghe báo cáo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng các chuyên gia cho rằng, trong tháng vừa qua, lượng mưa tại khu dự án chỉ khoảng 200m. Chính vì thế, tình trạng sạt trượt xảy ra không hẳn là do mưa nhiều.
Bên cạnh đó, qua khảo sát, các chuyên gia nhận thấy, bên cạnh dự án hồ chứa nước Đông Thanh, một số khối trượt trên núi hình thành từ lâu. Thời gian qua, do một số tác động nên khối trượt này bắt đầu hoạt động, gây sạt lở. Từ thực tế trên, tỉnh Lâm Đồng cần tập trung xác định nguồn gốc, nguyên nhân của khối trượt.
Hiện tại, địa phương đang có 15 mũi khoan. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị bố trí thêm một số mũi khoan nữa để xác định rõ nguyên nhân, vị trí, từ đó có giải pháp xử lý.
“Trước mắt, tỉnh Lâm Đồng phải có biện pháp làm cho các cung trượt đất này chậm lại và dừng trượt. Việc đầu tiên là xử lý hệ thống thoát nước mặt và ngầm để nước không tác động vào cung trượt này nữa”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.