Xăng giảm giá 4 lần liên tiếp, TP HCM đề nghị doanh nghiệp bình ổn rà soát giá bán.
Sở Tài chính TP HCM đề nghị các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường rà soát giá bán để đánh giá việc điều chỉnh phù hợp với mức biến động giảm giá của xăng dầu trong cơ cấu hình thành giá.
Theo Sở Tài chính TP HCM, từ tháng 7 đến đầu tháng 8-2022, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm liên tiếp 4 đợt với mức giảm bình quân 7.270 đồng/lít xăng và 6.110 đồng/lít dầu diezen.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và hoạt động sản xuất - kinh doanh của tổ chức, cá nhân, Sở Tài chính TP HCM đề nghị các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường rà soát mức giá bán đăng ký tham gia chương trình hiện nay để đánh giá việc điều chỉnh phù hợp với mức biến động giảm giá của xăng dầu.
Trường hợp điều chỉnh giảm giá, các doanh nghiệp có văn bản đăng ký gửi về Sở Tài chính TP HCM. Trường hợp không điều chỉnh giảm giá, các doanh nghiệp cũng phải có văn bản phản hồi, phân tích cụ thể cơ cấu hình thành giá để làm cơ sở xem xét điều chỉnh trong thời gian tới.
Ngày 4-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số doanh nghiệp bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm ở TP HCM cho biết do giá nguyên liệu đầu vào biến động liên tục, giá bán các mặt hàng bình ổn thị trường vẫn bảo đảm thấp hơn thị trường theo tiêu chí của chương trình nên trước mắt, doanh nghiệp khó có thể giảm giá hàng bình ổn.
Đơn cử, với mặt hàng trứng gà/vịt bình ổn thị trường, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Thành Đạt, cho biết giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021 và vẫn trong xu hướng tăng. Ngoài ra, giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn hiện thấp hơn giá mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường 10%-15% (tiêu chí chương trình là thấp hơn 5% - 50%) nên doanh nghiệp chưa thể điều chỉnh giá lúc này.
Liên quan câu hỏi vì sao giá xăng dầu đã giảm nhưng giá hàng hóa, dịch vụ trên thị trường chưa giảm tương ứng, tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm ngày 3-7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM đã nêu một số phân tích.
Theo ông Vũ, xăng dầu chiếm tỉ trọng không lớn trong cơ cấu giá thành nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Giá xăng dầu giảm là điều kiện để điều chỉnh giá cả hàng hóa. Trong khi đó, nhiều hàng hóa đầu vào khác như thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu... tăng mạnh 2 năm qua, ảnh hưởng đến việc tăng giá chung. Do đó, để giữ ổn định thị trường thì các doanh nghiệp đang phải điều chỉnh nhằm tiết giảm chi phí giá thành.