Xác định thiệt hại tài sản do TNGT gây ra thế nào từ ngày 15/8?

Thông tư số 26/2024 nêu, việc xác định thiệt hại về tài sản do vụ TNGT gây ra căn cứ vào kết luận định giá thiệt hại tài sản hoặc chứng thư thẩm định giá hoặc các tài liệu khác.

Từ ngày mai (15/8), Thông tư số 26/2024/TT-BCA của Bộ Công an quy định thống kê, tổng hợp, xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ - đường sắt - đường thủy nội địa có hiệu lực thi hành.

Tiêu chí phân loại TNGT sẽ căn cứ theo mức độ hậu quả thiệt hại về người và tài sản.

Tiêu chí phân loại TNGT sẽ căn cứ theo mức độ hậu quả thiệt hại về người và tài sản.

Điểm mới đáng chú ý của thông tư trên được nêu tại Điều 5 quy định về phân loại TNGT, cụ thể như sau: Theo mức độ hậu quả thiệt hại về người và tài sản thì TNGT gồm các vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả ít nghiêm trọng và vụ va chạm giao thông.

TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên; gây thiệt hại tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên.

TNGT gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Làm chết 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122 - 200%; gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ.

TNGT gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Làm chết 1 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 - 121%; gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

TNGT gây hậu quả ít nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 61%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ thương tật của những người này từ 11% đến dưới 61%; gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng dưới 100 triệu đồng.

Một số quy định mới sắp được áp dụng cho CSGT trong lĩnh vực điều tra, giải quyết TNGT (ảnh minh họa).

Một số quy định mới sắp được áp dụng cho CSGT trong lĩnh vực điều tra, giải quyết TNGT (ảnh minh họa).

Va chạm giao thông là vụ TNGT gây hậu quả dưới mức của vụ TNGT gây hậu quả ít nghiêm trọng.

Ngoài ra, việc xác định tỷ lệ phần trăm thương tật của người bị thương do TNGT gây ra được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đặc biệt, Thông tư số 26/2024 nêu rõ, việc xác định thiệt hại về tài sản do vụ TNGT gây ra căn cứ vào kết luận định giá thiệt hại tài sản hoặc chứng thư thẩm định giá hoặc các tài liệu khác có giá trị chứng minh thiệt hại tài sản.

Bộ Công an cũng đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết TNGT đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT). Trong đó, Điều 3 của dự thảo đề xuất về tiêu chuẩn của cán bộ CSGT làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết TNGT.

Cụ thể, CSGT làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết TNGT phải có trình độ đại học an ninh, đại học cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên. Trường hợp tốt nghiệp đại học các trường ngoài ngành công an đã học nghiệp vụ an ninh, cảnh sát theo quy định; có thời gian công tác trong lực lượng CSGT từ 6 tháng trở lên; đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra, giải quyết TNGT.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xac-dinh-thiet-hai-tai-san-do-tngt-gay-ra-the-nao-tu-ngay-15-8-192240814130512963.htm