Xác lập quyền sở hữu toàn dân với tài sản, trang thiết bị phòng, chống dịch

Qua thực tiễn giám sát tại một số địa phương vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, nhanh chóng hoàn thiện thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản, trang thiết bị và phương tiện huy động phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid -19 theo đúng Nghị định số 29 năm 2018 của Chính phủ.

Phân bổ nguồn lực sát thực tế, đúng nhu cầu, đúng đối tượng

Đoàn giám sát của Quốc hội về “việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh dẫn đầu vừa làm việc với tỉnh Yên Bái, Hưng Yên và Quảng Ninh. Ghi nhận của Đoàn giám sát cho thấy, các tỉnh đã rất chủ động huy động các nguồn lực, kêu gọi sự ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước để tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Toàn bộ kinh phí từ nguồn ngân sách, nguồn viện trợ, kinh phí hiện vật do tổ chức cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ đều được tỉnh Yên Bái, Hưng Yên, Quảng Ninh phân bổ sát với thực tế, đúng nhu cầu, đúng đối tượng và kịp thời để thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại cuộc làm việc với UBND thành phố Hưng Yên

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại cuộc làm việc với UBND thành phố Hưng Yên

Tại Yên Bái, tổng kinh phí tỉnh đã sử dụng, thanh toán, quyết toán từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác dành cho công tác phòng, chống dịch là 453.499,21 triệu đồng. Số kinh phí còn dư, chưa sử dụng là 72.108 triệu đồng (trong đó, kinh phí còn dư từ ngân sách nhà nước là 61.934 triệu đồng; nguồn huy động khác là 10.174,76 triệu đồng). Lãnh đạo tỉnh Yên Bái lý giải, lý do chưa sử dụng là tình hình dịch xảy ra ở cộng đồng và lan rộng khi tỷ lệ tiêm vaccine trên địa bàn tỉnh đã ở mức cao nên ảnh hưởng của dịch đến sức khỏe cộng đồng thấp. Các biện pháp phòng, chống dịch ở giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn theo Nghị quyết số 28 của Chính phủ, nên một số nội dung chi không cần thiết nữa, như kinh phí thiết lập và vận hành bệnh viện dã chiến, kinh phí mua máy thở, máy ECMO…

Tỉnh Hưng Yên cũng thực hiện mua sắm theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Việc thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí phòng, chống dịch của các đơn vị được lập chi tiết theo từng nội dung và từng nguồn vốn huy động.

Đối với tỉnh Quảng Ninh, việc huy động, tiếp nhận, phân bổ tiền, hiện vật do tổ chức, cá nhân ủng hộ công tác phòng, chống dịch được giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm đầu mối thực hiện, bảo đảm phân bổ phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tiễn phòng, chống dịch và không chồng chéo.

Tuy nhiên, khó khăn chung của 3 tỉnh, theo ghi nhận của Đoàn giám sát là, việc xác định giá trị, xuất xứ và xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các trang thiết bị đã tiếp nhận trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19. Như tại tỉnh Quảng Ninh, đến nay mới hoàn thiện hồ sơ của 42 danh mục tài sản với 92/136 tài sản được cho/tặng, đối với các tài sản chưa đủ hồ sơ, các đơn vị đang tiếp tục liên hệ với các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để hoàn thiện.

"Không làm tốt sẽ thất thoát lượng tài sản lớn"

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết, nhiều tài sản được cho, tặng, nhất là các tài sản do cá nhân tài trợ không xác định được giá trị tài sản, không có hợp đồng cho tặng tài sản và tài liệu chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng của tài sản được chuyển giao. Một số tài sản chưa liên hệ được với tổ chức, cá nhân để hoàn thiện hồ sơ. Bên cạnh đó, quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, ngày 5.3.2018 của Chính phủ “quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân” yêu cầu phải có Hợp đồng cho/tặng tài sản trong trường hợp chuyển giao dưới hình thức cho/tặng, tuy nhiên, một số cá nhân chỉ có biên bản giao nhận hoặc thỏa thuận tài trợ dẫn đến chưa thể hoàn thiện hồ sơ trình xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm: “có trường hợp, một số tài sản, trang thiết bị khi tỉnh được hỗ trợ, nhưng thông số kỹ thuật lại không phù hợp với quy chuẩn của nước ta, nên không sử dụng được, gây thất thoát, lãng phí”.

Tại tỉnh Hưng Yên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh thẳng thắn, việc xác lập sở hữu toàn dân chưa được báo cáo rõ. Theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, ngày 5.3.2018 của Chính phủ, thẩm quyền xác lập đối với tài sản, trang thiết bị, phương tiện phòng, chống dịch được giao cho UBND cấp tỉnh và được UBND cấp tỉnh phân cấp. Việc xác lập sở hữu toàn dân đối với các tài sản, trang thiết bị và phương tiện huy động phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm xác lập tổng tài sản của địa phương, xác lập quyền và nghĩa vụ đối với việc sử dụng các tài sản này; đồng thời liên quan đến việc thanh toán dịch vụ khám chữa bệnh của bảo hiểm y tế. Mặt khác, “nếu không làm tốt sẽ thất thoát lượng tài sản lớn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh.

Với tỉnh Yên Bái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết, tỉnh chưa xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản, trang thiết bị y tế do Bộ Y tế hỗ trợ, bởi lẽ, theo văn bản của Bộ Y tế, đây là sự điều chuyển, hỗ trợ mang tính chất tạm thời, có thể điều chuyển sang cho tỉnh, thành phố khác nếu cần. Tuy nhiên, tỉnh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị được bàn giao trang thiết bị sử dụng hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí.

Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản, trang thiết bị và phương tiện huy động phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 là cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả các tài sản này. Sự chậm trễ tại một số địa phương trong vấn đề này làm chậm đưa tài sản, trang thiết bị vào quản lý, gây thất thoát, lãng phí. Lưu ý vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, các địa phương tiếp tục rà soát, nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản, trang thiết bị và phương tiện huy động phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng Nghị định số 29 năm 2018 của Chính phủ.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/xac-lap-quyen-so-huu-toan-dan-voi-tai-san-trang-thiet-bi-phong-chong-dich-i317540/