Xác định thế nào là lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật
Sáng 30/03, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng Ban soạn thảo xây dựng dự thảo 'Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống 'lợi ích nhóm', tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật' đã chủ trì phiên họp thứ Nhất của Ban soạn thảo.
Ban soạn thảo đã cho ý kiến về 2 Dự thảo Đề cương Báo cáo kết quả nghiên cứu và Đề cương Dự thảo Quy định của Bộ chính trị; làm rõ các khái niệm: “kiểm soát quyền lực", “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Từ đó đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, rút ra bài học kinh nghiệm và các quan điểm, giải pháp hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực của từng chủ thể có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, hiện nay, pháp luật của Nhà nước đã quy định tương đối đầy đủ về việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, quy định đối với trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về vấn đề này còn ít, nằm rải rác trong các văn bản của Đảng, chưa có văn bản riêng, do đó việc ban hành Quy định này là cần thiết.
Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Chủ thể kiểm soát gồm cấp ủy đảng, cơ quan đảng, đảng viên nhưng không thể không có cơ quan nhà nước, phải có người đứng đầu, người có thẩm quyền trong xây dựng pháp luật. Ví dụ như có cấp ủy, đảng viên không thì không phải. Phải có cơ quan nhà nước, cán bộ, người thực thi nhiệm vụ. Có thể cán bộ không phải đảng viên nhưng vẫn phải kiểm soát, cấp ủy phải kiểm soát nội dung.”
Dự thảo Đề cương Báo cáo kết quả nghiên cứu và Đề cương Dự thảo Quy định của Bộ chính trị trong cách tiếp cận phải vừa theo nội dung, vừa theo chủ thể, bao gồm cả “phòng” cả “chống”. Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định yêu cầu Thường trục Ủy ban Tư pháp và Tổ biên tập khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các Dự thảo theo ý kiến của thành viên Ban soạn thảo ngay sau phiên họp này.
Thực hiện : Tiến Cường Dương Dung Trương Tùng