Xăng, dầu tăng giá, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó
Qua 2 lần điều chỉnh, xăng RON95-III đã giảm 2.230 đồng/lít nhưng vẫn còn cao, hiện giá bán lẻ ở thị trường Thanh Hóa là 23.250 đồng/lít (ngày 20-12). Giá xăng, dầu cao, cộng với dịch COVID-19 kéo dài và đang diễn biến phức tạp, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác hải sản và hoạt động vận tải gặp khó khăn chồng chất.
58 xe của Công ty TNHH Mai Linh không hoạt động do lái xe bỏ nghề có một phần nguyên nhân từ giá xăng ở mức cao.
Nghề cá gặp khó
Chủ tàu cá TH 93868-TS, ông Đinh Văn Tiếp, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), cho biết: "Tàu cá của tôi có công suất 800CV, chuyên tham gia đánh bắt ở các ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa, Vịnh Bắc bộ và hiện tại đang khai thác tại đảo Thổ Chu (Kiên Giang) bằng nghề chụp mực, lưới rê, vây. Mỗi tháng, tàu đi khai thác hải sản 2 chuyến, mỗi chuyến kéo dài 10 ngày. Để đảm bảo nhiên liệu cho mỗi chuyến ra khơi, tôi phải đổ khoảng 1.000 lít dầu diesel. Trước đây, vào thời điểm tháng 4-2020, giá dầu chỉ có 10.820 đồng/lít, giá hải sản cao, vì thế sau khi trừ chi phí, mỗi chuyến ra khơi tôi có lãi hơn 100 triệu đồng. Từ khi xăng, dầu liên tục tăng giá, nhất là lần tăng gần nhất vào chiều 10-11-2021, dầu diesel có giá 19.080 đồng/lít, tôi phải bù lỗ gần 100 triệu đồng/chuyến. Hiện nay, giá dầu đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, cộng với giá thu mua hải sản của thương lái rẻ hơn so với thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021 chừng 10.000 đồng/kg mực, nên các chuyến đi biển đều không có lãi, thậm chí phải bù lỗ”. Ông Tiếp còn cho biết thêm: “Hiện tàu của tôi gặp sự cố khi đang khai thác tại đảo Thổ Chu, phải thuê lai dắt tàu vào bờ để sửa chữa. Dự kiến số tiền bù lỗ cho chuyến ra khơi này phải mất gần 400 triệu đồng.... Nếu như giá dầu còn ở mức cao như hiện nay, cộng với giá thu mua hải sản vẫn thấp, chắc chắn tàu phải nằm bờ vì gia đình không còn nguồn lực để bù lỗ nữa”.
Cũng trong tình cảnh khai thác không hiệu quả sau mỗi chuyến ra khơi do giá dầu cao, ông Nguyễn Văn Quang, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc), cho biết: “Tàu cá TH 92668 TS, công suất 829 CV của gia đình tôi chuyên khai thác ở ngư trường truyền thống Vịnh Bắc bộ và phía Nam. Mỗi chuyến đi biển 20 ngày, tôi chuẩn bị nhiên liệu khoảng 15.000 lít dầu, tương đương 250 triệu đồng. Số tiền này, so với thời điểm giá xăng dầu cách đây gần 1 tháng có giảm hơn 36 triệu đồng/chuyến, nhưng do sản lượng mỗi chuyến ra khơi không đảm bảo, cộng với giá của thương lái mua rẻ hơn từ 5.000-10.000 đồng/kg và nhiều chi phí khác, nên có chuyến ra khơi, tôi phải bù lỗ gần 100 triệu đồng”.
Kinh doanh vận tải "lao đao"
Lái xe cho hãng taxi Mai Linh Thanh Hóa đến nay đã được 15 năm nhưng chưa khi nào anh Lê Vạn Hùng, phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn) lại rơi vào tình cảnh ảm đạm như từ ngày 10-12 đến nay. Anh Hùng cho biết: "Vào thời điểm khi chưa có dịch COVID-19 và giá xăng không cao như bây giờ, sau khi trừ chi phí, công việc chạy xe chở khách của tôi cũng đem lại thu nhập từ 500.000-700.000 đồng/ngày. Hiện nay, giá xăng ở mức cao, nên bình quân mỗi tháng chở khách (chủ yếu là khách quen), sau khi trừ chi phí xăng xe, tôi chỉ thu được từ 2-3 triệu đồng/tháng mà chưa trừ chi phí hao mòn phương tiện, tiền ăn, chi phí sức khỏe.
Tương tự, anh Hoàng Ngọc Hòa (TP Thanh Hóa) lái xe cho hãng taxi Bắc Trung Nam, than thở: "Công chạy xe gần như bằng không, thậm chí là lỗ. Nếu giá xăng A95 vẫn ở mức giá 23.250 đồng/lít, cộng thêm tâm lý e dè của khách sợ lây nhiễm COVID-19 khi lựa chọn taxi là phương tiện di chuyển, tôi phải chuyển sang nghề khác”.
Xăng, dầu tăng giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của những lái xe như anh Hùng, anh Hòa... mà còn tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Về thực trạng này, các ông, bà: Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP taxi Bắc Trung Nam và ông Lê Đức Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa, cho biết: Dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã khiến doanh thu của công ty có thời điểm sụt giảm tới 75%. Trong khi đó, các khoản chi như: Hỗ trợ lái xe với mức từ 500.000-600.000 đồng/lái xe vào thời điểm xe dừng hoạt động 18 ngày để phòng, chống dịch; hỗ trợ mức 700.000 đồng/lái xe trong trường hợp cách ly y tế do lái xe tiếp xúc khách hàng là F0, F1...; các khoản chi trong phòng, chống dịch như: test nhanh COVID-19 cho đội ngũ lái xe; trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn... lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài khó khăn do ảnh hưởng của dịch lại thêm giá xăng tăng cao càng khiến doanh nghiệp thua lỗ, cạn kiệt nguồn lực, không còn đủ sức để hỗ trợ người lao động.
Giá xăng tăng cao, khách hàng giảm, không có thu nhập, nên nhiều lái xe taxi bỏ việc. Thực tế đến thời điểm này, Công ty CP taxi Bắc Trung Nam đã có 30 lái xe và Công ty TNHH Mai Linh có 58 lái xe bỏ việc. Vì vậy, để vượt qua khó khăn này, bà Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP taxi Bắc Trung Nam và ông Lê Đức Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa, cho rằng: Bản thân các doanh nghiệp đã tự điều chỉnh lại quy mô, tiết giảm bộ máy, chi phí, rất mong Nhà nước tiếp tục quan tâm có chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất ngân hàng, giảm phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ...