Xác thực bằng khuôn mặt khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần: Gặp khó khi hệ thống liên tục báo lỗi

Theo Quyết định 2345/2023 của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1-7-2024, các giao dịch chuyển tiền trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng/lần hoặc vượt quá 20 triệu đồng/ngày, thanh toán hóa đơn trên 100 triệu đồng phải được xác thực bằng khuôn mặt với mẫu đã khớp với cơ sở dữ liệu tập trung về dân cư.

Quét thông tin CCCD không phải lúc nào cũng thành công khi cập nhật sinh trắc học qua app ngân hàng nên người dùng cần kiên nhẫn. Ảnh: TẤN BA

Quét thông tin CCCD không phải lúc nào cũng thành công khi cập nhật sinh trắc học qua app ngân hàng nên người dùng cần kiên nhẫn. Ảnh: TẤN BA

Ứng dụng chưa tương thích

Hiện nay, các ngân hàng và các ví điện tử đã thông báo yêu cầu cập nhật xác thực sinh trắc học đến khách hàng, thực hiện trước ngày 1-7 để không bị gián đoạn khi thực hiện các giao dịch với số tiền lớn. Các bước thực hiện có thể làm trực tiếp trên ứng dụng của ngân hàng hoặc ví điện tử, người dùng chỉ cần xác thực khuôn mặt, chụp ảnh căn cước công dân (CCCD) gắn chip, quét thông tin trên căn cước công dân bằng NFC có trên thiết bị di động. Tuy nhiên, phản ánh đến Báo SGGP, nhiều người dùng cho biết, họ đang gặp khó trong việc xác thực, hệ thống liên tục báo lỗi hoặc do điện thoại không tương thích.

Ngay sau khi nhận được thông báo qua tin nhắn, anh Nguyễn Tất Thắng (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) đã làm theo hướng dẫn trên ứng dụng ngân hàng, nhưng việc thực hiện liên tục gặp lỗi do không thể quét được thông tin trên CCCD gắn chip.

Tương tự, anh Nguyễn Anh Tuấn (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, từ đầu tháng 6-2024, thẻ ATM của anh bị hỏng và được nhân viên ngân hàng hướng dẫn cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng để hoàn thành thủ tục cấp lại thẻ mới. Nhưng dù anh đã thực hiện các bước sinh trắc học như quét khuôn mặt, quét chip CCCD trên thiết bị nhiều lần, hệ thống vẫn không nhận diện được.

Với người sử dụng 2 hay 3 ứng dụng ngân hàng thì việc xác nhận sinh trắc học sẽ phiền phức hơn vì mỗi ngân hàng yêu cầu cách cập nhật khác nhau. Anh Dương Tân (ngụ quận 5, TPHCM) cho biết, khi dùng ứng dụng của Ngân hàng T., phải rất nhiều lần mới quét được thông tin CCCD. Còn với Ngân hàng B., bước scan mã QR trên CCCD và quét thông tin CCCD qua NFC của điện thoại phải thực hiện gần chục lần mới xong. Khi anh Tân cập nhật sinh trắc học trên ví điện tử MoMo, nhiều lần anh quét thông tin từ chip của CCCD đều không thành công.

Kiên nhẫn khi cập nhật sinh trắc học

Qua nhiều cách cập nhật sinh trắc học ở nhiều ứng dụng ngân hàng khác nhau, nhiều người cho biết khâu mất thời gian nằm ở việc quét thông tin từ chip của CCCD để liên kết thông tin với ứng dụng ngân hàng, vì vậy người dùng phải kiên nhẫn. Chị Thanh Vân (ngụ quận 3, TPHCM) chia sẻ: “Do đây là quy định của nhà nước, hơn nữa là cũng góp phần bảo vệ tài sản của mình ở ngân hàng nên phải cập nhật xác nhận sinh trắc học, chứ nhiều khi thấy quy trình còn chưa tốt. Người lớn tuổi, người không rành về các ứng dụng trên di động thì thật sự rất khó khăn”.

 Việc quét thông tin CCCD không phải lúc nào cũng thành công khi cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng. Ảnh: TẤN BA

Việc quét thông tin CCCD không phải lúc nào cũng thành công khi cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng. Ảnh: TẤN BA

Theo Luật Căn cước công dân năm 2023, dữ liệu sinh trắc học là đặc điểm nhận dạng duy nhất của một cá nhân, không có bất kỳ ai giống nhau, kể cả anh em sinh đôi; dữ liệu sinh trắc học của mỗi công dân đã được Bộ Công an thu thập và lưu trữ trong thẻ CCCD gắn chip. Do đó, việc thực hiện sinh trắc học sẽ tăng cường bảo mật, ngăn chặn việc truy cập trái phép và hạn chế tối đa khả năng bị lừa đảo khi sử dụng các ứng dụng ngân hàng trực tuyến.

Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận không nhỏ người sử dụng điện thoại thông minh nhưng thiết bị không hỗ trợ chức năng đọc NFC, một số người dân có hình ảnh khuôn mặt không giống hoàn toàn so với hình trên thẻ CCCD nên rất khó để thực hiện xác thực sinh trắc học. Ngoài ra, đối với những người lớn tuổi, không thạo công nghệ thì gặp khó khi thực hiện việc cập nhật theo yêu cầu của ngân hàng, nhất là mỗi ngân hàng có một kiểu cập nhật khác nhau.

Ngân hàng đã sẵn sàng cho quy định chuyển tiền bằng nhận diện khuôn mặt

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết: TPBank cho phép cập nhật khuôn mặt đa kênh. Theo đó, có thể xác thực qua ứng dụng TPBank: khách hàng chuẩn bị CCCD gắn chip và điện thoại có hỗ trợ NFC; cập nhật ứng dụng TPBank phiên bản mới nhất, đăng nhập và làm theo hướng dẫn; khách hàng đến các chi nhánh, phòng giao dịch của TPBank sẽ được nhân viên hỗ trợ khách hàng thực hiện cập nhật gương mặt trên hệ thống.

Ông Nguyễn Trần Nam, Giám đốc Khối Ngân hàng số ACB, thông tin: Ngân hàng ACB đã triển khai cho khách hàng đăng ký xác thực khuôn mặt trên ứng dụng Ngân hàng số ACB ONE phiên bản mới nhất. Khách hàng cần chuẩn bị điện thoại thông minh có hỗ trợ đọc NFC và thẻ CCCD gắn chip chính chủ còn hiệu lực nhằm đảm bảo dữ liệu khuôn mặt đăng ký với ACB trùng khớp dữ liệu sinh trắc học đã được xác minh, lưu trữ tại Bộ Công an.

Theo ông Phan Việt Hải, Phó Tổng Giám đốc BVBank, việc đăng ký xác thực được thực hiện tại Ngân hàng số Digimi với với 4 bước đơn giản: chuẩn bị CCCD gắn chip và điện thoại có hỗ trợ công nghệ quét NFC; mở ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại, chụp hình mặt trước và sau của CCCD gắn chip; thực hiện quét CCCD bằng công nghệ đọc NFC trên thiết bị di động; chụp hình khuôn mặt là hoàn tất.

HẠNH NHUNG

BÙI TUẤN - BÁ TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xac-thuc-bang-khuon-mat-khi-chuyen-tien-tren-10-trieu-donglan-gap-kho-khi-he-thong-lien-tuc-bao-loi-post746107.html