Xăng dầu tăng giá kỷ lục 'trăm mối tơ vò'

Trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ mới đây vào chiều 21-2, giá xăng trong nước đã tăng tới lần thứ 4 chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm và lập kỷ lục mới trong nhiều năm qua. Theo đó, xăng E5 RON92 có giá bán tối đa 25.532 đồng/lít và xăng RON95 là 26.287 đồng/lít; giá các loại dầu cũng tăng từ 273-936 đồng/lít, kg. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ mới đây vào chiều 21-2, giá xăng trong nước đã tăng tới lần thứ 4 chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm và lập kỷ lục mới trong nhiều năm qua. Theo đó, xăng E5 RON92 có giá bán tối đa 25.532 đồng/lít và xăng RON95 là 26.287 đồng/lít; giá các loại dầu cũng tăng từ 273-936 đồng/lít, kg. Cũng thời điểm này, giá gas bán lẻ cũng tăng 16 nghìn đồng/bình 12kg sau 2 lần giảm trước đó. Hai mặt hàng nhiên liệu, khí đốt thiết yếu tăng giá mạnh khiến cho nhiều mặt hàng tiêu dùng dự kiến sẽ chịu nhiều tác động phải tăng giá tạo áp lực chi tiêu đối với người tiêu dùng, cũng như làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa thực phẩm tại Siêu thị Go! (thành phố Nam Định).

Mặt bằng giá tiêu dùng tăng cao

Theo các chuyên gia kinh tế thì quy luật thị trường đã hình thành phản ứng mỗi khi xăng dầu tăng giá sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi ngành nghề sản xuất, kinh doanh và lập mặt bằng giá mới tùy vào mức độ tăng nhiều hay ít bởi đây là mặt hàng tác động đến chi phí cấu thành giá của hầu hết các lĩnh vực sản xuất và hàng hóa. Do đó mức tăng kỷ lục như lần này lại vào thời điểm vừa qua Tết Nguyên đán khi thị trường hàng hóa đang ở mức giá cao sẽ khó có cơ hội trở lại mức giá cũ trước Tết như mọi năm. Thêm vào đó trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn ra phức tạp đã tạo khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp, tiểu thương hộ kinh doanh dịch vụ và người tiêu dùng. Ngay khi giá xăng dầu tăng vào chiều ngày 21-2 thì cước phí vận tải đã tăng tối thiểu 20% so với trước đây khiến hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đều tăng giá tương ứng. Cụ thể cước phí vận chuyển hàng hóa từ Nam Định đi Hà Nội cũng tăng từ 40 nghìn đồng/bao, gói hàng lên 60-80 nghìn đồng. Các tuyến vận chuyển người và hàng hóa đi các tỉnh, thành phố khác trong toàn quốc cũng tăng tương ứng. Giá các loại hàng hóa trên thị trường cũng tăng đột biến. Hầu hết các loại hàng hóa công nghệ phẩm thường có tính ổn định giá cao nhưng cũng tăng từ 10-30% so với mặt bằng giá trước đây. Chị Phạm Thu Nga, chủ một sạp kinh doanh rau củ quả ở chợ Mỹ Tho cho biết, giá xăng dầu tăng kéo theo giá cước vận chuyển tăng cao gần gấp rưỡi so với trước Tết. Điều này khiến nhiều mặt hàng bán tăng khoảng 10 giá để bù cho các chi phí phát sinh… Nhóm chi phí dịch vụ như điện, nước, viễn thông, giáo dục, y tế cũng sẽ tăng theo. Như vậy cùng với giá một số nguyên liệu đầu vào của sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng vẫn còn ở mức cao thì việc tăng giá xăng dầu được lo ngại là “cú hích” tạo mặt bằng giá mới ở mức cao cho thị trường dịch vụ và hàng tiêu dùng trong khi người dân và nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài dịch dã.

