'Xanh hóa' cảng biển: Khó cũng phải làm

'Xanh hóa' cảng biển đang là xu hướng trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tuy nhiên để thực hiện được cảng xanh không phải là việc dễ dàng với các doanh nghiệp (DN).

Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển cảng xanh, theo kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển cảng xanh tại Việt Nam sẽ áp dụng bắt buộc từ sau năm 2030. Ảnh: ĐỨC QUANG.

Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển cảng xanh, theo kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển cảng xanh tại Việt Nam sẽ áp dụng bắt buộc từ sau năm 2030. Ảnh: ĐỨC QUANG.

Những cảng biển xanh

Được phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, ngày 2/6/2021, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã ban hành Quyết định số 710 kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển cảng xanh tại Việt Nam. Theo đó, lộ trình trong Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam, dự kiến từ năm 2030, tiêu chí cảng xanh trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam sẽ là áp dụng bắt buộc, dựa trên 6 nhóm tiêu chí gồm: nhận thức về cảng xanh; sử dụng tài nguyên; quản lý chất lượng môi trường; sử dụng năng lượng; ứng dụng công nghệ thông tin; giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tân Cảng Cát Lái là đơn vị tiên phong, nắm bắt xu thế xanh hóa đã đầu tư cải tạo trang thiết bị, chuyển từ chạy dầu sang sử dụng điện hoặc các nhiên liệu sạch cho cần cẩu, xe chạy trong cảng. Đơn vị này cũng có những giải pháp giảm bụi trong không khí, giảm tiếng ồn như sử dụng sà lan để vận chuyển hàng thay vì xe container. Từ năm 2018, Tân Cảng Cát Lái đã trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam được Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) công nhận là “Cảng xanh” vì đạt các tiêu chí của Chương trình Hệ thống cảng xanh (GPAS).

Năm 2021, Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cũng đón giải thưởng “Cảng xanh 2020” do Hội đồng Mạng lưới dịch vụ Cảng APEC (APSN) trao tặng. Từ năm 2022, Cảng Quy Nhơn (Bình Định) cũng bắt đầu chuyển sang mô hình cảng biển điện tử (Eport) giúp khách hàng cập nhật tình trạng dữ liệu tàu, hàng hóa thực tế toàn thời gian 24/7. Đồng thời, cảng này cũng hoán cải hai cẩu QC, từ cẩu sử dụng dầu diesel sang sử dụng điện nhằm tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

Mới đây, cảng quốc tế Long An (tỉnh Long An) đã ứng dụng phát triển logistics xanh trong toàn bộ chuỗi hoạt động thông qua sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm tài nguyên, tối ưu quy trình, giảm thiểu rác thải, khí thải, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất. Các công trình trên cảng lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng, áp dụng công nghệ tiên tiến (CATOS, MOST); đội xe đầu kéo đáp ứng tiêu chuẩn EURO-5 về giảm khí thải; thiết bị cẩu sử dụng điện 100%...

Bài toán về nguồn vốn đầu tư

Đầu tư cảng biển theo hướng xanh là xu thế tất yếu của thế giới cũng như tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các DN cảng tại Việt Nam hiện nay nói chung là kinh phí đầu tư, vốn cho tái cấu trúc, nâng cấp cho phát triển mô hình cảng xanh…

Phó Giám đốc Cảng Quy Nhơn Hồ Liên Nam cho rằng, đầu tư cảng xanh là bài toán khó. Nguồn vốn đầu tư là một nỗi lo. Riêng hệ thống bàn nâng, băng tải và hệ thống điện đã có kinh phí là 41 tỷ đồng. Hiện DN đang triển khai dự án đầu tư thiết bị xếp dỡ cho bến số 1 với 2 cần trục đa năng, tổng kinh phí dự kiến lên đến 70 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho công nghệ thông tin cũng ngốn không ít chi phí.

Hiện các DN cảng biển đều sử dụng các phần mềm khác nhau, tùy từng phần mềm của mỗi DN thực hiện theo kiểu mua đứt, hay hợp tác cùng viết hoặc mua của các thương hiệu nước ngoài, mức đầu tư có thể rơi vào hàng triệu, hoặc lên tới cả chục triệu USD.

Nhiều DN cho biết, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm. Hầu hết DN đang thiếu vốn do khó tiếp cận được những khoản vay tín dụng cho các dự án tiết kiệm năng lượng. Cơ chế hỗ trợ cho các DN đầu tư thay thế dây chuyền lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường còn chưa được quan tâm thích đáng. Hiện nhà nước chưa có các cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cho các DN để thực hiện chuyển đổi sang năng lượng xanh, còn các DN chưa ước tính được tổng kinh phí cho việc này. Khi chuyển đổi mô hình sang cảng thông minh, việc đầu tư các trang thiết bị điện tử khá tốn kém. Vốn đầu tư rất quan trọng, nên không dễ để các DN có thể đầu tư các trang thiết bị hiện đại.

Đại diện của Cục Hàng hải cho biết, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển cảng xanh, theo kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển cảng xanh tại Việt Nam sẽ áp dụng bắt buộc từ sau năm 2030. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, cơ quan quản lý bước đầu chỉ khuyến khích các đơn vị chuyển đổi phương tiện tại những cảng đầu tư mới, sử dụng phương tiện dùng năng lượng xanh.

Mặc dù vậy, trong xu hướng toàn cầu, nếu cảng biển Việt Nam không “xanh” khi tham gia mắt xích chuỗi logistics toàn cầu sẽ dễ dàng bị loại khỏi cuộc chơi. Hiện nay đã có tình trạng, một số mặt hàng sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu đi những nước châu Âu, Mỹ, các hãng tàu yêu cầu phải vận chuyển đến cảng Cái Mép để xuất hàng và hàng phải được vận chuyển trên sà lan “xanh”, rồi tới cảng “xanh”... Cho tới khi đạt đủ các tiêu chí đó mới được xuất hàng vào các thị trường này.

HÀ AN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xanh-hoa-cang-bien-kho-cung-phai-lam-10288174.html