Xác lập một điểm dừng
Sẽ không ai ngây thơ đến độ tin rằng mọi bất đồng trong quan hệ Mỹ - Trung có thể được giải quyết chỉ trong thời lượng vài giờ của cuộc họp. Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến này sẽ là một cánh cửa được hé mở giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, để khơi dậy hy vọng về hòa bình, hợp tác và ổn định trong tương lai, cho cộng đồng quốc tế.
Nỗ lực “phá băng”
Chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không được công bố chính thức, cho đến tận khi cuộc họp bắt đầu. Tuy nhiên, từ ngày 12-11, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã hé lộ: Trọng tâm của sự kiện này là “những cách thức để quản lý một cách có trách nhiệm cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, cũng như khả năng hợp tác trong những vấn đề hai bên chia sẻ lợi ích”.
Ở khía cạnh khác, theo tờ Politico.com, đây không hẳn là một hội nghị thượng đỉnh đúng nghĩa, bởi cuộc họp này cũng không đem lại quá nhiều kỳ vọng. Những khoảng cách còn quá lớn và các vấn đề tồn tại giữa hai nền kinh tế - hai cường quốc hàng đầu thế giới cũng còn quá nhiều. Trong đó, có những điểm khúc mắc mà lịch sử đã để lại hiện chưa từng có hướng giải quyết thấu đáo...
Cuộc gặp thượng đỉnh song phương được cả thế giới chờ đợi.
Tuy vậy, trước hết, điều mà thế giới chờ đợi là những động thái có thể làm “tan băng” mối quan hệ đầy căng thẳng này, nhằm hướng đến phục vụ những mục tiêu chung phục vụ lợi ích của cả loài người. Đó là những sự kết nối và hợp tác nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tiến trình biến đổi khí hậu hoặc chống lại dịch bệnh - các vấn đề can hệ đến sự tồn vong của nhân loại. Đó là việc hạ nhiệt căng thẳng trong cạnh tranh thương mại, giữa “công xưởng của thế giới” với thị trường quan trọng nhất thế giới - hai địa điểm đã và đang ảnh hưởng đến toàn bộ guồng máy kinh tế toàn cầu.
Và để bắt đầu nói về những mục tiêu đó (chứ chưa phải là hành động cụ thể), đầu tiên, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc vẫn cần một cơ hội như cuộc gặp gỡ online này, đưa ra những quân bài, công khai các quan điểm của mình, rồi từ đó tìm kiếm các điểm thỏa hiệp cần thiết.
Nói như ông Winston Lord, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời chính quyền của Tổng thống Bill Clinton: “Washington và Bắc Kinh thừa nhận có những khác biệt to lớn và sẽ cạnh tranh nhau, song điều quan trọng là hai bên cạnh tranh một cách hòa bình, trong những giới hạn nhất định bởi cả hai đều không muốn xảy ra chiến tranh”. Và, cũng trong ngày 12-11, một quan chức cao cấp của Nhà Trắng làm rõ: Cuộc gặp này “không nhằm tìm kiếm những kết quả, mà nhằm thiết lập những giới hạn của một cuộc cạnh tranh hiệu quả”.
Một ngày sau đó, 13-11, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng: Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lần này sẽ “đưa quan hệ song phương trở lại đúng quỹ đạo phát triển ổn định và lành mạnh”. Và theo phân tích của hãng Reuters, việc giới chức hai nước cố gắng hạ thấp những kỳ vọng về việc cuộc gặp này có thể sẽ đem lại những kết quả cụ thể, trong bối cảnh quan hệ song phương đang mỗi lúc một rạn nứt sâu sắc hơn.
Quan hệ Mỹ - Trung rơi xuống mức rất thấp dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Và cuối cùng, tối 15-11 (giờ Mỹ) ấy, mở đầu cuộc gặp gỡ trực tuyến, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ mong muốn có một cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định: Trách nhiệm của các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc là đảm bảo không để mối quan hệ giữa hai nước rơi vào xung đột mở rộng.
Hiển nhiên, điều này được giới phân tích đánh giá cao. Nó thể hiện sự mềm mỏng và linh hoạt vượt trội trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ dưới quyền tổng thống mới. Nó hoàn toàn khác biệt với sự cứng rắn và không khoan nhượng đến tận cùng, theo kiểu “Nước Mỹ trên hết!” - tôn chỉ hành động của chính quyền tiền nhiệm.
Không ai muốn “chiến tranh”
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng một lần nữa nhấn mạnh lập trường của Bắc Kinh, là muốn thúc đẩy mối quan hệ Mỹ-Trung theo hướng tích cực, đồng thời mong muốn có một cuộc thảo luận toàn diện và trên nhiều lĩnh vực.
Hợp tác luôn mang lại nhiều lợi ích hơn là đối đầu.
Như phân tích của các hãng thông tấn lớn và các nhà quan sát hàng đầu thế giới, quả thật, các vấn đề được đề cập sẽ trải khá rộng và đa dạng. Hãng Reuters điểm lại một số vấn đề chính gây tranh cãi trong quan hệ Mỹ-Trung, bao gồm: vấn đề Đài Loan, hoạt động củng cố vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, thương mại, công nghệ, việc tổ chức và tham dự Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh năm 2022, hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và nỗ lực của ông Biden về xây dựng cơ sở hạ tầng ở quy mô quốc tế nhằm đối trọng với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).
