Xác thực người livestream bán hàng: Minh bạch hóa thương mại điện tử
Điểm nổi bật trong Dự thảo Luật Thương mại điện tử (sửa đổi) mà Bộ Công Thương xin ý kiến Bộ Tư pháp mới đây là lần đầu tiên các quy định về hoạt động livestream bán hàng được luật hóa như một phương thức giao dịch điện tử.

Người livestream bán hàng phải định danh - Ảnh: TH.L
Theo đó, các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm cả sàn giao dịch như Shopee, Lazada và mạng xã hội tích hợp livestream như TikTok, Facebook,… đều phải xác thực danh tính người phát trực tiếp bằng mã định danh cá nhân: VNeID (đối với cá nhân trong nước), hoặc giấy tờ pháp lý tương đương (đối với tổ chức và cá nhân nước ngoài).
Nội dung livestream và dữ liệu giao dịch phải được lưu trữ tối thiểu một năm, trong khi hợp đồng điện tử phải lưu trữ ba năm.
Theo Bộ Công Thương, đây không chỉ là nỗ lực nhằm tăng cường minh bạch, chống thất thu thuế và ngăn chặn gian lận thương mại, mà còn là bước đi chiến lược để xây dựng thị trường thương mại điện tử bền vững, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Tuy nhiên, trên thị trường, việc quy định các hoạt động livestream bán hàng cũng ghi nhận được nhiều ý kiến đa chiều.
Ở chiều tích cực, hầu hết các chuyên gia thương mại điện tử, luật sư đều có chung nhận định rằng việc bắt buộc định danh người livestream bán hàng sẽ làm tăng tính trách nhiệm của người bán trong việc đảm bảo thông tin sản phẩm chính xác, hạn chế quảng cáo sai lệch về công dụng, xuất xứ, chất lượng, giá cả hoặc khuyến mại.
Luật sư Trần Minh Hải (Công ty Luật Basico) cho rằng các quy định xác thực danh tính sẽ giúp tăng trách nhiệm pháp lý của người livestream bán hàng, tạo điều kiện thuận lợi để truy vết và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, ông Hải cảnh báo rằng, nếu không có cơ chế hậu kiểm nhanh chóng và chế tài đủ mạnh, thì việc xác thực có thể chỉ dừng lại ở hình thức mà không ngăn chặn được gian lận một cách thực chất.
“Vì vậy, cần có cơ chế phối hợp kết nối dữ liệu liên ngành giữa cơ quan thuế, ngân hàng và quản lý thị trường để giám sát hiệu quả hơn”, ông Hải lưu ý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho rằng việc định danh người bán hàng qua livestream là một yêu cầu tất yếu và cấp thiết.
Đại diện VECOM cho rằng, sự bùng nổ của hoạt động bán hàng qua livestream và trên mạng xã hội đã bộc lộ nhiều khoảng trống pháp lý. Các vấn đề như hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời gây ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh và thất thu thuế cho nhà nước. Do đó, yêu cầu định danh người bán không nên được nhìn nhận là “siết chặt” một cách tiêu cực, mà là một bước đi cần thiết để thiết lập tính chịu trách nhiệm.
“Khi có một giao dịch xảy ra, người tiêu dùng và cơ quan quản lý cần biết rõ chủ thể đứng sau giao dịch đó là ai để có thể giải quyết khiếu nại hoặc xử lý vi phạm. Đây là nguyên tắc cơ bản để xây dựng một thị trường minh bạch và bền vững, phù hợp với xu hướng chung của thế giới”, ông Phong nêu ý kiến.
Đối với lĩnh vực quản lý thị trường, quản lý thu nộp thuế, một số doanh nghiệp tư vấn thuế tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khi các quy định về định danh người livetream bán hàng có hiệu lực thì ngành thuế sẽ được hỗ trợ nhiều trong việc khấu trừ giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân từ các giao dịch livestream.
