Xác ướp 'há miệng, thè lưỡi' tại sa mạc khô hạn nhất thế giới
Atacama chưa từng ghi nhận sự xuất hiện của vẹt nên các nhà nghiên cứu bất ngờ khi phát hiện lông vũ và xác ướp của chúng tại sa mạc khô hạn nhất trên thế giới.
Theo thông báo được Đại học Pennsylvania đăng tải hôm 29/3, nhiều con vẹt được ướp xác sau khi chết. Một số con há miệng và thè lưỡi, những con khác dang rộng đôi cánh như thể chúng đang bay.
"Thật khó diễn giải, nhưng tập tục này có thể là một phần trong nghi lễ liên quan đến khả năng bắt chước tiếng người của vẹt", đồng tác giả nghiên cứu José M. Capriles, trợ lý giáo sư nhân chủng học ở Đại học Pennsylvania cho hay.
Trong gần ba năm, Capriles và các cộng sự đến thăm các bảo tàng trên khắp miền bắc Chile để nghiên cứu về xác ướp của các con vẹt được tìm thấy trong khu vực.
Thông qua các phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện những con vẹt được đưa đến Atacama từ Amazon cách đó khoảng 480 km vào khoảng năm 1100 - 1450.
Khoảng thời gian này chứng kiến rất nhiều hoạt động thương mại, với số lượng lớn các đoàn lữ hành di chuyển giữa các phần khác nhau của dãy núi Andes.
"Việc đưa những con chim còn sống vượt qua dãy Andes cao hơn 3.048 m là điều đáng kinh ngạc. Chúng được vận chuyển qua những thảo nguyên rộng lớn, thời tiết lạnh giá và địa hình khó khăn để đến Atacama. Và chúng phải còn sống", ông Capriles cho hay.
Sau khi được đưa tới Atacama, lũ vẹt được nuôi làm thú cưng. Chúng thường xuyên được nhổ lông - thứ được gắn trên mũ của tầng lớp thượng lưu để biểu thị sự giàu có và quyền lực.
Những con vẹt được cho ăn các thức ăn mà chủ chúng ăn, nhưng quan hệ của chúng với con người rất phức tạp.
"Một số sống không hạnh phúc. Chúng được nuôi để sản xuất lông và lông của chúng sẽ được nhổ ngay khi chúng lớn lên", ông Capriles cho biết.
Capriles tiết lộ nhóm của ông sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ những nghi vấn của họ về lũ vẹt.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/xac-uop-ha-mieng-the-luoi-tai-sa-mac-kho-han-nhat-the-gioi-ar603925.html