Xăng giả tràn lan thị trường, ai chịu trách nhiệm?
Trước thực trạng hàng loạt ông trùm xăng giả bị bắt, xăng giả tràn lan trên thị trường, TS Hoàng Mạnh Hùng - nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự cho rằng nguyên nhân do chưa thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước.
Người tiêu dùng chịu thiệt thòi nhưng khó khiếu kiện
Trao đổi với PV về việc hàng trăm triệu lít xăng giả tuồn ra thị trường, người tiêu dùng là nạn nhân có thể khiếu nại đòi bồi thường hay không, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, về nguyên tắc, người tiêu dùng có quyền đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, thực tế sẽ rất khó.
“Quan trọng là người tiêu dùng phải chứng minh. Tuy nhiên, hầu hết khi mua xăng, người tiêu dùng không lấy hóa đơn để chứng minh mình mua xăng đơn vị đó. Hơn nữa lại phải chứng minh thiệt hại xe cộ thế nào, nguyên nhân có phải từ xăng hay không. Đây cũng là một vấn đề đặt ra” - TS Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Chủ tịch hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, khi người tiêu dùng khiếu kiện, chỉ có tòa dân sự mới có thẩm quyền phán quyết việc bồi thường. Song, trước tòa, người tiêu dùng phải chứng minh mua xăng ở đâu, thiệt hại thế nào, nghĩa là phải có chứng cứ.
“Thiệt cho người tiêu dùng là như vậy. Quản lý nhà nước không chặt chẽ dẫn đến việc đó nhưng thiệt hại người tiêu dùng phải chịu. Dù biết rằng dùng xăng giả sẽ ảnh hưởng động cơ ô tô, xe máy và không loại trừ khả năng dẫn đến cháy, nổ. Do đó, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng còn rất nhiều bất cập” – ông Hùng cho biết.
Trách nhiệm thuộc về quản lý thị trường?
Để xảy ra việc các đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả hoạt động, TS Hoàng Mạnh Hùng - nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Giám đốc Trung tâm tư vấn giám định dân sự cho rằng, một phần nguyên nhân do chưa tốt trong vấn đề quản lý Nhà nước.
“Cần xem lại ai là người quản lý trực tiếp, những ai liên đới trách nhiệm. Quản lý Bộ nọ, bộ kia phải xác định cho rõ. Đồng thời phải có cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở thí nghiệm để kiểm tra đột xuất. Chứ không chỉ trông chờ vào cơ quan công lập thì nhà nước sẽ không kiểm soát được kịp, không nhạy bén kịp với sự làm giả xăng dầu. Kiểm soát nên quy vào công an cho rõ ràng. Tại sao các nước kiểm soát được thì mình phải rút được kinh nghiệm cho mình” - TS Hoàng Mạnh Hùng nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, liên quan vụ xăng giả Đồng Nai phần lớn trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý thị trường.
“Quản lý thị trường mới có quyền kiểm tra xăng giả, kém chất lượng. Do đó cần phải có xử lý trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan này khi để đường dây này hoạt động trong suốt thời gian dài. Ngoài ra, sai phạm tại vụ xăng giả Đồng Nai có liên quan đường dây trong hệ thống có cả Bình Dương, TP HCM nên cần xem xét trách nhiệm của cả quản lý thị trường ở Bình Dương” – Đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Theo đại biểu Hòa, thời gian qua, nhiều khách hàng đã trả tiền để mua xăng thật nhưng phải sử dụng xăng giả đã ảnh hưởng đến chuyện xe cộ của họ. Do đó đây là hành vi vi phạm trắng trợn và rất nghiêm trọng. Ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng liên quan đường dây cũng phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị liên quan đặc biệt là quản lý thị trường của Đồng Nai và Bình Dương.
“Đó là trách nhiệm của họ trong thời gian qua, nhưng họ để tình trang làm giả bán lận xảy mà không phát hiện xử lý được. Không chừng dư luận họ cho rằng có sự móc nối, tiếp tay với cán bộ của quản lý thị trường nên cần phải làm rõ và xử lý. Đây là cũng biện pháp tối ưu để phòng ngừa răn đe” – đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Đại biểu Đoàn Đồng Tháp cho rằng, xử lý nghiêm ở Đồng Nai, Bình Dương để phòng ngừa, răn đe cho nơi khác. Bộ Công thương cần chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường thường xuyên tăng cường, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cây xăng, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không dám làm chuyện phi pháp như những vụ việc đã xảy ra.