Xác định rõ nguyên nhân để hỗ trợ giảm nghèo

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) đã tiến hành khảo sát, phân loại mức độ, nguyên nhân nghèo do đâu. Trên cơ sở này, xã cử cán bộ đến từng hộ để phối hợp, có giải pháp đúng hướng giúp họ vươn lên.

Đồng chí Hoàng Xuân Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Sơn thông tin: Xã có 1.650 hộ, qua rà soát còn 18 hộ nghèo (bằng 1,09%) và 37 hộ cận nghèo (bằng 2,24%). Từ thực tế công tác giảm nghèo cho thấy nguyên nhân dẫn đến nghèo rất đa dạng, vì vậy xã đã phân loại để tư vấn, có chính sách hỗ trợ phù hợp. Từ sự phân loại này, các biện pháp hỗ trợ giảm nghèo như: Tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã phù hợp hơn với điều kiện cụ thể của từng hộ.

 Được vay vốn ưu đãi, hộ ông Phạm Văn Liền đầu tư vào chăn nuôi.

Được vay vốn ưu đãi, hộ ông Phạm Văn Liền đầu tư vào chăn nuôi.

Đối với các hộ nghèo do thiếu vốn, UBND xã phối hợp giúp các hộ được vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đến nay, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã là 19,497 tỷ đồng với 335 lượt khách hàng vay. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ hướng dẫn các hộ đầu tư chăn nuôi (bò, lợn, gà, cá); mua máy móc sản xuất; một số hộ đầu tư cho con em đi học.

Ông Phạm Văn Liền (SN 1955) ở thôn Ngọc Sơn bị kết án tù, sau hơn 4 năm thụ án, ông trở về địa phương năm 2023. Ông cho biết: “Chấp hành xong án phạt tù, tôi trở về nhà, 3 con đã lập gia đình đều ở riêng, chỉ còn hai vợ chồng tôi gần 70 tuổi và người mẹ già đã 100 tuổi. Được chính quyền địa phương giúp đỡ, gia đình được vay 100 triệu đồng theo chính sách hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù.

Với số tiền này, trên trang trại rộng hơn 10 ha trước kia đang làm dở dang, tôi tiếp tục nuôi cá, mua máy cày để thuận tiện cho khâu làm đất; dùng máy nghiền thức ăn cho bò, cá, gà, vịt, ngỗng, lợn; mua máy ấp trứng mini để chủ động nguồn gà giống”. Theo lãnh đạo UBND xã Quỳnh Sơn, hiện gia đình ông Liền đã thoát nghèo.

Hai năm qua, toàn xã có 17 hộ được hỗ trợ một phần tiền (tương đương 60% giá trị con bò) để mua 17 con bò. Được hỗ trợ gần chục triệu đồng, bà Nguyễn Thị Loan, thôn Quỳnh Sơn đã chủ động chăn thả, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp phối trộn để làm thức ăn cho bò, hết lứa nọ đến lứa kia, bà có nguồn thu nhập đáng kể, giờ đã ra khỏi diện cận nghèo. Cùng đó, xã quan tâm chuyển giao khoa học, kỹ thuật.

Thông qua các lớp dạy nghề, tập huấn, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đã được áp dụng, giúp người dân tiếp cận những quy trình sản xuất tiên tiến, góp phần thay đổi tập quán sản xuất canh tác cũ, giảm chi phí, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác. Đơn cử như trong chăn nuôi, trên cơ sở đàn bò sẵn có ở địa phương, xã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới trong khâu phối giống, tạo ra những lứa bò lai có năng suất và chất lượng cao (bò lai Zebu, bò lai BBB); riêng bò lai BBB có giá trị cao gấp 1,5 lần các giống bò khác cùng thời điểm.

Thông qua việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều giống cây trồng mới đã được đưa vào sản xuất như lúa: TBR225, BC15, VNR20, cTBR225, Q5, VNR88, cVNR20, Đài Thơm 8; dưa hấu, dưa kim cô nương... Các mô hình đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ 15 đến 20% so với sử dụng các giống truyền thống.

 Bà Phạm Thị Phương được hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà mới.

Bà Phạm Thị Phương được hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà mới.

Đặc biệt, xã rất quan tâm đối với nhóm gia đình neo người, có thành viên ốm đau thường xuyên, mất khả năng lao động, người già neo đơn, người tàn tật... Họ không có ngôi nhà an toàn để ở, không đủ lực để có thể tự thoát nghèo. Bằng các nguồn tiền (ngân sách, các loại Quỹ của cấp trên, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm...), xã tổ chức hỗ trợ các hộ xây sửa nhà. Năm 2024, toàn xã có 4 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà mới và sửa chữa.

Đó là hộ bà Nguyễn Thị Thọ (SN 1960) ở thôn Ngọc Sơn. Bản thân đau ốm thường xuyên, không thể lao động nặng, được hỗ trợ 25 triệu đồng, bà sửa nhà với trần chống nóng, sơn tường, làm mái hiên, lát sân, làm cổng. Bà Phạm Thị Phương (SN 1978) ở thôn Tân Sơn thuộc diện hộ nghèo, nhà có hai mẹ con, không có chỗ để ở, bà được hỗ trợ 58 triệu đồng làm nhà mới. Ngôi nhà hoàn thành có diện tích 95m2, tổng trị giá 350 triệu đồng giúp bà an cư, từ đó có động lực lập nghiệp.

Hay như bà Trần Thị Truy (SN 1959) ở thôn Voi có chồng bị mù, bà bị bệnh xương khớp thường xuyên phải đi bệnh viện, con trai đã ly hôn nay về sống cùng bố mẹ. Qua rà soát, xã đề xuất hỗ trợ 40,5 triệu đồng để bà làm nhà mới. Bà Nguyễn Thị Chinh (SN 1970) ở thôn Núi do mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn, bà cũng được hỗ trợ 30 triệu đồng sửa nhà.

Cơn bão số 3 (Yagi) vừa quét qua nhiều địa bàn, trong đó có xã Quỳnh Sơn. Qua rà soát có 13 hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn có nhà bị tốc mái. Phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, từ nguồn kinh phí mạnh thường quân ủng hộ, xã trích 22,5 triệu đồng thăm hỏi và hỗ trợ 13 hộ này.

Những ngôi nhà “mái ấm tình thương”, “đại đoàn kết”… được trao tặng cho hộ nghèo đúng thời điểm, cùng với những chính sách hỗ trợ phù hợp đã đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương, giúp các hộ có thêm niềm tin, thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Tuấn Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/xac-dinh-ro-nguyen-nhan-de-ho-tro-giam-ngheo-090851.bbg