Xanh hóa các công trình tại Việt Nam: Hướng tới phát triển đô thị bền vững
Ngày 27/5, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phối hợp với Cơ quan Năng lượng Đức (Dena) tổ chức Hội thảo 'Nâng cao năng lực về hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng tại Việt Nam: Hướng tới phát triển đô thị bền vững'.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Quốc Thắng, đại diện Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết: Đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ với tốc độ xây dựng cao, nhất là tại các đô thị lớn. Đi kèm với đó là hệ lụy từ việc khai thác, sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả, làm tăng lượng khí thải nhà kính, gây ô nhiễm và suy giảm chất lượng môi trường sống.

Hội thảo quy tụ đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, năng lượng và môi trường.
"Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng phát triển bền vững. Ngành Xây dựng, lĩnh vực tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba cả nước, cần đóng vai trò tiên phong trong việc chuyển dịch sang các mô hình công trình xanh, sử dụng hiệu quả năng lượng", ông Tạ Quốc Thắng nhấn mạnh.
Việc phát triển công trình xanh và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách trong tiến trình hiện đại hóa đất nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách chiến lược như: Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng "Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030; Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các chính sách này đều yêu cầu lồng ghép hiệu quả năng lượng trong toàn bộ vòng đời công trình.
Ngoài giải pháp kỹ thuật hiện đại, Việt Nam cũng chú trọng phát huy bản sắc kiến trúc truyền thống. Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 7/2/2023 về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam khuyến khích phát triển các mẫu nhà nông thôn sử dụng vật liệu địa phương, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng. Đây là cách tiếp cận phù hợp, nhất là tại vùng nông thôn nơi còn nhiều tiềm năng tiết kiệm năng lượng chưa được khai thác hiệu quả.
Phát triển công trình xanh là nền tảng cho đô thị Việt Nam vươn mình
Xu hướng công trình xanh và phát triển bền vững
Thúc đẩy công trình xanh: Hướng đến sống xanh, sống an toàn
Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra hai phiên thảo luận với chủ đề chính: "Tích hợp hiệu quả năng lượng trong xây dựng công trình vào chương trình đào tạo Đại học" và "Xanh hóa các công trình tại Việt Nam: Giải pháp cải tạo hướng tới một tương lai bền vững".
Hội thảo cũng là dịp tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm từ khóa tập huấn thí điểm về thiết kế tòa nhà tiết kiệm năng lượng và cung cấp nền tảng chuyển giao chương trình giảng dạy do trường Đại học Xây dựng và Dena phối hợp tổ chức.
Kết quả thu được không chỉ giúp nâng cao năng lực giảng dạy, mà còn là nền tảng quan trọng để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu chuyển đổi xanh trong ngành Xây dựng.