Người dân lo lắng

Việc tăng giá xăng dầu cũng như khả năng tạo mặt bằng giá mới sau Tết này được Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc cuối năm 2021. Tuy nhiên ít ai ngờ là mức tăng quá cao như hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giá xăng, dầu ở ngưỡng cao kỷ lục đã gây không ít áp lực đối với người tiêu dùng trên địa bàn. Là người sinh sống tại thành phố Nam Định nhưng làm việc ở huyện Trực Ninh, mỗi ngày anh Trần Văn Vinh phải đi về quãng đường hơn 50km. Số tiền anh Vinh phải chi cho việc mua xăng đi về không hề nhỏ. Anh cho biết: thời gian qua, giá xăng thay đổi nhiều lần song những lần trước mức tăng ít không gây sốc như lần này. Với mức tăng trên 1.000 đồng/lít thì cũng là vấn đề đáng kể với việc đi lại của tôi. Trung bình, mỗi ngày đi làm, tôi tốn hơn 100 nghìn đồng tiền xăng, tăng hơn 15% so với trước đây. Tình trạng này kéo dài, sẽ là một áp lực lớn đối với định mức chi tiêu của tôi; chắc chắn tôi sẽ phải lựa chọn phương tiện khác đi lại để giảm bớt chi phí. Không chỉ gây khó khăn với người phải đi lại nhiều người nội trợ và các tiểu thương cũng băn khoăn không kém. Chị Nguyễn Thu Hương, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) lo ngại: Dịch bệnh liên miên phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập của chúng tôi tiền kiếm được thì giảm mà ra chợ mua thực phẩm mỗi ngày một giá khiến người lao động làm công ăn lương như chúng tôi rất khó xoay sở. Giá cả hàng hóa tăng, thu nhập của người dân hạn chế buộc người lao động phải tiếp tục tính toán thắt chặt chi tiêu cho phù hợp. Các doanh nghiệp cũng như “ngồi trên đống lửa” bởi xăng dầu chiếm tới 30-35% chi phí vận hành sản xuất, tổ chức dịch vụ. Băn khoăn nhất là các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bởi trong thời điểm dịch bệnh còn phức tạp vừa phát sinh chi phí cho việc đảm bảo an toàn phòng dịch, trong khi người dân thì hạn chế đi lại, mong đủ khách bù chi phí đã khó, nay giá xăng dầu lại tăng thì doanh nghiệp khó có thể bù lỗ được, còn tăng giá dịch vụ thì khách hàng lại không chấp nhận và lựa chọn phương tiện khác, kinh doanh đã khó lại càng thêm khó(!). Đại diện Công ty TNHH Mai Hoa chuyên thu gom, chế biến rác thải (thành phố Nam Định) cho biết: Hiện nay, Công ty có khoảng 50 phương tiện sử dụng nhiên liệu xăng, dầu thường xuyên vận hành phục vụ sản xuất như: ô tô thu gom rác, máy ủi, máy đào, xe nâng, xe ben, máy nghiền rác hữu cơ… Giá xăng dầu bật tăng cao khiến chi phí sản xuất bị “đội” lên rất nhiều. Trong khi, giá thành sản phẩm bán ra không tăng, khiến doanh nghiệp gặp khó.

Việc giá xăng dầu tăng không chỉ tác động đến đời sống sản xuất mà với mức tăng cao còn có nguy cơ kéo theo tình trạng lợi dụng trà trộn hàng kém chất lượng, gian lận về đo lường để trục lợi. Nhằm ngăn ngừa gian thương và lợi dụng gây bất ổn thị trường, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan trực tiếp chỉ đạo các ngành thành viên kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, nhất là những mặt hàng là nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất. Theo cơ quan quản lý thị trường, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh không xuất hiện tình trạng găm hàng chờ lên giá, bán xăng dầu kém chất lượng hay gian lận về đo lường. Giá các mặt hàng khác cũng điều chỉnh tăng, giảm trong hạn mức cho phép. Trong bối cảnh này, để thích ứng với mặt bằng giá mới, các doanh nghiệp cần tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, giảm tối đa chi phí đầu vào liên quan đến nhiên liệu. Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ kịp thời để các doanh nghiệp có thể vượt khó, duy trì sản xuất kinh doanh đảm bảo việc làm, thu nhập cho người dân./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202202/xang-dau-tang-gia-ky-luc-tram-moi-to-vo-2549357/