Trong khi đó, chuyên gia Willy Wo-Lap Lam thuộc Đại học Hong Kong của Trung Quốc cho rằng: “Điều chắc chắn ở đây là hai nước có thể có cùng quan điểm và ít nhất sẽ sẵn sàng đàm phán về vấn đề Triều Tiên, Iran hay thậm chí vấn đề Afghanistan. Đây đều là những vấn đề cả hai vẫn có thể hợp tác với nhau”.
Dự đoán kết quả hội nghị, chuyên gia Gregory Shaffer, Giám đốc Trung tâm UC Irvine về Toàn cầu hóa, Luật và Xã hội cho rằng, nhiều khả năng sẽ hé mở triển vọng đạt được những cam kết của Trung Quốc đối với vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ... và mở ra dư địa làm dịu căng thẳng đối với một số vấn đề khác. Không “lạc quan” đến như vậy, nhà nghiên cứu Willy Wo-Lamp vẫn chú trọng nhiều đến các bất đồng vẫn sẽ còn tồn tại giữa Bắc Kinh với Washington, song ông nhận định: Cuộc gặp gỡ trực tuyến này sẽ đem lại nhiều tác động quan trọng trong dài hạn, và “Ít nhất, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ mở hướng cho các cuộc tiếp xúc thường xuyên hơn giữa quan chức cấp cao hai nước... Đó sẽ là một bước tiến lớn”, so với khoảng thời gian băng giá trước đây.
Hai Bộ trưởng Ngoại giao Anthony Blinken và Vương Nghị - những sứ giả tiền trạm.
Nhìn vào những động thái ngoại giao mang tính “hạ nhiệt” trước thềm hội nghị, rõ ràng, cộng đồng quốc tế có cơ sở để tin tưởng vào những thành tựu nhất định mang tính chất khởi đầu. Xét cho cùng, qua những khoảng thời gian “thương chiến Mỹ - Trung” bùng lên dữ dội nhằm phục vụ cho cuộc cạnh tranh vị thế địa chính trị gay gắt trong tiến trình tái định hình trật tự thế giới đang diễn ra, không chỉ hai nền kinh tế lớn nhất ấy mà mọi nền kinh tế khác tham gia vào chuỗi vận động toàn cầu đều bị ảnh hưởng nặng nề. Ai cũng nhận thức được cảnh “lưỡng bại câu thương” là khó tránh khỏi, trong khi xu thế tất yếu của thế giới phẳng hiện đại là đa phương hóa, đối thoại và hợp tác để “cùng thắng (win - win)”, chứ không phải triệt hạ lẫn nhau.
Do đó, trước thềm hội nghị, việc hai bên đạt được tuyên bố chung Mỹ - Trung về nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu vừa là một tin vui, một thỏa thuận đáng giá, vừa là thông điệp cho thấy rằng vẫn có cách để những “kình địch” đầy bất đồng tìm thấy khả năng nhân nhượng cũng như kết hợp.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều quốc gia bị ảnh hưởng.
Tất nhiên, ở điểm khởi đầu, vấn đề ưu tiên tựu trung vẫn sẽ là làm rõ và “nói thẳng” quan điểm về mối quan hệ song phương cũng như các khía cạnh liên quan đến lợi ích của hai bên, nói như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không ngại ngần thông báo các kế hoạch cũng như các mục tiêu ưu tiên của Mỹ, kể cả những mối quan ngại của Mỹ đối với Trung Quốc. Ngược lại, không cần thiết phải “nhũn nhặn”, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra những thông điệp gắn liền với lợi ích và tham vọng dành cho một “mối quan hệ nước lớn kiểu mới”.
Đây sẽ vẫn còn là một mối quan hệ đầy sóng gió, phức tạp và khó đoán định trong cả ngắn hạn, trung hạn lẫn dài hạn. Tuy nhiên, khi cả hai nhà lãnh đạo đều tự xác định được một “điểm dừng” an toàn, ít nhất, thế giới cũng có thể cảm thấy nhẹ nhõm đi vài phần.
“Điểm dừng” ấy đã được xác lập rõ ràng ngay khi hội nghị trực tuyến bắt đầu, qua việc ông chủ Nhà Trắng nói về sự cần thiết của "những hàng rào an toàn" để ngăn chặn xảy ra "xung đột", đồng thời hy vọng các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ có "cuộc thảo luận chân thành và thẳng thắn". Ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh: Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy quan hệ song phương theo một “hướng tích cực”, còn cá nhân ông “vui mừng khi được gặp lại một người bạn cũ”. Hơn hết, Chủ tịch Trung Quốc “nhắc nhở” ý nhị: Hai nước cùng đang đối diện rất nhiều thách thức, do đó, cần tăng cường liên lạc và hợp tác, cần tôn trọng lẫn nhau, tự giải quyết các vấn đề nội bộ trong khi vẫn “cáng đáng” trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Bởi, một mối quan hệ Mỹ - Trung ổn định và vững chắc là điều vô cùng quan trọng. Với cả thế giới nói chung và với chính họ nói riêng.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/xac-lap-mot-diem-dung--i635086/