Xác suất thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đổ vỡ trong năm đầu khoảng 50%
Xác suất để thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc được duy trì trong năm đầu tiên là 50%, và con số này sẽ giảm một nửa vào năm kế tiếp.
Nhận định nói trên được kênh truyền hình CNBC trích dẫn từ Richard Martin - Giám đốc quản lý IMA Asia, một diễn đàn tư vấn dành cho CEO và quản vị viên cấp cao tại châu Á. Theo ông Martin, có 2 lý do để thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đổ vỡ trong khung thời gian vừa đề cập.
Thứ nhất, xét trên khía cạnh lịch sử, có khá ít câu chuyện thành công về những thỏa thuận thương mại do chính phủ hai bên dàn xếp và thực hiện. Thứ nhì, có nhiều điều khoản để cả Mỹ lẫn Trung Quốc rút khỏi thỏa thuận thương mại. “Có rất ít dòng chảy thương mại do chính phủ dàn xếp diễn ra thành công, và đó chính xác là những gì mà chúng ta đang có”, ông Martin nhận định.
Việc ấn định khối lượng thương mại và mức giá của hàng hóa đáng lẽ phải do thị trường quyết định chứ không phải chính phủ các bên, vị giám đốc nói thêm. Đồng thời, ông cho biết, nếu xảy ra tranh chấp giữa hai bên, thỏa thuận hiện tại sẽ cho phép Đại diện Thương mại Mỹ là ông Robert Lighthizer “tự ý quyết định khi nào thì Trung Quốc phá lệ và ra đòn trừng phạt nếu muốn”. Ngược lại, Trung Quốc cũng có thể rút lui khỏi thỏa thuận
Thế nên, đây không phải là một thỏa thuận thể hiện nhiều sự cam kết chắc chắn cho lắm. Nếu có vấn đề phát sinh, thỏa thuận thương mại này có thể chấm dứt ngay tại giai đoạn 1, ông Martin nói.
Được biết, một trong những nội dung chính của thỏa thuận giai đoạn 1 là việc Trung Quốc sẽ mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm tiếp theo. Nội dung này đã khiến không ít chuyên gia thương mại và các nhà phân tích đặt câu hỏi rằng, liệu đây có phải là một mục tiêu thực tế hay không, nhất là khi Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ phải tăng gấp đôi việc mua một số sản phẩm.
Dù vậy, ông Martin nhận định, cho đến hiện giờ, thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã phần nào giúp giải tỏa một số bất ổn của nền kinh tế thế giới. Điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp vốn đang “án binh bất động” trong thời gian qua để quan sát tình hình thương chiến tiếp tục triển khai các quyết định kinh doanh của mình.
“Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngưng việc tìm kiếm các nguồn cung ứng trong suốt năm 2019. Họ đơn giản là không biết hàng rào thuế quan sẽ diễn tiến như thế nào. Song giờ đây, họ sẽ tiếp tục… Tuy nhiên, về mặt lâu dài, rất nhiều khách hàng của chúng tôi không nghĩ rằng thỏa thuận thương mại này sẽ được duy trì”, Martin cho biết.