Xác định trọng tâm trong giám sát trật tự, an toàn giao thông

Dự kiến Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đến làm việc với 12 tỉnh, thành phố. Nhiều ý kiến cho rằng nội dung, phạm vi giám sát rộng, thời gian giám sát dài nên cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, giám sát có trọng tâm, trọng điểm.

Chiều 12-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của UBTVQH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

 Cảnh sát giao thông áp dụng công nghệ chỉ huy giao thông, hệ thống cơ sở dữ liệu trật tự ATGT, hệ thống giám sát, phát hiện vi phạm trật tự ATGT. Ảnh: LAM THANH

Cảnh sát giao thông áp dụng công nghệ chỉ huy giao thông, hệ thống cơ sở dữ liệu trật tự ATGT, hệ thống giám sát, phát hiện vi phạm trật tự ATGT. Ảnh: LAM THANH

Làm rõ hạn chế, bất cập

Thay mặt đoàn giám sát trình bày dự thảo kế hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, Phó Trưởng đoàn Thường trực cho biết, công tác giám sát nhằm đánh giá khách quan, toàn diện trách nhiệm của Chính phủ trong việc chỉ đạo, phân công các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023; công tác xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân (khách quan, chủ quan) của tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện và sự phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành pháp luật của các cấp, các ngành thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn tiếp theo.

Dự kiến Đoàn giám sát làm việc với Chính phủ và 10 bộ; trong đó, trọng điểm là Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải (Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam), Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp. Đoàn cũng tổ chức 3 Đoàn công tác đến giám sát trực tiếp tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP.HCM, Cần Thơ. Ngoài ra, Đoàn Giám sát sẽ khảo sát tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan.

Thời gian giám sát lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ ngày 1-1-2009 đến hết ngày 31-12-2023; lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt từ ngày 1-1-2019 đến hết ngày 31-12-2023; lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa từ ngày 1-1-2015 đến hết ngày 31-12-2023; Về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không dân dụng từ ngày 1-1-2016 đến hết ngày 31-12-2023; lĩnh vực an toàn hàng hải, an ninh hàng hải từ ngày 1-1-2018 đến hết ngày 31-12-2023.

Thu hẹp phạm vi đối tượng giám sát

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng nội dung, phạm vi giám sát rộng, thời gian giám sát dài nên cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, giám sát có trọng tâm, trọng điểm.

Đánh giá cao sự chuẩn bị đầy đủ các dự thảo văn bản của Đoàn giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ: Đây là chuyên đề giám sát quan trọng về trật tự, an toàn giao thông đang được Đảng, Nhà nước ưu tiên hàng đầu, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trật tự an toàn xã hội. Nội dung, phạm vi giám sát rộng; thời gian dài trong khoảng 15 năm. Đối tượng giám sát nhiều: Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố, nhiều bộ, ngành, các tổ chức quản lý, kinh doanh trong lĩnh vực giao thông.

Về dự thảo kế hoạch chi tiết, ông Bùi Văn Cường cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024) sẽ trình Quốc hội thông qua 9 luật và 1 nghị quyết trong đó có Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Do vậy, Đoàn cần cân nhắc xây dựng tiến độ triển khai các hoạt động giám sát trong kế hoạch chi tiết cho phù hợp. Một số mốc thời gian cần đẩy sớm hơn so với kế hoạch ban đầu để kết quả giám sát bước đầu có thể góp phần vào quá trình hoàn thiện, thông qua 2 dự án Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, trong điều kiện thời gian có hạn, đề cương giám sát nên điều chỉnh theo hướng, thay vì triển khai đồng loạt giám sát đối với cả 5 lĩnh vực giao thông thì nên tập trung triển khai giám sát sớm hơn và theo hình thức cuốn chiếu đối với lĩnh vực giao thông đường bộ trong thời gian từ nay đến hết tháng 4-2024.

“Nếu làm như vậy, những dữ liệu từ cuộc giám sát sẽ phục vụ trực tiếp cho công tác xây dựng 2 dự án luật: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong thời gian sắp tới. Việc đẩy nội dung này lên sớm cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch giám sát vì đối tượng giám sát là khác nhau giữa các lĩnh vực giao thông. Các lĩnh vực giao thông khác như đường sắt, đường thủy... sẽ triển khai sau và toàn bộ báo cáo giám sát sẽ được hoàn thiện vào tháng 9-2024”, bà Nguyễn Thúy Anh nêu quan điểm.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xac-dinh-trong-tam-trong-giam-sat-trat-tu-an-toan-giao-thong-post551469.antd