Xác minh thông tin việc giải phóng đất rừng khi thi công cao tốc bắc-nam qua Quảng Ngãi
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu báo cáo thông tin về vụ việc giải phóng đất rừng tại thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), khi thi công dự án đường cao tốc bắc-nam giai đoạn II (2021-2025).
Trong vài ngày gần đây, một số cơ quan báo chí, truyền thông đã nêu thông tin về vụ việc phá rừng tự nhiên tại thị xã Đức Phổ khi thi công tuyến cao tốc bắc-nam (đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn).
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ nội dung phản ánh, báo cáo Phó Thủ tướng trước ngày 10/6.
Liên quan vấn đề giải phóng đất rừng để làm đường công vụ, phục vụ thi công hầm số 2, 3 thuộc dự án cao tốc bắc-nam đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, sáng 6/6, ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả lý giải, theo hồ sơ thiết kế được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, để tiếp cận thi công hầm số 2, 3, nhà thầu phải mở mới đường công vụ dài 4,5km, cần giải phóng diện tích khoảng 40.000m2 đất rừng.
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải có chỉ dẫn, trong khi triển khai thi công, nhà thầu có thể căn cứ điều kiện thực tế, được phép điều chỉnh hướng tuyến đường công vụ cho phù hợp.
Trên cơ sở giới thiệu của chủ đất và người dân, kết hợp việc khảo sát thực địa, nhà thầu thi công nhận thấy có tuyến đường dân sinh hiện hữu rộng khoảng 4-6m được người dân sử dụng để vận chuyển lâm sản, có thể cải tạo để làm đường công vụ. Việc tận dụng tuyến đường dân sinh này theo khảo sát thực tế, sẽ rút ngắn tuyến đường công vụ từ 4,5km (theo thiết kế) xuống còn 3,6km và giảm thiểu diện tích đất rừng phải giải phóng mặt bằng.
"Nhà thầu thi công đã kiểm tra, xác định tuyến đường này hoàn toàn nằm trong phần đất trồng rừng sản xuất. Trên sổ đỏ nhà nước cấp cho hộ dân cũng thể hiện rõ đây là rừng sản xuất, loại đất trên bản đồ địa chính ký hiệu là RSM (Thông tư 55/2013/BTNMT quy định, ký hiệu RSM là đất trồng rừng sản xuất).
"Sau khi kiểm tra, chúng tôi xác định tuyến đường này hoàn toàn nằm trong phần đất trồng rừng sản xuất. Trên sổ đỏ Nhà nước cấp cho hộ dân, cũng thể hiện loại đất trên bản đồ địa chính là RSM (đất trồng rừng sản xuất theo quy định tại Thông tư 55/2013/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Đồng thời, Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 ngày 11/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương chuyển đất rừng và đất lúa của dự án cao tốc bắc-nam cũng xác định, toàn bộ diện tích thuộc phạm vi dự án đường cao tốc đi qua tỉnh Quảng Ngãi là rừng trồng sản xuất, không có rừng tự nhiên".
Đồng thời, theo Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 ngày 11/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương chuyển đất rừng và đất lúa của dự án cao tốc bắc-nam thì toàn bộ diện tích thuộc phạm vi dự án đường cao tốc đi qua tỉnh Quảng Ngãi là rừng trồng sản xuất, không có rừng tự nhiên", ông Nguyễn Tấn Đông cho hay.
Với những căn cứ trên thực địa và giấy tờ cơ quan Nhà nước cấp khá rõ ràng, nhà thầu đã ký hợp đồng thuê đất của người dân và mượn tuyến đường dân sinh hiện hữu (có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Phổ Khánh) để san gạt mặt đường, giải phóng đất rừng cải tạo các khúc cua làm đường công vụ tiếp cận thi công.
“Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh, nhà thầu đã chủ động phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi để xác minh, làm rõ các thông tin liên quan sự việc nêu trên”, ông Nguyễn Tấn Đông khẳng định.
Dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn II (2021-2025) có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng, chiều dài 88km.
Trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7km, dự kiến hoàn thành vào quý III/2026.
Dự án do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tham gia dự án với vai trò là thành viên đứng đầu liên danh các nhà thầu thi công.
Ngay sau khi khởi công, Tập đoàn Đèo Cả đã khẩn trương tập trung nguồn lực để thi công dự án, đến nay đã triển khai 32 mũi thi công với gần 950 nhân sự và 371 đầu máy thiết bị, nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án.
Trong đó, nhà thầu Đèo Cả đặc biệt chú trọng triển khai các mũi thi công 3 hầm xuyên núi (là “đường găng” tiến độ của dự án) đi qua địa phận thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, trong đó hầm số 3 là công trình cấp đặc biệt với chiều dài 3,2km.