Việc kết nối dữ liệu giữa ngân hàng, nền tảng thương mại điện tử và cơ quan thuế cũng sẽ giúp phát hiện và xử lý các trường hợp gian lận doanh thu, như vụ “Cún Bông” với doanh thu thực tế hơn 120 tỷ đồng nhưng kê khai chỉ 5 tỷ đồng. Ngoài ra Nghị định 117/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/7, đã đặt nền tảng cho tự động hóa quy trình khấu trừ thuế. Vì thế, Dự thảo Luật sẽ củng cố thêm cơ chế này, giúp chuyển các giao dịch cá nhân từ khu vực “ngách” sang lĩnh vực chịu thuế minh bạch.
Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Việt Dũng cho rằng, sử dụng VNeID là một bước đi khả thi. Song song đó, Bộ Công Thương đề xuất ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để giám sát nội dung livestream theo thời gian thực, phát hiện các vi phạm như quảng cáo sai sự thật hoặc kinh doanh hàng giả sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh trong quản lý bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng về dài hạn, thương mại điện tử nên thử nghiệm công nghệ Web3 như Self-Sovereign Identity (SSI) trên chuỗi khối (blockchain). Bởi công nghệ SSI cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu cá nhân, tăng tính minh bạch và bảo mật. Đồng thời giảm phụ thuộc vào trung gian và rất hữu ích trong thương mại điện tử xuyên biên giới, nơi việc xác minh danh tính thường phức tạp hơn.
Mặc dù đồng tình với các nhận định tích cực đối với các quy định hoạt động livestream bán hàng, nhưng nhiều cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ người dùng mạng xã hội cũng biểu lộ quan điểm rằng Luật không nên cứng nhắc trong các quy định về áp dụng công nghệ.
Chủ hộ kinh doanh nhỏ chuyên bán các mặt hàng hải sản qua livestream tại TP. Hồ Chí Minh (xin phép giấu tên) lo ngại rằng, các quy định xác thực có thể gây khó khăn cho các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Vị này cho rằng, việc thời gian qua có nhiều Luật, Nghị định “siết chặt” quản lý bán hàng qua mạng khiến các hộ kinh doanh nhỏ lo ngại vi phạm pháp luật do không có thời gian hoặc cập nhật không đầy đủ các quy định ở các văn bản pháp luật khác nhau.
Song song với việc luật hóa các quy định về livestream theo hướng siết chặt xác thực, Chính phủ, các bộ, ngành cần có những cơ chế hỗ trợ hộ kinh doanh nhỏ hợp thức hóa hoạt động, mở mã số thuế, tiếp cận công cụ định danh và hệ thống thanh toán chính thức để giảm chi phí tuân thủ. Ngoài ra, cần có các tiêu chí để phân loại cá nhân bán hàng chuyên nghiệp và không chuyên, có quy định mềm dẻo cho người mới bắt đầu kinh doanh nhỏ lẻ để tạo điều kiện cho người dân, hộ kinh doanh mở rộng kênh bán hàng.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Tấn Phong cho rằng các hộ kinh doanh, cá nhân khởi nghiệp chính là một động lực quan trọng, chiếm số lượng đông đảo và tạo nên sự sôi động cho nền kinh tế số. Việc áp đặt các quy định pháp lý phức tạp, chi phí tuân thủ cao và các thủ tục về thuế, hóa đơn điện tử một cách cứng nhắc có thể tạo ra rào cản, làm nản lòng những người bán hàng chân chính, đặc biệt là những người có quy mô nhỏ, mới tham gia thị trường.
Theo đại diện VECOM, Chính phủ cần có một lộ trình áp dụng rõ ràng và phù hợp. Theo đó, các quy định mới, đặc biệt về thuế và hóa đơn điện tử, cần được triển khai theo từng giai đoạn, có thời gian chuyển tiếp hợp lý để người bán có thể chuẩn bị và thích ứng.
Song song đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần ứng dụng công nghệ để xây dựng các công cụ tích hợp, giúp người bán (nhất là hộ kinh doanh, cá nhân) thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế một cách đơn giản, thuận tiện nhất, giảm thiểu chi phí tuân thủ. Việc này hoàn toàn phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đang đẩy mạnh.
Ngoài ra, nhà nước và các hiệp hội, như VECOM cần phối hợp chặt chẽ để tổ chức các chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật sâu rộng, giúp người bán hiểu đúng và thực hiện đủ các quy định, tránh các vi phạm không đáng có do thiếu thông tin.