Xăng tăng chạm mốc kỉ lục mới, người dân nghĩ gì?
Chỉ trong thời gian 1 tháng, giá xăng trong nước tiếp tục lập kỷ lục mới và đây là lần thứ 4 giá xăng tăng liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 9 lần tăng, 3 lần giảm giá. Giá xăng dầu tăng khiến mặt hàng khác cũng tăng theo, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Trong kỳ điều hành mới đây, liên Bộ Công thương – Bộ Tài chính đã quyết định tăng giá xăng. Cụ thể, xăng E5 tăng 680 đồng/lít, giá bán là 29.630 đồng/lít. Xăng RON95 tăng 670 đồng/lít, giá bán là 30.650 đồng/lít. Việc
tăng giá xăng này đã kéo theo nhiều hàng hóa thiết yếu ngay lập tức có tín hiệu điều chỉnh tăng theo. Điều này đã và đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ, làm xáo trộn đời sống của người dân.
Với người lao động, ngày nay khi đi mua sắm phải suy nghĩ làm sao để mua sắm một cách hợp lý nhất khi tiền lương có hạn mà vật giá liên tục leo thang. Nhiều người dân đã có những quan điểm riêng về sự kiện giá xăng tăng liên tục 4 lần trong tháng 5 này.
Tiền làm trong một ngày trừ vào tiền đổ xăng cũng gần hết
Theo chị Phương Thanh - một tiểu thương ngụ tại quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “"Tôi cảm thấy rất lo lắng về giá xăng hiện tại. Trước đây nếu đổ đầy bình chiếc xe này của tôi chỉ khoảng 60.000 đồng thôi, nhưng mà từ khi giá xăng tăng thì toàn phải đổ gần 100.000 đồng mới đầy. Đặc thù của công việc là phải di chuyển nhiều trên đường, nên tần suất đổ xăng cũng lớn, thường cứ một ngày là lại phải đổ xăng một lần. Thu nhập trong một tháng của tôi thì có hạn, giờ lại phải trích thêm ra để đổ xăng. Nhiều lúc tiền làm trong một ngày trừ vào tiền đổ xăng cũng gần hết. Cuộc sống đã khó khăn vì dịch bệnh nay lại càng khó khăn hơn”.
Anh Đặng Long, hiện đang là sinh viên cũng gặp những khó khăn nhất định khi giá xăng dầu tăng: “Giá xăng tăng liên tục trong tháng khiến mình khá lo lắng. Hiện tại mình là sinh viên, tài chính chưa thực sự dư giả nên việc cân đối chi tiêu trong một tháng đối với mình là một bài toán khó. Khi mình đã có thể cân đối chi tiêu trong một tháng, thì cũng là lúc giá xăng tăng liên tục làm xáo trộn mọi thứ. Giờ mỗi tháng mình phải trích 1 khoản tiền ăn khá lớn, tầm 20-30% tiền ăn trong tháng để thêm vào tiền đổ xăng. Cuộc sống sinh viên xa nhà, bố mẹ gửi tiền mỗi tháng có hạn nên mình phải đi làm thêm để trang trải tiền đổ xăng”.
Di chuyển bằng các phương tiện công cộng
Tương tự như anh Đặng Long, chị Quỳnh Trang, một sinh viên cũng có những khó khăn nhất định khi giá xăng tăng: “Nhà mình ở cách trường khá xa, mỗi ngày phải di chuyển bằng xe máy gần 20 km đường đi và 20 km đường về. Thế nên cứ 2 ngày mình lại phải đổ xăng một lần. Mặc dù được ở cùng với gia đình, thế nhưng việc giá xăng tăng vẫn là một áp lực đối với gia đình mình. Trong những ngày tới, mình nghĩ là mình sẽ chuyển sang di chuyển bằng các phương tiện công cộng như xe bus để có thể tiết kiệm chi phí đi lại”.
Thắt lưng buộc bụng để không bị “âm tiền” mỗi cuối tháng
Chị Hằng Nga, hiện đang làm công chức nhà nước, đồng thời cũng là một người nội trợ trong gia đình cho biết: “Một tháng xăng tăng đến 4 lần cũng khiến sinh hoạt phí trong gia đình mình bị ảnh hưởng rất nhiều. Giờ mỗi ngày đi chợ, mình lại phải đau đầu tính toán để chi tiêu làm sao cho hợp lý, bởi giá xăng tăng kéo theo vật giá leo thang chóng mặt. Con số chi tiêu mỗi tháng cho việc mua sắm của cả gia đình cũng có hạn, thế nhưng việc giá cả tăng cao khiến cho mình phải lựa chọn giữa việc thắt lưng buộc bụng để có đủ tiền cho các khoản khác, hoặc trích từ các khoản khác ra để có đủ tiền cho sinh hoạt phí. Đấy là còn chưa tính đến việc tiền để đổ xăng cho xe cộ trong nhà cũng tăng lên rất nhiều. Đây là bài toán khó mà mình nghĩ không chỉ gia đình mình mà nhiều gia đình khác cũng phải đối mặt”.