Xác nhận mới nhất của Phó Thủ tướng Ukraine về thỏa thuận khoáng sản với Mỹ

Ngày 14/4, Phó Thủ tướng Olha Stefanishyna xác nhận Ukraine đã chuyển đề xuất về thỏa thuận khoáng sản cho phía Mỹ.

Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna phát biểu tại cuộc họp báo ở Praha, CH Séc, ngày 14/7/2022. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN

Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna phát biểu tại cuộc họp báo ở Praha, CH Séc, ngày 14/7/2022. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN

Báo The Kyiv Independent hôm 14/4 dẫn lời của Phó Thủ tướng Olha Stefanishyna xác nhận Ukraine đã chuyển một loạt đề xuất cho phía Mỹ trong cuộc tham vấn kỹ thuật về thỏa thuận khoáng sản quan trọng được tổ chức tại Washington vào ngày 11/4.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 14/4, bà Stefanishyna cho rằng “việc đang có các cuộc tham vấn như vậy đã là một tín hiệu tích cực, cho thấy tiến trình vẫn đang diễn ra”, đồng thời nhấn mạnh rằng các đề xuất do Kiev chuẩn bị đã được phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành của Ukraine.

Phó Thủ tướng Ukraine từ chối tiết lộ chi tiết cụ thể, với lý do các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục, nhưng chia sẻ kỳ vọng rằng “sau các cuộc tham vấn này, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục cho đến khi chúng tôi đạt được một thỏa thuận”.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về thỏa thuận khoáng sản giữa Ukraine và Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng.

Theo một nguồn tin am hiểu tình hình nói với Reuters hôm 11/4, chính quyền Trump đã đưa ra một đề xuất mang tính “tối đa hóa lợi ích”, theo đó Washington sẽ nắm quyền kiểm soát sâu rộng đối với tài nguyên khoáng sản của Ukraine.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là bản dự thảo mới nhất của thỏa thuận bị cho là xung đột với thỏa thuận hợp tác nguyên liệu thô chiến lược mà Liên minh châu Âu (EU) và Kiev đã ký kết năm 2021 - điều có thể gây phương hại đến nỗ lực gia nhập EU trong tương lai của Ukraine.

Theo Reuters, bản dự thảo mới nhất của thỏa thuận sẽ cho phép Mỹ tiếp cận đặc quyền với các mỏ khoáng sản của Ukraine và yêu cầu Kiev phải đưa toàn bộ doanh thu từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên vào một quỹ đầu tư chung.

Tuy nhiên, thỏa thuận này lại không bao gồm các cam kết đảm bảo an ninh từ phía Mỹ, điều mà chính phủ Ukraine coi là ưu tiên hàng đầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người khẳng định rằng thỏa thuận này sẽ giúp người đóng thuế Mỹ thu hồi khoản tiền mà chính quyền tiền nhiệm của ông Joe Biden đã chi để hỗ trợ Kiev, từng cảnh báo vào đầu tháng này rằng Tổng thốngUkraine Volodymyr Zelensky sẽ gặp “rất, rất nhiều rắc rối” nếu rút khỏi thỏa thuận.

Một phiên bản khung của thỏa thuận này đáng lẽ đã được ký kết trong chuyến thăm Washington của ông Zelensky vào ngày 28/2. Chính phủ Ukraine đã phê duyệt bản dự thảo và chỉ định Phó Thủ tướng thứ nhất Yuliia Svyrydenko hoặc Bộ trưởng Ngoại giao Andrii Sybiha là người ký.

Tuy nhiên, kế hoạch đã đổ vỡ sau một cuộc tranh luận căng thẳng trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng giữa ông Zelensky và ông Trump cùng Phó Tổng thống JD Vance. Sau đó, ông Zelensky đã rời Nhà Trắng mà không ký vào thỏa thuận.

Bộ Tư pháp Ukraine đã thuê công ty luật Anh-Mỹ Hogan Lovells để hỗ trợ trong quá trình đàm phán.

Đây là hãng luật Mỹ - Anh có trụ sở tại cả Washington, D.C. và London. Hồ sơ đăng ký không cung cấp thêm chi tiết nào.

Ông Sybiha tái khẳng định rằng Kiev mong muốn đạt được một thỏa thuận hai bên cùng có lợi, phù hợp với lợi ích lâu dài của Ukraine và khát vọng gia nhập EU.

Thành Nam/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/xac-nhan-moi-nhat-cua-pho-thu-tuong-ukraine-ve-thoa-thuan-khoang-san-voi-my-20250414200740974.htm