Xâm thực mặn đáng báo động: Cần bảo đảm an toàn về người, tài sản trước tình trạng trên
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND Thanh Hóa Lê Đức Giang đã kiểm tra thực tế tình hình nước biển xâm thực ven cửa lạch Hới thuộc thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ và yêu cầu huyện Hoằng Hóa có giải pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản khu vực nguy cơ cao.
Người dân lo lắng vì biển xâm thực sâu vào đất liền
Theo báo cáo nhanh của chính quyền địa phương, chỉ trong vòng vài tháng, sóng biển đã làm sạt lở hơn 1,5km bờ biển xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) có điểm bị xâm thực sâu vào đất liền hơn 100m. Việc xâm thực này đã làm mất 7,5 ha đất sản xuất, đất rừng, đất ở của một số hộ dân, trong đó có 1,5 ha đất nuôi trồng thủy sản.
Hiện tượng sóng biển “nuốt trôi” đất đai, cây cối diễn ra mạnh khu vực cửa sông Mã đang gây ra nhiều lo lắng khi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa tìm được phương án tối ưu để khắc phục.
Bờ biển thôn Tân Xuân (Hoằng Phụ) giờ đây nham nhở xác cây phi lao, những khối bê tông, bờ kè đã bị cuốn trôi. Chúng ngổn ngang như chính nỗi lòng người dân nghèo xứ biển này. Bà B.T.H. (60 tuổi) lại thất thểu ra biển và chia sẻ rằng: Đã 2 tháng qua, vợ chồng bà không thể ra bãi biển cào ngao kiếm ăn do mùa mưa gió. Không đất nông nghiệp, không nghề phụ, nỗi lo cơm áo đè nặng lên từng hơi thở khó nhọc. Nhưng sự lo lắng ấy không thấm tháp vào đâu so với nỗi lo biển xâm lấn đang diễn ra với tốc độ ngày một nhanh hơn. Mất kế mưu sinh, nguy cơ tái nghèo đang hiện hữu.
Cứ sau mỗi trận mưa bão đi qua, nhiều đoạn tường bao bê tông đã bị sóng đánh đứt gãy và phân nửa đã bị chìm vào lòng biển. Đăm đăm nhìn ra xa bà H. buồn rầu: “Nhà có 6 khẩu, không nghề phụ, chúng tôi đã mua mảnh đất này dự định để cho con cái làm ăn, phát triển du lịch, nhưng với tình trạng như thế này thì chả mấy sẽ mất hết đất. Mong nhà nước sớm có biện pháp kè chắn để ngăn chặn sự xâm thực và đảm bảo an toàn cho người dân”.
Nỗi lo của người dân ngày một tăng lên khi sóng biển đã làm sạt lở hơn 1,5km bờ biển, có điểm bị xâm thực sâu vào đất liền hơn 100m. Việc xâm thực này đã làm mất 7,5 ha đất sản xuất, đất rừng, đất ở của một số hộ dân, trong đó có 1,5 ha đất nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Văn H. trầm ngâm: “Biển xâm thực nhanh quá, cơ quan chức năng lại chưa có biện pháp nào. Người dân phải họp bàn với nhau góp tiền, góp của tự bỏ tiền xây tường bao, làm bờ kè, đổ cột bê tông để hạn chế tác động nhưng chẳng thấm vào đâu, như muối bỏ biển, sau 1 trận bão là tan hoang cả".
Tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn về người, tài sản trước tình trạng biển xâm thực
Trước tình trạng trên, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã xuống kiểm tra, yêu cầu các ngành chức năng và huyện Hoằng Hóa nhanh chóng có giải pháp khắc phục, đồng thời, đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại khu vực có nguy cơ xảy ra biểm xâm thực.
Sau khảo sát thực địa, nghe đại diện các ngành và huyện Hoằng Hóa phân tích tình hình, đề xuất các giải pháp khắc phục, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhận định: Tình trạng triều cường gây xói lở bờ biển, xâm thực vào đất liền tại thôn Tân Xuân rất nghiêm trọng, cần có biện pháp kỹ thuật khẩn cấp để ngăn chặn, ổn định cuộc sống cho người dân.
Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu huyện Hoằng Hóa tổ chức cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở, không để cho người dân và du khách ra vào khu vực nguy hiểm. Tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân bị nước biển dâng gập ngập lụt nhà cửa, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân trong khu vực bị nước biển dâng đe dọa. Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến của triều cường để kịp thời thông báo cho người dân, du khách và ngư dân khai thác hải sản trong khu vực này.
Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trạm biên phòng Lạch Hới phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới biển. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về tình trạng biển xâm thực gây sạt lở tại thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ.
Đồng thời, lựa chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm khảo sát, lập quy hoạch và có phương án khắc phục khẩn cấp tình trạng biển xâm thực gây sạt lở vào đất liền. Các ngành có liên quan của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tham mưu cho UBND tỉnh về trình tự thủ tục, bố trí nguồn vốn đầu tư xử lý khẩn cấp tình trạng biển xâm thực gây sạt lở tại thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ.