Xắn váy quai cồng
Theo hiểu biết của y, nửa sau thế kỷ XV đã có 'Cổ tâm bách vịnh' - tập thơ vịnh Bắc sử chữ Hán của vua Lê Thánh Tông cùng dăm bài thơ vịnh sử Nam của các tác giả thời Hồng Đức.
Thế nhưng phải đợi đến thời điểm nào, ai đã dụng bút khiến thể loại thơ vịnh sử mới tiếp tục phát triển về số lượng lẫn chất lượng?
Xin thưa, vai trò này thuộc về Tiến sĩ Đặng Minh Khiêm (1456 (?) -1522), tự Trình Dự, hiệu Thoát Hiên - vốn thuộc dòng dõi Đặng Tất, Đặng Dung - những sĩ phu yêu nước thời Hậu Trần. Có lẽ ít người biết rằng, ông Khiêm chính là thi sĩ mở đầu loại thơ vịnh sử Nam bằng chữ Hán. Nhà bác học Phan Huy Chú khi biên soạn phần “Nhân vật chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” nhận xét: “Ông học vấn rộng rãi, khẳng khái, có tiết tháo lớn”.
1. Tác phẩm để lại của Đặng Minh Khiêm là Việt giám vịnh sử tập (còn gọi Thoát Hiên vịnh sử tập), gồm ba tập, 125 bài thơ thất ngôn tuyệt cú bằng chữ Hán - vịnh 125 nhân vật từ Kinh Dương Vương đến thời Hậu Trần. Tập thơ này được các học giả thuở ấy khen là “danh bút”.
Theo nhà bác học Lê Quý Đôn, đây là một áng “văn chương kiệt tác”; nhà bác học Phan Huy Chú đánh giá: “Văn chương ông thanh nhã, dồi dào, đời vẫn truyền tụng... không hổ bậc khoa danh”; Tiến sĩ Hà Nhậm Đại cho biết “đến đâu cũng thấy người ta nói đến thơ Thoát Hiên”...
Và nay, các nhà nghiên cứu hiện đại khẳng định: “Đây là tập thơ đầu tiên vịnh Nam sử quy mô và hệ thống” (Tổng tập văn học Việt Nam, tập 6 - NXB Khoa học Xã hội - 1987).
Mày mò tìm hiểu và ghi chép lại vì thông tin này, có ích cho người đọc đấy chứ? “Dân ta phải biết sử ta/ Cái gì không biết thì tra Gú-gồ”. Đố ai tìm được thông tin này trên Google. Vịnh sử là cảm chuyện xưa nhưng “cũng nhằçm ngụ ý nói nay, bày tỏ sự yêu ghét, bộc bạch quan điểm khen chê về nhân vật, sự kiện lịch sử nào đó. Tâm tính, tâm địa thế nào, thơ thế ấy.
Ông Hoàng Cao Khải vịnh Hai Bà Trưng đã hạ bút: “Tham tàn trách bởi quân gây biến/ Oanh liệt khen cho gái dị thường”. Vịnh nữ anh hùng dân tộc mà hậu sinh dám hạ bút hai chữ “khen cho”, ba chữ “gái dị thường” - há chẳng phải vô lễ với tiền nhân đấy ư? Ôi, chữ với nghĩa, nào phải dễ dàng. Lời nói gió thoảng qua, mất hút, chứ đã ghi lại làm sao có thể xóa?
Trong khi đó, ông Đặng Minh Khiêm đã vịnh: “Sinh tiền dũng mãnh nêu Mai Lĩnh/ Hiển thánh làm mưa lại có công/ Dòng dõi Mê Linh dòng võ tướng/ Nữ nhi liệu được mấy anh hùng?” (Bản dịch trong Tổng tập văn học Việt Nam).
Đọc thơ xưa, với kẻ hậu học, rào cản lớn nhất chính là chữ Hán. Các văn nhân tài tử một khi đã viết cái gì đó nghiêm túc, gửi gắm nỗi niềm tâm sự sâu kín hầu hết đều sử dụng chữ Hán, ít ai dùng chữ Nôm. Ngay cả thi hào Nguyễn Du khi vung tay đã rải xuống cõi trần này 3.254 viên ngọc không tì vết bằng chữ Nôm - tạo dựng nên kiệt tác Truyện Kiều vô tiền khoáng hậu, cụ cũng chỉ bảo: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”.
Dám nói rằng, để hiểu tấc lòng Nguyễn Du, phải đọc thơ chữ Hán của cụ. Nay, mấy ai thông thạo chữ Hán, có thể đọc từ nguyên tác? Khó quá đi mất. Đành đọc qua bản dịch là vậy. May, gặp bản dịch “đạt, tín, nhã”; bằng không, “dịch là diệt” nào biết đúng sai.
Trộm nghĩ, một trong những lý do các cụ sử dụng chữ Hán, bởi các triều đại trước và sau này đến thời nhà Nguyễn cũng chỉ công nhận chữ Hán là văn tự chính thức trong thi cử, dùng trong công văn hành chính.
Chữ Nôm à? “Nôm na là cha mách qué”, bất quá cũng chỉ là thứ “Chữ cua bò lăng nhăng thư thảo/ Thơ rông chó chạy láo nháo xướng thù”. Lại nghĩ lan man, điểm nổi bật nhất trong hệ thống giáo dục dưới triều Tây Sơn là vua Quang Trung đã thực hiện chính sách đề cao chữ Nôm của dân tộc như thời nhà Hồ đã thực hiện, nâng nó lên một vị trí xứng đáng.
Cuối năm 1791, vua Quang Trung cho lập Viện Sùng chính ở Nghệ An, cử danh sĩ lẫy lừng Nguyễn Thiếp ra làm Viện trưởng, phụ trách việc giáo dục và dịch sách ra chữ Nôm. Nhà nghiên cứa Lê Văn Quán cho rằng: “Nếu Quang Trung không sớm tạ thế và triều Tây Sơn tiếp tục đi theo hướng tiến bộ thì rất có khả năng chữ Nôm sẽ được đưa lên vị trí chính thức thay chữ Hán cũng nên” (Nghiên cứu về chữ Nôm - NXB Khoa học xã hội - 1981).
Thật ra, bàn về vấn đề này, y hoàn toàn không có khả năng. Phải là những ai thật giỏi chữ Nôm, chữ Hán. Ít ra cũng phải đạt đến trình độ như Tiến sĩ Trần Trọng Dương - người đã thực hiện công trình Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển, chứ y chỉ đứng ngoài rìa. Vì lẽ đó, chỉ dám bàn về thơ. Nay, trong lúc đang hào hứng bàn về thơ vịnh của tiền nhân, vậy xin chép lại bài thơ này: “Năm bức xiêm thường, khéo khéo thay/ Không đáy mà ai cũng sợ mày/ Trông lên kín mít trời không thấy/ Ngó xuống tô hô đất có hay/ Dễ dàng thầy cháu cơn mưa đến/ Mát mẻ con em trận gió ngày/ Tuy tiếng nó thô mà lịch sự/ Khanh tướng chui ra cũng lối này”
Thơ khuyết danh chăng? Theo nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch, có thể của cử nhân Trịnh Phức - người Thanh Hóa, viết thời vua Tự Đức. Cứ tạm cho là thế, thế thì ông Phức vịnh cái gì? Đọc lần nữa, ắt nhận ra là… vịnh cái váy. Thời trước, triều Minh Mạng đã từng có lệnh “Cấm quần không đáy người ta hãi hùng”.
Cấm váy thì phải mặc quần. Gớm cho miệng lưỡi dân gian, cấm à? “Có quần ra đứng bán hàng/ Không quần ra đứng đầu làng xem quan”. Tổng tồng ngồng đứng đầu làng, chỉ đứng ngó/ xem quan, nào ai có lên tiếng phản đối gì đâu nhưng lại là cú tát đau điếng vào mặt quan đấy chứ. Cái cười của người Việt thâm trầm, kín đáo bởi thừa biết đây là một cú chơi xỏ, xí lắc léo nhưng lấy cớ gì bắt tội?
2. Thời xưa, đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố. “Đàn ông mặc khố đuôi lươn/ Đàn bà mặc áo hở lườn mới xinh”. Có lẽ do quan niệm cái váy, cái khố là vật dụng không thanh nhã, gợi đến sự thô tục, do đó, khi bàn về trang phục xưa của người Việt hầu hết các nhà nghiên cứu chỉ lướt qua đôi dòng. Nếu có bàn đến, họ vẫn dành nhiều dòng, nhiều chữ về cái khố hơn. Nhân đọc lại câu ca dao trên, ta thử tìm hiểu thế nào là “khố đuôi lươn”?
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung thì cái khố đã xuất hiện từ thời Hùng Vương: “Để đóng khố cần một tấm vải dài và hẹp, có thể đến mười thước.
Thoạt tiên lồng tấm vải xuống dưới háng và kéo nó lên phía trước che bụng dưới, phía sau che mông đít, rồi gập chéo tấm vải ở chính giữa bụng vòng qua phía sau. Vắt phần vải phía sau qua đó rồi tiếp tục đưa phần vải vòng từ lưng lên bụng trên, lồng vào chỗ gập chéo. Phần thừa của tấm vải sẽ vắt trước bụng và chính sau đít. Do đó cần một tấm vải càng dài càng tốt” (Văn minh vật chất của người Việt - NXB Tri Thức - 2011, tr.375).
Có phải, “Phần thừa của tấm vải sẽ vắt trước bụng và chính sau đít” gọi là đuôi lươn? Tại sao không? Vì y suy luận nếu tấm vải ngắn quá, không thừa, gọi là khố cộc.
Ngoài ra còn có cả “khố dây” nữa. Thế nào là khố dây? Cách giải thích của Tiến sĩ Đoàn Thị Tình thuyết phục hơn cả, xin chép lại hầu bạn: “Nhà nghèo kiết xác không đủ tiền mua cả một dải vải dài để làm khố, đành dùng một mảnh vải vừa hẹp (chỉ đủ che sơ sài hạ bộ) dắt vào sợi dây thừng hay dây gai buộc quanh bụng, do đó, gọi là khố dây” (Trang phục Thăng Long - Hà Nội - NXB Hà Nội - 2010, tr.234). Chẳng sao cả. Thậm chí người Việt còn hài hước: “Khố ngắn càng dễ bắt rận”.
Hạng nghèo mạt rẹp vẫn là Khố rách áo ôm; Con đóng khố, bố cởi truồng; ghét là ghét những kẻ Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng; Khố son bòn khố nâu…
Trong kho tàng thơ Nôm có truyện thơ Trần Minh khố chuối, đích thị anh chàng này đã sử dụng tàu lá chuối khô; thậm chí có người còn dùng cả mo cau, gọi khố mo. Xét ra, cái mo cau cũng nhiều công dụng.
Một kẻ nào đó làm việc tồi tệ gì đó, khi bị phát hiện, thiên hạ rủa: “Hắn ta đi ra đường, chỉ còn có nước lấy mo cau che mặt”, từ chỗ che “phần dưới” nay buộc phải dùng che mặt, há chẳng phải là lời sỉ nhục đó sao?
Cái mo cau ấy, độc địa nhất vẫn là lúc cụ Nguyễn Công Trứ hạ bút thần sầu quỷ khốc: “Xuống ngựa lên xe nọ tưởng nhàn/ Lợm mùi giáng chức với thăng quan/ Điền viên dạo chiếc xe bò cái/ Sẵn tấm mo bưng miệng thế gian”. “Miệng thế gian” trong ngữ cảnh này là cái gì thế? Nghĩ thế, bèn cười là thế.
Vừa lướt đôi dòng, ta thấy có nhiều loại khố. Tuy nhiên, khố đỏ, khố xanh, khố vàng hoàn toàn không liên quan gì đến… khố, chỉ là tên gọi sắc lính thời Pháp thuộc. Về váy có bao nhiêu loại váy? Chỉ có một. Nếu có khác, chỉ là do sử dụng chất lượng vải, y liều lĩnh suy luận vì tra cứu nhiều từ điển vẫn không tìm thấy, duy Việt Nam tự điển (1931) ghi nhận: váy lĩnh, vái nái.
Lĩnh và nái là tên gọi mặt hàng tơ lụa vải. Bất quá, chỉ có thêm câu tục ngữ: “Váy dài thì ăn mắm thối, váy đến gối thì ăn mắm thơm” - ngụ ý thích đẹp đẽ, sang trọng mà không chịu vất vả làm lụng thì khó có miếng ngon mà ăn.
Trộm nghĩ, muốn hiểu về trang phục người Việt xưa, không dễ dàng chút nào. Đấy! Biết ngay mà, y là chúa “trầm trọng hóa vấn đề”, cứ nói vống lên. Cứ cho là thế. Thôi thì, ta thử đọc câu đối của cụ Nguyễn Khuyến khóc vợ:
Lão cũng đã mừng thay. Nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân dăm đá chân chiêu, vì lão đỡ đần trong mọi việc;
Bà đi đâu vội bấy! Để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa chạm tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm.
Hiểu thế nào về “xắn váy quai cồng”? Mặc váy, lúc đang làm việc, muốn cho gọn, không thể xắn ở phía gấu mà người đàn bà phải vận phía cạp lẩn vào trong thắt lưng, lẳn tròn lại như cái cồng. Cụm từ này còn được dùng để chỉ người phụ nữ lam lũ, chịu thương chịu khó, miệng bằng tay tay bằng miệng, miệng nói tay làm, siêng năng, tất bật...
Ngày trước, khi ra làm quan ở ngoài Huế, cụ Phan Châu Trinh cũng tơ tưởng một bóng hồng thuộc diện lá ngọc cành vàng, con nhà quý phái, ăn trên ngồi trốc, tuyệt sắc giai nhân, có tài làm thơ xướng họa cực kỳ tâm đắc. Cụ những muốn lập “phòng nhì” nhưng rồi suy nghĩ đó nhanh chóng tan tành như bọt xà phòng. Do đâu? Ngày kia, từ kinh đô về quê nhà ở Tam Kỳ (Quảng Nam), cụ tận mắt chứng kiến người vợ xắn váy quai cồng, tất ta tất tưởi, chân cao chân thấp chạy ra đồng lo bữa ăn trưa cho bọn thợ cấy.
Nhìn thấy vợ rồi liên tưởng đến người đẹp nõn nà son phấn, cụ tự nhủ: “Nếu đem người ngọc về, ta đặt ở chỗ nào?”. Từ đó, cụ cự tuyệt mối tình vừa nhen nhúm nồng nàn lửa bén.
Thế đấy, đã là bậc anh hùng ắt cách sử sự cũng khác.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/xan-vay-quai-cong-552246/