Xác minh thư kêu gọi mua khoai lang, 'giải cứu' cam sành
UBND thị trấn Chư Sê đang xác minh thư mời thông qua 'CLB Phóng viên trẻ' gửi cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn TP Hà Nội, để bán... khoai lang với giá từ 30.000-35.000 đồng/kg.
Từ thư vận động mua khoai lang....
Ngày 1/12, ông Huỳnh Ngọc Chương - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, Gia Lai) cho biết, đang xác minh, làm rõ những người liên quan việc gửi thư mời tới các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn TP Hà Nội để bán khoai lang Nhật Bản, hỗ trợ bà con Tây Nguyên tiêu thụ, quảng bá nông sản.
Thư mời “lạ” này có dấu đỏ của UBND thị trấn Chư Sê, chữ ký của ông Huỳnh Ngọc Chương. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Chương cho hay: “Ủy ban thị trấn Chư Sê không ký thư mời kêu gọi, việc này phải là của doanh nghiệp. Mình không tham gia gì "món" này”.
Ông Chương cho biết, đã hỏi thôn trưởng Mỹ Thạch 2 (thị trấn Chư Sê) để làm rõ nội dung thư mời trên.
Về dấu đỏ, và chữ ký, ông Chương trả lời: "Con dấu và chữ ký đúng của UBND thị trấn Chư Sê, còn nội dung đã bị cắt ghép". Theo ông Chương, trước đó, thôn trưởng Mỹ Thạch 2 có nhờ ký, đóng dấu một văn bản với lý do để bổ sung hồ sơ trồng khoai lang Nhật cho một hợp tác xã. Tuy nhiên, sau đó phần nội dung còn trống bị gán ghép vào.
Trước đó, phụ huynh một số trường học trên địa bàn Hà Nội xôn xao, bàn tán về việc nhà trường vận động mua khoai lang Nhật giúp bà con Tây Nguyên. Nhà trường có gửi kèm ảnh bức thư có nội dung gửi cơ sở đoàn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn TP Hà Nội, có dấu đỏ, chữ ký của Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê.
Thư mời có nội dung: "Vào thời điểm cuối năm, các địa phương trong khu vực Tây Nguyên bước vào vụ thu hoạch nhiều loại nông sản với số lượng lớn. Mặc dù có nhiều thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai nhưng do tập quán canh tác còn nhỏ lẻ, trình độ của người dân nhiều hạn chế gây nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Để giúp người dân quảng bá nông sản tại chính thị trường trong nước, thông qua "CLB Phóng viên trẻ" làm cầu nối, kính mong các đoàn cơ sở, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn cả nước nói chung, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng quan tâm giúp đỡ bà con, mua nông sản ủng hộ nông dân Tây Nguyên.
Mặt hàng chính cần bán, quảng bá tới đông đảo người dân trong năm nay là khoai lang giống Nhật. Đây là loại nông sản có nguồn gốc từ Nhật Bản, là giống khoai lang được nhiều người yêu thích, mang hương vị riêng và có nguồn dinh dưỡng cao. Giá khoai lang dự kiến bán tại Hà Nội loại 1 dao động từ 30.000-35.000 đồng/kg".
Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một trong những đơn vị nhận được "thư mời" nên đã vận động các phụ huynh, giáo viên của trường đặt mua ủng hộ.
Khi được phóng viên Tiền Phong cung cấp thông tin về việc văn bản này có dấu hiệu giả mạo, bà Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Giang rất bất ngờ.
“Mọi năm nhà trường đã phối hợp tiêu thụ khoai lang, dưa hấu nên khi có văn bản gửi đến, có dấu đỏ, chúng tôi cũng tin tưởng vì đây là chương trình nhân văn”, bà Bình nói.
Sau khi được Tiền Phong phản ánh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Giang liên hệ lại với đầu mối tự xưng là phóng viên “Mai Chi” ở cuối thư mời nhưng không được.
“Chúng tôi sẽ hủy chương trình này. Rất may mấy hôm nay, trường đang kêu gọi phụ huynh đăng ký ủng hộ, chứ chưa đặt hàng. Mình có lòng tốt nhưng bị lợi dụng, chúng tôi cũng mang tiếng”, bà Bình cho hay.
... đến thư kêu gọi 'giải cứu' cam sành
Những ngày qua, trên mạng xã hội cũng xuất hiện “Thư ngỏ” về việc kết nối tiêu thụ nông sản cam sành Vĩnh Long gửi đến các các cơ sở đoàn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo tìm hiểu, nội dung bức thư thông tin: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Bình – HTX Cam sành Khánh Nhân - CLB Phóng viên trẻ Hà Nội chung tay kết nối tiêu thụ nông sản cam sành Tam Bình, Vĩnh Long giúp đỡ bà con nông dân.
"Chúng tôi kính mong các Đoàn cơ sở, đơn vị sự nghiệp, trường học trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, quan tâm giúp đỡ người nông dân bằng cách đăng ký mua nông sản cam sành Vĩnh Long. Dự kiến giá bán cam sành loại 1 tại Hà Nội: Từ 18 đến 25 đồng/kg (đóng sẵn 5kg/túi). Đây là loại cam xanh chín mọng, vỏ mỏng, nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe…”, thư ngỏ viết.
Thư ngỏ cũng ghi đầu mối liên hệ: “Chi tiết vui lòng liên hệ đồng chí M.C – Phụ trách tại Hà Nội - Số ĐT: 0588xxx…”.
Trao đổi với Tiền Phong ngày 1/12, đại diện Hợp tác xã (HTX) Cam sành Khánh Nhân (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) xác nhận, HTX có gửi thư ngỏ đến huyện, tỉnh và bạn hàng ở Hà Nội để nhờ hỗ trợ trong tiêu thụ cam sành, do tình hình cam đang rớt giá sâu.
Tuy nhiên, đại diện HTX khẳng định không liên hệ hay nhờ người tên M.C như trong thư ngỏ ở trên. “Chúng tôi chỉ gửi lên tỉnh và gửi cho bạn hàng ngoài đó để nhờ họ hỗ trợ giúp trong việc tiêu thụ cam” – đại diện HTX Cam sành Khánh Nhân cho hay.
Cũng trong ngày 1/12, sau khi xem lại thư ngỏ, phát hiện lỗi đánh máy sai sót nên HTX Cam sành Khánh Nhân có đơn giải trình gửi Phòng Nông nghiệp huyện Tam Bình để đính chính.
Theo HTX Cam sành Khánh Nhân, do lượng cam vào vụ thu hoạch rất nhiều, HTX không thể tiêu thụ hết lượng cam của bà con nông dân nên có thư ngỏ nhờ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước chung tay tiêu thụ. Do sơ suất trong quá trình đánh máy nên giá 18.000 đồng đến 25.000 đồng/kg nhưng lại được ghi là "từ 18 đến 25 đồng/ký”.
“HTX làm đơn giải trình đến Phòng Nông nghiệp huyện Tam Bình đính chính lại nội dung trên... HTX hoàn toàn chịu trách nhiệm với nội dung sai sót đã đưa ra. Chúng tôi đã khắc phục, điều chỉnh lại văn bản, nhờ các cửa hàng bán cam gỡ thư ngỏ có lỗi sai” - đơn giải trình nêu.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện HTX cho biết, giá cam sành tại vườn ở Vĩnh Long hiện chỉ khoảng 3.000 đồng/kg, người trồng cam lỗ nặng. Theo ước tính, chi phí sản xuất cho 1 công (1.000m2) cam khoảng 100 triệu đồng, năng suất khoảng 10 tấn, với giá bán 3.000 đồng/kg, nông dân lỗ 70 triệu đồng.
Nguyên nhân giá cam sụt giảm mạnh là do thị trường tiêu thụ ít, trong khi diện tích trồng cam ngày càng mở rộng. Bình thường HTX cung cấp cho thị trường mỗi ngày 80 tấn nhưng hiện nay tối đa chỉ 15-20 tấn. Riêng thị trường TPHCM trước đây mỗi ngày bán ra 20 tấn, hiện chỉ được một vài tấn…
“Cam trên cây còn quá nhiều, có người không bán ký nữa mà họ bán xô luôn, không thì chỉ để rụng thôi” – vị này nói.