Xác lợn bị vứt lén lút ra sông gây ô nhiễm môi trường
Trong lúc chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đang triển khai các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi thì một số hộ dân trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An) lại lén lút vứt xác lợn chết ra sông, làm ô nhiễm môi trường và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Xác lợn chết trôi nổi trên sông
Ngày 5/4, ông Bùi Hữu Chương - Chủ tịch UBND xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương - xác nhận, có hiện tượng người dân vứt xác lợn ra môi trường và xã đã chỉ đạo lực lượng chức năng ra vớt, tiến hành tiêu hủy theo quy định.
Theo đó, tại một số tuyến đường ra bến đò Phuống, xã Thanh Yên, có nhiều xác lợn chết bị vứt dưới chân cầu. Điều đáng nói, xác lợn đang trong quá trình phân hủy, trong đó có điểm sông phát hiện 1 bao tải chữa đựng nhiều con lợn nổi lềnh bềnh trên mặt nước, bốc mùi hôi thối.
Tại xã Thanh Yên, tình hình dịch tả lợn Châu Phi thời gian gần đây bùng phát trên diện rộng. Theo thống kê, chỉ trong thời gian ngắn, xã này đã tiến hành tiêu hủy gần 2 tấn lợn chết do dịch. Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, UBND xã Thanh Yên đã cấm việc buôn bán, giết mổ. Đồng thời có văn bản thông báo tới các thôn xóm đặc biệt thực hiện đúng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không vứt xác lợn chết ra ngoài nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.
"Mặc dù địa phương đã tăng cường việc kiểm soát cũng như thông báo mỗi người dân tích cực thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, song người dân mang lợn đi vứt vào giờ ban trưa, ban đêm và các giờ thấp điểm nên việc xác định được đối tượng vứt lợn rất khó. Sau khi phát hiện tình trạng vứt lợn bừa bãi ra môi trường, địa phương đã tăng cường lực lượng túc trực, tuần tra, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định", ông Bùi Hữu Chương cho biết.
Tại xã Thanh Lĩnh (huyện Thanh Chương), ông Nguyễn Trường Tam - Chủ tịch UBND xã - cho biết, trên địa bàn cũng đang xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Hiện công tác phòng chống đang được địa phương và cơ quan chức năng triển khai khẩn trương.
Theo ông Nguyễn Trường Tam, trong vòng 2 tháng nay, dịch đã lây lan ra 6/6 thôn của xã. "Tính đến ngày 3/4, số lượng lợn đã tiêu hủy lên đến gần 10 tấn. Riêng trong vòng 4 ngày (từ 31/3 đến 3/4) xã tiêu hủy gần 4 tấn lợn. Trong tháng 3 vừa qua, ngành chức năng đã xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng về hành vi vận chuyển lợn ra địa bàn có dịch", ông Tam cho biết.
Mặc dù chính quyền xã Thanh Lĩnh đẩy mạnh công tác phòng chống dịch như vậy nhưng tình trạng xác lợn chết vứt giữa lòng sông vào những ngày qua vẫn xuất hiện. Thậm chí, có những xác lợn chết nặng gần 1 tạ tại sông Trai nhưng không xác định được hộ dân nào vứt lợn. Theo UBND xã Thanh Lĩnh, sông Trai chảy qua các xã Thanh Hương, Thanh Thịnh rồi mới đến Thanh Lĩnh, do đó xác lợn cũng theo dòng nước trôi xuống.
Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương, từ ngày 1/1/2021, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn huyện nhưng lây lan mạnh nhất kể từ tháng 2 lại nay. Hiện huyện Thanh Chương là địa phương có tổng đàn lợn nhiều nhất tỉnh Nghệ An, với 110.000 con. Đây cũng là huyện có dịch diễn biến phức tạp nhất tỉnh với 170 tấn lợn bị tiêu hủy.
Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - cho hay, huyện đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch từ huyện đến xã với phương châm "4 tại chỗ". Nguyên nhân bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trên địa bàn huyện là do huyện chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, khó áp dụng các biện phòng chống.
"Mặc dù khi lợn chết khai báo với chính quyền địa phương để mang đi tiêu hủy sẽ được trợ cấp, tuy nhiên một số hộ dân khi thấy lợn chết đã giấu dịch vì sợ báo lên sẽ bị tiêu hủy cả đàn. Do đó, họ chọn cách vứt những con lợn chết và tách những con còn sống để chăm sóc tiếp. Nguy cơ dịch có thể sẽ tiếp tục lây lan và bùng phát trên diện rộng là rất cao", ông Thanh cho biết thêm.
Còn thiếu quyết liệt trong công tác phòng dịch
Theo thống kế, tính đến ngày 2/4, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến ngày càng phức tạp với 113 ổ dịch tại 17 huyện, thành phố, thị xã. Chính quyền các địa phương đã phải tiêu hủy gần 2.300 con lợn với tổng trọng lượng trên 150 tấn.
Theo thống kế, tại huyện Diễn Châu, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 111 hộ, 43 thôn, 16 xã. Tổng số lợn tiêu hủy 274 con, tổng trọng lượng hơn 23 tấn. Đặc biệt, lợn chết do dịch tả lợn châu Phi nhưng chính quyền địa phương tiêu hủy chậm, thiếu quyết liệt trong công tác phòng chống.
Nguyên nhân bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh là do trên địa bàn huyện chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, khó áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học trong chăn nuôi. Sau Tết Nguyên đán, người dân tái đàn lợn nhưng nhiều hộ không áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Công tác tiêu độc khử trùng chưa được quan tâm đúng mức. Công tác kiểm soát giết mổ không được quản lý chặt chẽ.
Ông Nguyễn Trọng Bốn - Giám đốc trung tâm dịch vụ nông nghiệp Diễn Châu - cho rằng, do người dân thường nhập con giống không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường về nuôi nên rất dễ lây lan bệnh. Ngoài ra, nhiều hộ dân đã không phòng ngừa, dẫn đến sức đề kháng của đàn gia súc yếu, khi gặp virus tả lợn châu Phi có sức tàn phá mạnh đã không đủ sức chống chọi.
"Khi xảy ra dịch bệnh, người dân không khai báo với chính quyền địa phương cũng như cơ quan thú y để xử lý, gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch, làm thiệt hại kinh tế đến người chăn nuôi. Thời tiết diễn biến thất thường làm các nguồn nước, phân, chất thải phát tán ra môi trường, theo các kênh, mương, ao, hồ cũng là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh", ông Bốn cho hay.