Xăng giảm giá, hàng hóa vẫn chưa 'hạ nhiệt'
Khi giá xăng, dầu tăng mạnh, giá nhiều mặt hàng tăng theo. Thế nhưng, giá xăng, dầu sau nhiều lần điều chỉnh giảm, song giá hàng hóa thiết yếu vẫn chưa “hạ nhiệt”.
Người dân chọn mua hàng tại Siêu thị T-mart (thành phố Hưng Yên)
Sau kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu gần đây nhất của liên Bộ Tài chính - Công Thương vào ngày 22.8, xăng E5RON92 có giá 23.725 đồng/lít, xăng RON95-III giá 24.669 đồng/lít, giảm từ 7.500 – 8.200 đồng/lít so với cuối tháng 6 - thời điểm giá xăng, dầu trong nước lập đỉnh, ở mức: 32.870 đồng/lít đối với xăng RON95-III và 31.300 đồng/lít đối với xăng E5RON92. Giá các loại dầu cũng giảm mạnh so với cuối tháng 6, hiện ở mức: Dầu diesel giá 23.759 đồng/lít; dầu hỏa giá 24.056 đồng/lít; dầu mazut giá 16.548 đồng/kg. Giá xăng, dầu liên tiếp giảm mạnh trong thời gian qua đã bước đầu đáp ứng sự mong đợi của người dân và doanh nghiệp. Người dân mong muốn giá các loại hàng hóa sẽ giảm theo giá xăng, dầu. Tuy nhiên, đến nay hầu hết giá các loại mặt hàng đều đang “giậm chân tại chỗ”, thậm chí nhiều mặt hàng còn tăng giá.
Theo khảo sát tại một số chợ dân sinh, cửa hàng tại khu vực thành phố Hưng Yên và các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, giá nhiều mặt hàng thực phẩm hiện nay vẫn ở mức cao tương đương thời điểm giá xăng, dầu cao kỷ lục vào cuối tháng 6. Cụ thể: Giá thịt lợn dao động từ 120.000 đến 140.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp 70.000 đồng/kg; thịt gà ta 150.000 - 180.000 đồng/kg; thịt bò 220.000 - 250.000 đồng/kg; cá các loại 35.000 - 55.000 đồng/kg; các mặt hàng rau, củ, quả, trứng, gạo... vẫn giữ nguyên giá bán. Không chỉ các mặt hàng tươi sống mà ngay cả giá các loại thực phẩm khô, đồ uống cũng vẫn “đứng im”. Đơn cử, giá 1 chai dầu ăn 5 lít tại các cửa hàng vẫn giữ ở mức 250.000 – 310.000 đồng/chai, tùy loại dù trước đó đã tăng khoảng 30.000 - 50.000 đồng/chai khi giá xăng tăng; giá mỗi thùng mì tôm, sữa tươi cũng vẫn giữ nguyên dù trước đó tăng từ 10.000 đến 20.000 đồng/thùng. Một số quán ăn phục vụ cơm, bún, phở các loại vẫn giữ giá cao ở mức 35.000 - 40.000 đồng/suất tương đương thời điểm giá xăng ở mức cao, tăng 5.000 - 7.000 đồng/suất so với trước đó...
Bà Nguyễn Thị Mai, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên) cho biết: Giá xăng giảm nhưng giá thịt lợn ở lò mổ vẫn tăng nhẹ, do đó, giá bán lẻ tại chợ vẫn giữ nguyên, không giảm. Việc các sản phẩm từ thịt lợn giữ giá cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nên lượng tiêu thụ mỗi ngày cũng bị giảm sút đáng kể so với thời điểm giá thấp.
Lý giải về nguyên nhân giá các loại thực phẩm thiết yếu còn cao, phần lớn tiểu thương cho biết, mặc dù giá xăng, dầu đã giảm được nhiều ngày nay nhưng giá hàng hóa nhập vào vẫn ở mức cao nên chưa thể hạ giá bán. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, người sản xuất lo lắng mức giảm của xăng, dầu không bền vững gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tính toán giảm giá thành sản phẩm. Nhiều hộ chăn nuôi cho rằng, giá thịt, trứng tăng cao chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh so với năm trước. Do vậy, người sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cần thời gian để tính toán việc điều chỉnh giảm giá bán. Tuy nhiên, điều này khiến người tiêu dùng là người tiếp tục chịu thiệt khi phải loay hoay trong cơn “bão giá”.
Bà Nguyễn Thị Hạnh ở phường An Tảo (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Có một nghịch lý là, sau mỗi lần giá xăng, dầu tăng, ngay lập tức giá của hầu hết các mặt hàng đã tăng theo. Thế nhưng, khi giá xăng, dầu giảm nhiều lần, thì giá của hầu hết các mặt hàng vẫn “đứng im”, thậm chí nhiều mặt hàng còn tăng giá. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng sớm có các giải pháp bình ổn, “hạ nhiệt” giá hàng hóa theo giá xăng, dầu để người dân giảm áp lực trong chi tiêu”.
Khảo sát tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh, giá bán các mặt hàng, nhất là mặt hàng thực phẩm tương đối ổn định, không biến động quá nhiều. Chị Ngô Thị Thoa, Giám đốc Siêu thị The City (Yên Mỹ) cho biết: Trong những đợt xăng, dầu tăng giá đỉnh điểm, tại Siêu thị The City, tất cả các mặt hàng vẫn được bán với giá bình ổn, không tăng giá. Bởi trước đó, chúng tôi đã ký thỏa thuận về việc giữ ổn định giá bán các mặt hàng với các đơn vị cung cấp. Cùng với đó, siêu thị chủ động giảm lợi nhuận để bình ổn giá bán sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng...
Trước diễn biến giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hiện nay, Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã triển khai nhiều giải pháp giữ ổn định giá hàng hóa, dịch vụ. Ngày 31.7, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, yêu cầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá; trong phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền quản lý đẩy mạnh tổ chức, triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Để bảo đảm bình ổn thị trường mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng thịt lợn nhằm kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, ngày 25.8 Sở Công Thương ban hành Văn bản số 1314/SCT-QLTM về việc bình ổn thị trường mặt hàng thiết yếu. Theo đó, Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai chỉ đạo, tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt lợn trên địa bàn, tập trung nguồn lực tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, giảm giá thành sản xuất và giá bán sản phẩm; bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn, đồng thời có kế hoạch bảo đảm nguồn cung trong thời gian tới. Lực lượng quản lý thị trường tại địa phương và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, rà soát, đánh giá hệ thống kênh phân phối, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giá đối với các mặt hàng thiết yếu.