Xác định quán quân cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào
Cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam đã thu hút sự tham gia của gần 2.000 thí sinh đến từ 67 cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước.
Vòng chung kết cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam đã diễn ra tối 8/11 (tại Đại học Thái Nguyên) với giải đặc biệt thuộc về đội thi đến từ Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên).
Ban tổ chức cũng trao giải nhất cho đội Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh; ba giải nhì được trao cho các đội Trường Đại học Ngoại thương, Đại học Y dược (Đại học Huế), Đại học Giao thông Vận tải; 7 giải ba.
Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào và Đại học Thái Nguyên phối hợp tổ chức với chủ đề “Việt Nam - Đất nước tôi yêu.”
Được phát động từ tháng 8/2019, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 67 đội với gần 2.000 lưu học sinh Lào đến từ 67 cơ sở giáo dục. Vòng sơ khảo được tổ chức ở ba miền Bắc, Trung, Nam, trong đó có 12 đội lọt vào vòng chung kết.
Tại vòng chung kết, các thí sinh trình bày phần thi hùng biện của mình bằng tiếng Việt với nhiều chủ để phong phú từ kỷ niệm về cuộc sống, kinh nghiệm học tập, danh lam thắng cảnh đến các chủ đề về con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam. Các bài dự thi đã sử dụng vốn từ phong phú, đa dạng, nêu bật được cảm xúc, suy nghĩ của lưu học sinh Lào đối với đất nước, con người Việt Nam, thể hiện tình cảm gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào. Ngoài ra, các đội thi cũng đã sử dụng nhiều hình thức minh họa phong phú, hấp dẫn, tạo sự thuyết phục cho các phần thi.
Phát biểu khai mạc đêm thi chung kết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, có truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác đặc biệt từ lâu đời. Trong mọi thời kỳ, Đảng và Nhà nước của hai quốc gia luôn quan tâm đặc biệt đến quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nhờ vậy, sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam-Lào đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, tăng cường mối quan hệ hợp tác lâu bền giữa hai dân tộc.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện có trên 16.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam. Dù có những khó khăn ban đầu về ngôn ngữ, điều kiện sinh hoạt nhưng với sự giúp đỡ nhiệt tình của đội ngũ giảng viên, sinh viên và người dân Việt Nam cùng với sự chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục trong việc tổ chức các hoạt động đào tạo, đa số lưu học sinh Lào đều đã vượt qua để hoàn thành chương trình học. Mỗi lưu học sinh Lào khi trở về nước đều phát huy được kiến thức, kỹ năng đã học tập, rèn luyện tại Việt Nam và thực sự trở thành cầu nối cho tình hữu giữa 2 nước Việt Nam-Lào.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã xác định, yếu tố then chốt quyết định đến chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào tại Việt Nam đó là trình độ tiếng Việt. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực tiếng Việt luôn được xem là một nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong quá trình đào tạo tại tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc," ông Nhạ nói.
Đánh giá cao cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định cuộc thi sẽ giúp tăng cường giao lưu văn hóa Việt Nam-Lào, tạo điều kiện giúp nâng cao trình độ tiếng Việt cho lưu học sinh Lào trong thời gian học tập và sinh sống tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các lưu học sinh Lào được chia sẻ những kỷ niệm, hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh vòng thi chung kết, ban tổ chức cuộc thi cũng phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức nhiều hoạt động phong phú khác như Triển lãm Không gian Văn hóa Việt Nam-Lào tại Trung tâm Hội nghị Đại học Thái Nguyên; Chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ Việt Nam-Lào; Thăm quan khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, Thái Nguyên./.